- Sáng ngày 5/3, sương mù bao phủ khắp Hà Nội khiến các phương tiện giao thông đều phải bật đèn và di chuyển rất khó khăn do tầm nhìn bị hạn chế.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương (TTDBKTTVTƯ), nguyên nhân dẫn đến sương mù là do lưỡi áp cao lục địa suy yếu và biến tính kết hợp với hoạt động của dòng xiết gió tây.


Sương mù dày đặc khiến các phương tiện di chuyển khó khăn. (Ảnh: ANTĐ)
Các chuyên gia khí tượng lý giải, hiện tượng sương mù bao phủ dày đặc là do sự chênh lệch nhiệt độ giữa ban đêm và ban ngày. Độ chênh càng lớn thì sương mù càng nhiều.

Tuy vậy, dù dày đặc sương mù nhưng nhiệt độ tại khu vực này vẫn tăng thêm 1-2 độ C, trung bình ở mức 19-25 độ, trời nhiều mây, sáng và đêm có mưa phùn và sương mù.



Khu vực Văn Quán, Hà Nội chìm trong sương mù sáng 5/3. (Ảnh: Phạm Hải)

Hồ Văn Quán mờ hơi sương. (Ảnh: Phạm Hải)

Trong khi đó, các tỉnh bắc Trung Bộ chịu ảnh hưởng gián tiếp của hình thái thời tiết khu vực Bắc Bộ nên duy trì mưa và mưa nhỏ, một vài nơi ở phía Tây xuất hiện mưa rào nhẹ, mưa còn lan xuống phía bắc của khu vực các tỉnh trung Trung Bộ và lan vào đến Thừa Thiên Huế, nền nhiệt độ tại các khu vực này ít thay đổi. Sáng nay, từ 5h-8h, trên địa bàn Thừa Thiên - Huế cũng xuất hiện sương mù dày đặc.

Sương mù bao phủ Đại nội Huế. (Ảnh: Petrotimes)
Khu vực Nam Bộ lại xuất hiện nắng nóng. Nắng xuất hiện từ sáng sớm và đến 5 giờ chiều.

Theo TTDBKTTVTƯ, hiện tượng sương mù sẽ diễn ra trong vài ba ngày tới. Cho đến ngày 8-9/3, sẽ có một đợt không khí lạnh. 

Hiện tượng sương mù không chỉ gây cản trở giao thông mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe người dân. Các chuyên gia y tế khuyến cáo, với thời tiết sương mù nên hạn chế tập thể dục ngoài trời buổi sáng; lưu ý trang bị khẩu trang, áo ấm để hạn chế sương mù xâm nhập vào cơ thể.

Đức Bảo