- Hơn 2 giờ đồng hồ, 4 chiếc xe tăng quần thảo gầm rú kéo nhưng ngôi đình vẫn đứng trơ trơ. Thấy ngôi đình không sập, bọn lính đi càn cứ tưởng ngôi đình quá thiêng nên sì sụp lạy trước khi lên xe kéo quân chạy ra khỏi làng...

Huyền thoại về ngôi đình cổ ẩn chứa bao điều bí ẩn cũng như cây rõi hàng trăm năm tuổi sừng sứng giữa trời xanh với bao chuyện hoang đường về cây cổ thụ biết tránh bom đạn để bảo vệ dân làng qua những biến cố đau thương những năm chiến tranh ác liệt vẫn là bí ẩn chưa có lời giải thích...

Huyền thoại ngôi đình cổ

Ngôi đình làng cổ Thạch Tân (xã Tam Thăng, TP. Tam Kỳ, Quảng Nam) xây dựng từ năm nào chẳng ai nhớ nổi. Trong ký ức của mình, những bậc cao niên nơi vùng cát này chỉ biết một điều rằng đình làng Thạch Tân xây cùng lúc với đình Chiên Đàn nổi tiếng chỉ cách làng Thạch Tân khoảng 1 km đường chim bay.

Ông Lê Khắc Phiến chỉ nơi dấu tích dây xích sắt xe tăng Mỹ kéo vẫn còn in dấu trên cột đình cổ Thạch Tân.

Ông Lê Khắc Phiến, nguyên Trưởng An ninh Thạch Tân, người bám trụ tại làng Thạch Tân suốt những năm chiến tranh ác liệt nhớ lại cảnh đạn bom cày xới và những trận càn kinh hoàng của lính Mỹ biến vùng đất cát này thành hoang mạc không một bóng cây.

"Đến mãi bây giờ tui vẫn không thể nào lý giải được vì sao ngôi đình cổ vẫn tồn tại. Tui không nói là mê tín, nhưng có những điều khó mà lý giải được vì sao...?” - ông Phiến kể.

Những kỳ tích nơi đình làng này dẫu lịch sử được ghi lại rõ ràng, nhưng vẫn còn đó nhiều bí ẩn mà rất ít người biết. Nơi ngôi đình cổ toạ lạc chỉ cách tỉnh đường Quảng Tín (nay là trụ sở UBND tỉnh Quảng Nam) chưa đầy 1,5 km đường chim bay.

Cách quốc lộ 1A và các cứ điểm chốt chặn của lính Mỹ khoảng hơn 800 m. Thế nhưng, ngay dưới đình làng này là kho chứa lương thực cùng trạm xá dã chiến của quân giải phóng và là cửa chính của hệ thống địa đạo dài hơn 38 km kéo dài qua nhiều làng xóm xuống tận sát biển.

Mặc dù nằm sát nách các đồn bốt, các cứ điểm chốt chặn và trung tâm đầu não của chế độ cũ, nhưng suốt nhiều năm dài, quân địch không hề hay biết dưới lòng đất đình làng Thạch Tân là cứ điểm quan trọng của lực lượng quân giải phóng và du kích địa phương bám trụ nơi vùng ven biển bị cày trắng này.

Sức mạnh kỳ bí từ ngôi đình cổ


Lục trong trí nhớ tuổi tác già nua của mình, ông Phiến cùng những cụ già nơi làng Thạch Tân này bắt đầu kể lại buổi chiều kinh hoàng mà mãi mãi ông không thể nào quên.

Đó là vào một buổi chiều tháng 2 sau tết Mậu thân 1968, trong số chiến sĩ của Huyện đội Bắc Tam Kỳ bất ngờ có một người tên Cẩm ra hàng giặc và khai báo toàn bộ cơ sở và hệ thống địa đạo dưới lòng đất đình làng Thạch Tân.

Đình làng cổ Thạch Tân với bao huyền thoại vẫn trường tồn qua hơn 300 năm

Ngay sau đó, một lực lượng lính Mỹ hùng hậu bắt đầu càn quét với mục tiêu san phẳng ngôi đình cổ và đánh bật khu địa đạo dưới lòng cát trắng để tiêu diệt quân giải phóng.

Nhiều bậc cao niên nơi làng Thạch Tân vẫn còn nhớ như in trận càn quét kinh hoàng vào làng trong buổi sáng tháng 2 sau tết Mậu thân 1968.

Trên trời có máy bay yểm trợ, dưới đất thì chia thành 4 cánh quân, mỗi cánh có 6 xe bọc thép M113 dẫn đầu, hùng hổ tiến vào làng.

Trước khi càn quét, pháo từ căn cứ Chu Lai, Tuần Dưỡng cách đó hơn 10 km đường chim bay bắn cấp tập dọn đường. Cả làng Thạch Tân bé nhỏ bị cày xới.

Tên Cẩm dẫn lính Mỹ và một số lính Sài Gòn đi theo làm phiên dịch, xông thẳng tới nhà ông Tân nằm cạnh đình làng. Lúc này, ông Tân đã ngoài 68 tuổi, điềm nhiên ngồi chẻ tre đan rổ trước hiên nhà.

Toán lính Mỹ xông vào bắt trói ông Tân và cô con gái 12 tuổi lôi ra miệng địa đạo đánh đập dã man và bắt hai cha con ông phải gọi bộ đội dưới địa đạo lên hàng.

Bọn lính Mỹ đánh đập tra khảo cha con ông Tân từ sáng đến chiều khiến ông Tân như chết đi sống lại nhiều lần nhưng vẫn không khai thác được thông tin.

Cuối cùng, bọn chúng dùng dây dù trói giật cánh khuỷu và dòng dây buộc ông bò xuống địa đạo bảo du kích, bộ đội ra hàng.

Trên miệng hầm, chúng giữ dây dù và thả dần xuống; đồng thời cũng lăm lăm súng đe dọa, nếu ông Tân không nghe lời sẽ bắn tan xác cô con gái. 

Còn ông Phiến nhớ lại: Lúc đó tui cùng ông Nguyễn Đinh ngồi ngoài gần miệng hầm nên nghe rõ bọn Mỹ tra tấn và yêu cầu cha con ông Tân 'kêu gọi Việt Cộng lên đầu hàng'.

Lúc đó tui bàn tính với anh Đinh là bằng mọi giá phải giải cứu cha con ông Tân. Nhưng bằng cách nào thì chưa nghĩ ra.

"Khi đối mặt với chuyện sinh tử của hai cha con ông Tân trên miệng hầm địa đạo, anh em tụi tui cũng đang cận kề với cái chết thế mà bình tĩnh đến lạ lùng. Đúng là trong cái khó ló cái khôn anh ạ...” - ông Phiến bồi hồi nhớ lại.

“Lúc đó tui và anh Đinh nhanh chóng hội ý phương án: Khi ông Tân xuống hầm, hai anh em sẽ đón ông Tân và bảo ông Tân quay lại lên, giả vờ khóc nói với bọn chúng là ở dưới hầm tối quá, mắt mờ không nhìn thấy nên cần có con gái bò trước dẫn đường để kêu gọi 'Việt cộng ra đầu hàng'... - ông Phiến kể.

Khi cha con ông Tân xuống địa đạo, ông giữ chặt dây trói ông Tân mà lần tới như thể ông Tân đang bò để giặc khỏi nghi ngờ, còn ông Đinh nhanh chóng dùng dao cắt dây trói cho ông Tân.

Sau đó ông Đinh đưa cha con ông Tân sang ngách hầm khác, dùng bao đất lấp lại.

“Khi miệng ngách thông chỉ còn vừa lọt người qua, tui cột dây dù vào rễ cây dưới địa đạo, rồi tuồn qua lỗ ngách lấy bao đất lấp kín lại kiên cố hơn. Sau đó, mọi người di chuyển trong địa đạo đi chỗ khác".

Một góc đình làng cổ Thạch Tân

Ở bên trên, giật dây một hồi không thấy cha con ông Tân quay lên, bọn giặc tập trung súng phun lửa bắn xuống, ném theo hàng trăm quả lựu đạn. Rồi đổ xuống mấy thùng chất độc hòng giết chết người dưới địa đạo.

Nhưng, ngách thông đã lấp kín nên hàng nghìn người dưới địa đạo không hề ảnh hưởng.

Tức tối vì để thoát cha con ông Tân, cũng chẳng bắt được tên Việt cộng nào, bọn lính Mỹ đi càn bắt đầu dùng mìn dây và dây xích cột vào hai hàng cột gian giữa đình làng Thạch Tân rồi cho 4 xe bọc thép đồng loạt nổ máy kéo đánh sập đình làng.

Nhưng hơn 2 giờ đồng hồ 4 chiếc xe tăng quần thảo gầm rú kéo nhưng ngôi đình vẫn đứng trơ trơ giữa cát trắng.

Thấy ngôi đình không sập, bọn lính đi càn cứ tưởng ngôi đình quá thiêng nên sì sụp lạy trước khi lên xe kéo quân chạy ra khỏi làng...

Vũ Trung

(Còn tiếp)