- Kể từ khi phát hiện trường hợp trẻ bị tay chân miệng lần đầu tiên vào ngày 14/2, đến nay toàn thành phố Đà Nẵng đã ghi nhận thêm 234 ca bị tay chân miệng, là địa phương cao thứ 2 toàn khu vực miền Trung có số trẻ mắc bệnh này.

Chiều ngày 6/3, UBND thành phố Đà Nẵng đã tổ chức cuộc họp giữa các ban ngành liên quan nhằm triển khai kế hoạch phòng chống dịch tay chân miệng diễn ra trên địa bàn.

Hiện nay, Đà Nẵng là địa phương cao thứ 2 tại khu vực miền Trung mắc bệnh tay chân miệng, thấp hơn Khánh Hòa là 271 ca. Sau 3 tuần phát hiện và bùng phát mạnh, dịch này xuất hiện tại 50/56 xã, phường toàn thành phố Đà Nẵng.

Trung tâm Phụ sản nhi luôn trong tình trạng quá tải vì dịch tay chân miệng
Trong số 235 ca nhiễm tay chân miệng, quận Hải Châu là địa phương ghi nhận số ca nhiễm cao nhất với 51 ca, tiếp đến là Thanh Khê 34 ca, Ngũ Hành Sơn 30 ca…, đa số đều dưới 5 tuổi. Theo Trung tâm y tế dự phòng, dịch tay chân miệng năm nay có sự xuất hiện của chủng virut mới mang tên Enterovirut 71, đây là loại vi rút có khả năng gây biến chứng tử vong cao nên đã khiến tình hình dịch bệnh thêm căng thẳng.

Hiện nay, các ca lây nhiễm tay chân miệng đều được điều trị tại Trung tâm Phụ sản nhi, Bệnh viện Đà Nẵng. Theo Bác sĩ Nguyễn Văn Ngữ, Khoa Y học nhiệt đới, hiện Trung tâm đang nhận điều trị 345 ca mắc bệnh tay chân miệng đến từ Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi…, trong đó 17 có trường hợp biến chứng nặng.

Theo ông Đặng Hùng Chiến, Giám đốc Sở Y tế, Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống tay chân miệng ngành y tế thành phố Đà Nẵng, hiện nay địa phương đã cường thêm trang thiết bị và nhân lực cho khoa Y học nhiệt đới của trung tâm Phụ sản nhi để đảm bảo công tác khám sàng lọc, điều trị và cách ly, tránh lây lan ra cộng đồng; ngoài ra sẽ tăng cường thêm các 14 cán bộ y tế dự phòng lập các đoàn kiểm tra, giám sát và truyền thông đến từng hộ gia đình.

Phan Chung