- “Các doanh nghiệp biết tăng giá xăng dầu sẽ ảnh hưởng tới chi phí đầu vào, nhưng chưa chắc giá cước đã tăng đợt này”.

Ngày 7/3, ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Hà Nội cho biết xung quanh lo ngại việc tăng giá xăng dầu sẽ ảnh hưởng tới giá cước vận tải.

Như VietNamNet đã thông tin, từ 16h ngày 7/3, giá xăng dầu đã chính thức được điều chỉnh tăng.

Cụ thể, xăng điều chỉnh tăng thêm 2.100 đồng/lít; Diezel điều chỉnh tăng thêm 1.000 đồng/lít; dầu hỏa điều chỉnh tăng thêm 600 đồng/lít; Madut điều chỉnh tăng thêm 2.000 đồng/kg.

Cùng ngày, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường khẳng định: “Việc tăng giá cước vận tải lâu nay vẫn do Hiệp hội vận tải đề xuất sau khi căn cứ vào thực tiễn tăng giá phí đầu vào. Sau khi hiệp hội đã tập hợp ý kiến các thành viên của mình sẽ quyết định mức tăng giá cước. Bộ GTVT sẽ chấp nhận theo đề xuất của hiệp hội, vì đây là vấn đề đã được xã hội hóa từ lâu”.

Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Hà Nội khuyến cáo, các doanh nghiệp vận tải cũng phải tự kiềm chế. Nếu tăng mà doanh nghiệp khác không tăng có thể sẽ mất khách.
 



 
Trong khi đó, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam cho biết: Hiệp hội đã khuyến cáo các đơn vị thành viên về việc xăng, dầu có thể tăng giá từ cách đây một tháng, để các đơn vị chủ động phương án thay đổi cước vận tải.

Ông Hùng cũng đánh giá: Với thực tế giá xăng tăng 10% sẽ khiến chi phí hoạt động vận tải taxi tăng khoảng 5%, còn dầu diezel tăng khoảng 5% sẽ làm chi phí vận tải hàng hóa, hành khách tăng khoảng 2%.

Do vậy, các hãng taxi có khả năng sẽ phải điều chỉnh giá trong thời gian tới. Nhưng để làm được điều này nhanh nhất cũng phải mất khoảng nửa tháng. Bởi, các doanh nghiệp cần báo cáo, đề xuất mức tăng và thực hiện điều chỉnh đồng hồ tính cước với sự giám sát của các cơ quan chức năng.

Ông Hùng cũng cho biết, hiệp hội đã khuyến cáo các doanh nghiệp chỉ nên tăng giá cước khi giá xăng, dầu tăng từ 10% trở lên.

Trong trường hợp này, có thể các hãng taxi sẽ phải điều chỉnh giá cước. Còn vận tải hàng hóa và hành khách cần bình tĩnh tính toán, tổ chức vận tải hợp lý để tiết kiệm chi phí.

Ông Bùi Danh Liên cho rằng, việc nâng giá cước vận tải là một việc làm rất vất vả của các doanh nghiệp, khi phải tính toán lại giá thành, đăng ký giá với cơ quan nhà nước, phát hành vé…

“Các doanh nghiệp còn phải chờ xem giá cả xăng dầu còn tăng hay giảm gì nữa không. Nếu cứ tăng giảm liên tục theo xăng dầu sẽ gây tốn kém vì chi phí in ấn vé, niêm yết giá cước… Trong khi đợt tăng giá xăng, dầu này mức tăng cũng không lớn, nếu có tăng giá cước cũng chẳng đáng bao nhiêu”, ông Liên nhận đình.

Ông Liên khuyến cáo, các doanh nghiệp vận tải cũng phải tự kiềm chế. Nếu doanh nghiệp này tăng mà doanh nghiệp khác không tăng có thể sẽ mất khách.

Vũ Điệp