- Mặc dù cán bộ địa phương có can ngăn việc lấy chồng Hàn Quốc khi cả hai chưa tìm hiểu thấu đáo, nhưng cô gái vẫn nhắm mắt đưa chân để rồi nhận kết cục đau đớn. Điều đau lòng hơn…sau tấm bi kịch ấy, gia đình cô dâu cũng không nhớ nổi cái tên của chàng rể ngoại.

Chồng ngoại trầm cảm ra tay giết vợ

Liên quan đến vụ “cô dâu Hàn Quốc” quê Cần Thơ bị chồng giết mà  VietNamNet đã thông tin, bà Nguyễn Thị Phương Thu, trưởng phòng hành chính Tư pháp thuộc sở Tư pháp TP.Cần Thơ xác nhận, hiện đại diện của chính quyền Cần Thơ và gia đình nạn nhân đã có mặt tại Hàn Quốc để làm thủ tục đưa thi thể nạn nhân xấu số Phạm Thị Loan (SN 1974, ngụ khu vực Thới Hòa 2, P.Thới Thuận, Q.Thốt Nốt, TP.Cần Thơ) về nước an táng theo nguyện vọng của gia đình.

Theo xác nhận của chính quyền Cần Thơ, thông tin mà họ nhận được từ phía cơ quan chức năng Hàn Quốc, chú rể ngoại gây ra cái chết thương tâm của chị Loan là Eom Yang Ock (SN 1963, ngụ tại hạt Jeongseon, tỉnh Gangwon, Hàn Quốc).

Nguyên nhân ban đầu xác định, do Eom Yang Ock có dấu hiệu bị trầm cảm, đã bóp cổ cô vợ Việt Nam cho đến chết. Sau đó người đàn ông này cũng đã tử vẫn.

Bà Nhu còn cho biết thêm, Eom Yang Ock đã từng có một đời vợ, nhưng người đàn bà xấu số này đã qua đời vì bệnh tật, để lại 2 đứa con ở độ tuổi đi học.

Về cuộc hôn nhân giữa Eom Yang Ock và chị Phạm Thị Loan, đại diện Sở Tư pháp xác nhận 2 người này đăng ký kết hôn tại Hàn Quốc, sau đó mới về tổ chức, ghi chú kết hôn tại TP.Cần Thơ.

Theo đó, chị Loan đã được cơ quan chức năng thực hiện quy trình 2 lần phỏng vấn và theo bà Nhung thì “lúc đó chị Loan trình bày là 2 người đã có giai đoạn tìm hiểu nhau, tự nguyện kết hôn và chính quyền địa phương thực hiện theo đúng các quy định của pháp luật”.

Ông Dương Chánh Trị, cán bộ hộ tịch P.Thới Thuận, Q.Thốt Nốt kể thêm: vào giai đoạn tháng 8/2011, chị Loan có đến cơ quan này để xin xác nhận độc thân. Hỏi chuyện ông biết chị Loan lấy chồng Hàn Quốc và có ý kiến can ngăn.

Khi ấy ông Trị có đem những bi kịch cay đắng của “cô dâu xứ Hàn” từng xảy ra trước đó để thuyết phục.

“Thế nhưng Loan quyết định sẽ xuất ngoại, đến nay thì bi kịch “cô dâu xứ Hàn” lại tiếp diễn” – ông Trị nói trong sự thương cảm về trường hợp của chị Phạm Thị Loan.

“Hôn nhân qua môi giới” – thêm một bi kịch  

P.V VietNamNet đã tìm đến căn nhà của gia đình chị Phạm Thị Loan. Tiếp chuyện chúng tôi là cha ruột chị, ông Phạm Văn Ri…

Ông Ri xác nhận, ông hay tin con gái bị chồng sát hại vào chiều 6/3, thông qua một người hàng xóm cũng có người thân lấy chồng Hàn.

Ông Ri kể rằng, Loan là đứa con thứ 4 trong gia đình có đến 8 anh chị em, do mẹ bệnh tật qua đời sớm nên Loan rất vất vả, không được học hành đầy đủ.

Cũng chính vì thế mà đường tình duyên của Loan khá lận đận.

Ông Phạm Văn Ri uống rượu mừng từ tay chàng rể ngoại mà ông không ngờ chỉ 2 tháng sau chính chàng rể ấy đã tước đi mạng sống của con gái ông.

Loan mở tiệm tóc tại quê, làm phụ giúp gia đình. 38 tuổi đời của một người phụ nữ, Loan mới chính thức một lần bước lên xe hoa, nhưng đó lại là cuộc hôn nhân thông qua môi giới, để rồi xuất ngoại và nhận lấy đắng cay nơi xứ người.

Điều đáng nói là khi P.V VietNamNet hỏi thăm về “chàng rể ngoại”, ông Ri cũng không thể nhớ được nổi cái tên.

Có thể người đàn ông quê mùa, ít học ấy khó có thể gọi tên chàng rể theo….ngôn ngữ ngoại, nhất là khi nỗi đau mất con ập đến; thế nhưng điều đáng nói là những người khác trong gia đình ông Ri cũng không thể nhớ ra được cái tên của chồng chị Loan.

Ông Ri và những người thân kể về cuộc mai mối chóng vánh, dẫn đến đám cưới cũng hết sức “tốc hành” của chị Loan.

Khi đó, Loan đang làm việc tại tiệm tóc thì một người bạn của chị (đã lấy chồng và định cư tại Hàn Quốc) có gọi về kể rằng, có một người đàn ông Hàn Quốc (tức Eom Yang Ock) ở gần nơi chị sống, làm nghề thầu xây dựng, gia đình thuộc loại khá giả lại lâm vào cảnh mất vợ, muốn đi thêm bước nữa với người phụ nữ Việt.

Người bạn nói có ý mai mối và chị Loan đồng ý.

Sau thời gian trao đổi qua lại điện thoại ngắn ngủi thì đến đầu tháng 1/2012 giữa Eom Yang Ock và chị Loan đi đến cuộc hôn nhân vội vã.

Người chị họ của chị Loan kể, trước ngày cưới người thông dịch viên có đưa cho gia đình Loan 10 triệu đồng để mua nhẫn cưới.

Vì thấy ngày vui của Loan quá sơ xài, nên các chị em, bà con họ hàng của Loan mỗi người chung tay một ít, gom góp để có thêm vài bàn tiệc.

Chị Phạm Thị Loan và chồng ngoại trong ngày cưới.

“Thằng chồng của Loan hiền lắm, ai nhìn cũng có cảm tình. Ấy vậy mà nó gây ra cái chết cho con gái tôi. Ai mà ngờ chứ… ” – ông Ri chua chát nói.

Cưới xong 15 ngày sau (nhằm ngày 28 tết Nhâm Thìn) Loan theo chồng về nước.

Một người em ruột của chị Loan kể thêm, khi sang Hàn Quốc làm dâu, chị Loan thường gọi điện về hỏi thăm gia đình và thông báo, được gia đình chồng đối xử rất tốt, không phải làm việc gì nặng nhọc và…không phải làm dâu vì vợ chồng sống ở nhà riêng.

Ngoài ra trong ngày giỗ của mẹ (ngày 24/2) chị Loan còn gọi điện về hỏi han từng người và thông báo sẽ gửi quà về cho ông Ri, các anh chị em thông qua một người bạn sắp về nước. Thế nhưng bao toan tính, dự định của Loan đã không thành hiện thực nữa.

Một điều mà Loan kể trong các cuộc điện thoại về nhà, chính là việc mẹ chồng có ý “quở trách” người thông dịch viên là đưa cho nhà chị Loan quá ít tiền trong ngày cưới, chỉ có 10 triệu đồng, như thế là để nhà gái thiệt thòi nhiều.

Phía gia đình của chú rể Eom Yang Ock xác nhận, đã có đưa cho một người môi giới tên Hà số tiền lên đến 10.000 USD để lo đám cưới?

Và sau 2 tháng theo chồng xuất ngoại, chị Loan đã phải nhận lấy bi kịch đắng cay cuộc đời.

Lại thêm một bi kịch mang tên… hôn nhân môi giới. Dù trong những năm gần đây liên tiếp xảy ra những bi kịch ấy, vậy mà những cô gái miền Tây nào có ngộ ra?

Đàm Đệ