- Xung quanh vụ Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc (trước đây) của Công ty cổ phần Thuỷ sản Bình An (Bianfishco) ở TP Cần Thơ đang ở nước ngoài với lý do điều trị bệnh, trong khi các khoản nợ khủng đối với ngân hàng, nợ tiền bán cá nông dân chưa giải quyết, một vấn đề đang nóng hiện nay là làm sao giữ được công ăn việc làm cho hơn 4.000 công nhân ở công ty từng “vang bóng một thời” này.

Hàng ngàn công nhân mất việc

Ông Huỳnh Văn Tuấn, Chủ tịch Công đoàn các Khu công nghiệp và khu chế xuất Cần Thơ xác nhận: Bianfishco đã cho khoảng 1.800 công nhân nghỉ làm từ ngày 5 - 12/3 để bảo trì máy móc, nhà xưởng.

Đến nay, lương tháng 2 của công nhân vẫn chưa được thanh toán.

Tình trạng cho công nhân tạm nghỉ việc cũng được ông Trần Văn Trí (người vừa được vợ là bà Phạm Thị Diệu Hiền- Chủ tịch HĐQT của Bianfishco uỷ quyền làm Tổng Giám đốc (TGĐ) Bianfishco) thừa nhận tại cuộc họp báo ngày 7/3 với lý do: “Vì  mới nhận chức TGĐ nên phải cho công nhân tạm nghỉ để sắp xếp lại bộ máy tổ chức, đồng thời chờ tiền từ các đối tác bơm vào để trả tiền nợ mua cá nguyên liệu cũ và mua cá nguyên liệu mới để sản xuất”.

Như vậy, nợ nần của chủ chính là một nguyên nhân đang khiến hàng ngàn công nhân Bianfishco tạm mất việc làm.

Xưởng sản xuất của Bình An

Nhưng Bianfico đang thực nợ bao nhiêu vẫn là một ẩn số.

Tuy nhiên, theo nhiều người, chừng nào “ẩn số” đó chưa được các cơ quan chức năng làm rõ thì mọi tính toán như bán 80% cổ phần nhà máy, tạm đem nhà máy đi thế chấp ngân hàng để trả nợ tiền mua cá của nông dân và ổn định sản xuất (như ông Trí nói) cũng khó thực hiện.

Trước đó, ngày 6/3, UBND TP Cần Thơ đã tổ chức một cuộc họp khẩn để nghe các cơ quan chức năng báo cáo tình hình tài chính của Bianfishco.

Theo thông tin từ cuộc họp, tính đến thời điểm này, Bianfishco nợ không dưới 1.000 tỷ đồng và khoản tiền lãi phải trả hàng ngày gần một tỷ đồng.

Tuy nhiên, tại cuộc họp báo ngày 7/3 với sự có mặt của khoảng 100 nhà báo, ông Trần Văn Trí chỉ xác nhận khoản nợ tiền mua cá của nông dân là 264 tỷ đồng.

Còn các khoản nợ ngân hàng có đến mức hàng ngàn tỷ đồng hay không thì vị tân TGĐ này chưa thể trả lời chính xác.

Bởi vì, như ông Trí nói: “Tôi mới nhận nhiệm vụ TGĐ. Số nợ chính xác là bao nhiêu sẽ được kiểm tra và thông tin chính thức cho báo chí trong vài ngày tới”. 

Trong khi đó, theo ông Hà Hồng Ngọc, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh TP Cần Thơ, Bianfishco vay nhiều ngân hàng trong và ngoài địa bàn TP Cần Thơ nên chưa thể nắm rõ tổng số nợ của công ty này bao nhiêu.

Tuy nhiên, theo báo cáo trước đây của các ngân hàng ở Cần Thơ, Bianfishco đã vay Ngân hàng Phát triển VN chi nhánh Cần Thơ - Hậu Giang khoảng 300 tỉ đồng, Ngân hàng cổ phần thương mại An Bình chi nhánh Cần Thơ trên 200 tỉ đồng và một số ngân hàng khác khoảng mấy chục tỉ đồng.

Được biết, mới đây UBND TP Cần Thơ đã lập tổ kiểm tra tình hình nợ tại Bianfishco và giao cho Ban Quản lý các khu chế xuất - khu công nghiệp TP Cần Thơ chủ trì để làm rõ những “ẩn số” này.

Dù chưa nói rõ được các khoản nợ ngân hàng của Bianfishco là bao nhiêu (ông Trí chỉ cho biết đang nợ Ngân hàng Á Châu (ACB) 62 tỉ đồng và mới đây đại diện ACB đã có văn bản yêu cầu trả nợ ) nhưng điều mà ông Trí thừa nhận là hiện tại Bianfishco không thể tiếp tục vay vốn từ các ngân hàng khi tình hình tài chính đang trong chiều hướng rất xấu.

Như vậy, song hành với khoản nợ ngân hàng phải trả lãi từng ngày, nợ tiền mua cá của nông dân 264 tỷ đồng, Bianfishco đang đối diện với nguy cơ thiếu vốn duy trì sản xuất, vì việc làm của hàng ngàn công nhân đang bị đe doạ.

Những dự tính mà ông TGĐ “bất đắc dĩ” (lời ông Trí nêu ra tại cuộc họp báo) này nêu ra để giải quyết nợ nần, ổn định sản xuất của nhà máy và việc làm của công nhân: như bán 80% cổ phần công ty, bán 2 dự án bất động sản ở TP Hồ Chí Minh, thậm chí là một số tài sản gia đình… xem ra mới chỉ là lời hứa chứ khó xác định được tính khả thi.

Bởi lẽ, nhân vật có quyền quyết định, người chịu trách nhiệm cao nhất của công ty trong các giao dịch với ngân hàng chính là bà Chủ tịch HĐQT Phạm Thị Diệu Hiền (vợ ông Trí) lại đang ở nước ngoài để… trị bệnh.

“Khi nào bà Diệu Hiền sẽ hồi hương?”

Trao đổi với báo chí về hướng giải quyết những vụ nợ nần lùm xùm ở Bianfishco, ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ  nói rằng, một trong những ưu tiên giải quyết hiện nay là phải làm sao đảm bảo việc làm cho hàng ngàn lao động tại công ty.

Ban Quản lý các khu chế xuất - khu công nghiệp TP Cần Thơ, Công đoàn Các Khu công nghiệp và khu chế xuất Cần Thơ và Sở Lao động- Thương binh và Xã hội thành phố Cần Thơ đã được giao nhiệm vụ phải theo sát những diễn biến ở Bianfishco,  nắm cụ thể tình hình lao động đang làm việc, tạm ngưng hoặc ngưng làm việc để kịp thời có chính sách hỗ trợ theo quy định của pháp luật.

Viện nghiên cứu thuỷ sản tư nhân lớn nhất Việt Nam mang tên Bình An


Trong trường hợp xấu nhất, nếu xảy ra, thì phải ưu tiên giải quyết quyền lợi cho công nhân, kế đến là những nông dân mà công ty còn nợ tiền mua cá và sau đó mới tính đến trả các khoản nợ của ngân hàng.

Vụ nợ nần dây dưa kéo dài, tình hình tài chính diễn biến ngày càng xấu ở Bianfish khi nào sẽ kết thúc? Câu trả lời chưa thể có khi các cơ quan chức năng TP Cần Thơ vẫn đang xác định mức độ nợ nần của công ty; khi các chủ nợ và hàng ngàn công nhân công ty vẫn đang chờ bà Phạm Thị Diệu Hiền hồi hương để đủ tư cách pháp nhân giải quyết các khoản nợ.

Chỉ biết rằng, ngày 16/3 tới, Toà án Nhân dân quận Ô Môn sẽ đưa vụ nông dân kiện Công ty cổ phần thuỷ sản Bình An chiếm dụng tiền mua cá ra xét xử.

Sự vắng mặt của bà Diệu Hiền, dù với lý do là ra nước ngoài trị bệnh nan y (như ông Trần Văn Trí nói) vào thời điểm này, cũng khó lòng khiến dư luận không nghi hoặc.

Bởi lẽ, trước đó đại gia này đã từng tạo ra nhiều sự kiện đình đám ở miền Tây để khuếch trương thương hiệu Bianfishco và cho cá nhân mình như: bỏ ra nhiều tỷ đồng để làm lễ khánh thành viện nghiên cứu thuỷ sản tư nhân lớn nhất Việt Nam mang tên Bình An, khánh thành nhà máy nước uống Collagen, sắm siêu xe Rolls Royce, tổ chức đám cưới cho con tốn kém trên 400 triệu đồng với những đoàn xe sang trọng diễu hành trên các đường phố Cần Thơ, dùng vốn vay ngắn hạn để đầu tư vào những dự án trung hạn, không đưa dòng tiền vào sản xuất…

Có thể dư luận sẽ không quan tâm lắm nếu những sự kiện đình đám đó không rơi vào những thời điểm “nhạy cảm”, khi nhiều doanh nghiệp thuỷ sản đang gặp khó khăn do tác động suy thoái kinh tế toàn cầu, do chính sách thắt chặt tín dụng để kiềm chế làm phát của Chính phủ, khi Bianfishco vẫn đang nợ hàng trăm tỷ đồng tiền mua cá của nông dân.

Để rồi, khi nợ nần chồng chất, bà Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ “mắc bệnh nan y phải ra nước ngoài đề điều trị”.

Trong bối cảnh Công ty cổ phần thuỷ sản Bình An không còn bình an như hiện nay thì câu hỏi đang được dư luận quan tâm là: “Khi nào bà Diệu Hiền sẽ hồi hương?”

Phương Châu