- Mũ bảo hiểm (MBH) rởm không đảm bảo chất lượng bày bán tràn làm khắp nơi khiến các doanh nghiệp (DN) sản xuất MBH lâm vào cảnh “khóc dở, mếu dở”, chỉ dám sản xuất cầm chừng.


Theo nhận định của cơ quan chức năng và các DN, Dự thảo thông tư quy định về sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh và sử dụng MBH được thông qua sẽ là “cứu cánh” cho DN sản xuất kinh MBH, đồng thời cũng để siết chặt quản lý và nâng cao chất lượng MBH.

Cứu cánh cho doanh nghiệp

Ông Lưu Song Hùng, Phụ trách phòng kinh doanh, Công ty TNHH sản xuất và thương mại nhựa Chí Thành - đơn vị chuyên sản xuất MBH cho biết, thực trạng MBH kém chất lượng bán tràn lan trên thị trường đã ảnh hưởng rất lớn tới sản xuất của công ty.

Từ năm 2009 đến nay, nhu cầu sản xuất của công ty đã giảm 2/3 so với trước, số lượng công nhân cũng giảm một nửa. Tình trạng này khiến công ty phải hoạt động cầm chừng, số lượng MBH sản xuất bán ra chủ yếu qua kênh phân phối quà tặng, các hệ thống đại lý bán gần như không được.

Cũng tâm trạng trên, ông Hoàng Linh, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Á Long cho biết: "MBH kém chất lượng ảnh hưởng rất lớn tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của các đơn vị chính hãng. Chỉ riêng thị trường Hà Nội, trung bình mỗi tháng tiêu thụ khoảng 150.000-160.000 chiếc, trong đó, mũ kém chất lượng chiếm khoảng 100.000-110.000 chiếc (70-80% thị phần)".
Mũ bảo hiểm bày bàn tràn lan trên thị trường. (Ảnh: LAD)
 

Theo ông Hùng, giá MBH đặt chuẩn CR cũng không cao, chỉ khoảng 120.000 - 240.000 đồng/mũ với các kiểu dáng phù hợp với nhu cầu. Sử dụng mũ đạt chuẩn tham gia giao thông an toàn, giảm chấn thương khi bị tai nạn giao thông. Nếu người dân nhận thức được vấn đề này thì các mũ thời trang sẽ không được sử dụng thay thế cho MBH.

Theo đại diện các DN sản xuất MBH, để Dự thảo quy định sản xuất MBH đi vào cuộc sống cần có sự phân cấp chính quyền rõ ràng trong việc kiểm soát các cơ sở sản xuất và các cửa hàng buôn bán mũ.

"Lực lượng quản lý thị trường, công an sẽ "thổi còi" các cửa hàng bán MBH rởm. Các doanh nghiệp sản xuất mũ không đảm bảo tiêu chuẩn chịu sự giám sát chặt chẽ về tem, quy định tiêu chuẩn để từ đó dần loại bỏ các đơn vị làm ăn không chân chính", ông Hùng bày tỏ quan điểm.

Đồng tình quan điểm đó, ông Hoàng Linh nhìn nhận, dự thảo là bước đột phá mới trong công tác kiểm soát MBH giả, kém chất lượng và là “cứu cánh” cho các doanh nghiệp có thương hiệu trong lĩnh vực này.

Loại mũ rởm từ ý thức người tiêu dùng

Trong khi đó, ông Trần Quốc Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa (Bộ KHCN) khuyến cáo, người tiêu dùng nên cảnh giác với những loại MBH dù có gắn dấu quy chuẩn CR nhưng không rõ địa chỉ nơi sản xuất bởi phần lớn trong số này đều là hàng giả, hàng nhái.

Theo ông Tuấn, mỗi năm vẫn có hàng nghìn MBH kém chất lượng bị các cơ quan chức năng phát hiện, thu giữ và tiêu hủy song tình trạng mũ giả, nhái vẫn bày bán tràn lan.

Việc quản lý và kiểm soát những mặt hàng loại này gặp rất nhiều khó khăn bởi, việc kinh doanh mặt hàng này không cần điều kiện nên hàng được bán ở các vỉa hè như hàng nước, người bán dạo nên khó có thể kiểm tra, xử phạt.

Còn ông Nguyễn Văn Thành, Phó Trưởng ban Bảo vệ người tiêu dùng, Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) cho rằng, để dẹp nạn MBH giả, kém chất lượng hiện nay phụ thuộc rất nhiều vào ý thức của người tiêu dùng.

"Nhiều người tiêu dùng vẫn đắn đo lựa chọn giữa việc bỏ ra hàng trăm ngàn đồng để mua một chiếc MBH chất lượng với việc mất vài chục ngàn vẫn có được một chiếc mũ để đội. Tuy nhiên, khi lựa chọn sử dụng mũ, nhiều người vẫn mua mũ vỉa hè chỉ để đối phó với công an. Trong trường hợp này thì các cơ quan chức năng cũng đành bó tay", ông Thành nhận định.

Ông Thành cũng thừa nhận rằng, với lượng MBH kém chất lượng tràn lan như hiện nay thì các cơ quan quản lí nhà nước có cố gắng đến mấy cũng khó có thể quản lí hết được.

Liên Bộ: Khoa học và Công nghệ, Công Thương, Công an và Giao thông Vận tải đang dự thảo Thông tư liên tịch quy định về sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh và sử dụng MBH cho người đi xe mô tô, xe gắn máy, xe đạp máy.

Dự thảo Thông tư liên tịch quy định về sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh và sử dụng MBH cho người đi xe gắn máy, MBH phù hợp quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 2:2008/BKHCN là MBH có các đặc điểm sau:

Cấu tạo cơ bản: Mũ phải có đủ 3 bộ phận vỏ mũ, đệm hấp thụ xung động bên trong vỏ mũ (đệm bảo vệ) và quai đeo.

Kiểu dáng mũ phải đáp ứng yêu cầu quy định (Trường hợp mũ bảo hiểm có lưỡi trai mềm gắn liền với vỏ mũ hoặc lưỡi trai rời tháo lắp được thì độ dài của lưỡi trai không quá 70mm và góc nghiêng của lưỡi trai không được làm ảnh hưởng đến góc nhìn theo quy định; Trường hợp có lưỡi trai cứng gắn liền với vỏ mũ thì độ dài của lưỡi trai cứng không được lớn hơn 50mm; Trường hợp mũ bảo hiểm có vành cứng xung quanh thì không được nhô quá 20mm).

Mũ phải có nhãn hàng hóa ghi các thông tin cơ bản sau:

- Tên sản phẩm: “Mũ bảo hiểm dùng cho người đi môtô, xe máy”

- Tên và địa chỉ cơ sở sản xuất hoặc tên và địa chỉ tổ chức, cá nhân nhập khẩu và phân phối; xuất xứ hàng hóa (đối với mũ bảo hiểm nhập khẩu).

- Cỡ mũ.

- Tháng, năm sản xuất.

Mũ phải được gắn dấu hợp quy CR.
Gia Văn