Đang là mùa đói tháng ba, các cụ xưa có câu "Tháng tám đói
qua, tháng ba đói kiệt". Mùa này ở trên núi dư thừa nắng gió, sương mù và giá
rét. Khổ nỗi, những thứ đó chẳng làm vơi đi cái đói đang quằn quại trên nhiều
gương mặt người trong những ngôi nhà ẩm thấp và tăm tối trên khắp các miền núi
cao, khiến cho tháng ba ở đây như dài vô tận…
Dân vùng cao xứ Thanh đề nghị cứu đói
Nhiều nông dân xứ Thanh lại đối mặt với cái đói. Toàn tỉnh
Thanh Hóa hiện có 12 huyện với 66.537 nhân khẩu đang thiếu lương thực. Ước tính,
số gạo cần được cứu tế cho đồng bào thiếu đói là 1.522 tấn.
Bà Phạm Thị Hoa - PCT UBND huyện miền núi Quan Hóa vừa có công văn hỏa tốc gửi
Chủ tịch UBND tỉnh về việc đề nghị được cứu đói cho nhân dân trong thời kỳ giáp
hạt tháng 3. Công văn này cho biết, toàn huyện hiện có 18 xã, thị trấn có số hộ
đói đến mức báo động đỏ với tổng số 922 hộ (4.610 nhân khẩu). Trước tình hình
cấp bách người dân hết gạo ăn, các loại lương thực khác như khoai, sắn, ngô cũng
đang cạn kiệt dần nên lãnh đạo huyện Quan Hóa đề nghị tỉnh cứu tế cho nhân dân
207.450 kg gạo trong thời gian 3 tháng với 1 khẩu 15kg/tháng.
Đói đến nỗi anh Kiếp phải đếm từng củ sắn trên gác bếp để phân chia cho 4 miệng
ăn được 3-5 ngày tới. |
Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng đói kéo dài thời gian qua là do người dân ở đây thiếu đất sản xuất để có thể tự túc lương thực. Như xã Thanh Xuân có gần 8 ngàn ha đất tự nhiên nhưng chỉ có 30ha đất nông nghiệp. Vậy thì rất khó để đảm bảo nguồn lương thực cho 2.450 nhân khẩu trong xã hiện nay.
Bên cạnh đó là địa hình phức tạp, đường sá đi lại khó khăn, dân trí thấp, con em ít được học văn hóa và học nghề vì hoàn cảnh gia đình khó khăn; thêm vào đó là đẻ nhiều đã khiến cho cuộc sống của đồng bào nơi rẻo cao này khó khăn chồng chất.
Bản Tân Sơn, xã Thanh Xuân, huyện Quan Hóa cách TP.Thanh Hóa gần 200km, Trưởng bản Cập tâm sự: "Đất ít, đá nhiều đã hạn chế rất lớn đến phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống của đồng bào. Cả bản có 57/138 hộ đói nghèo và riêng thời điểm này có 30 hộ đói lay lắt không thể kiếm đâu ra lương thực mà ăn".
Nhà anh Phạm Bá Kiếp, 45 tuổi được cho là khó khăn nhất hiện nay của bản trong căn nhà tuềnh toàng, rách nát. Bố con anh Kiếp đang chuẩn bị bữa tối bằng việc lấy sắn trên gác bếp xuống để nấu. Anh Kiếp cho hay: “Nhà có 4 người mà sắn không còn nhiều nên phải tính xem còn bao nhiêu củ để chia cho từng người trong mấy bữa ăn”.
Theo lời anh Kiếp thì mỗi bữa, một người chỉ được một củ sắn luộc mà thôi. Nếu như vậy thì chừng ấy sắn trên gác bếp của nhà anh may chỉ đủ kéo dài 3-5 ngày nữa là cùng.
Từ nay đến tháng 9 ăn bằng gì?
Tả Thàng là một trong những xã nghèo nhất huyện Mường Khương (Lào Cai), nằm chênh vênh trên ngọn nguồn của dòng sông Chảy. Trừ mấy tháng mùa mưa hầu như quanh năm Tả Thàng vật vã trong khô khát.
Chủ tịch xã Ma Phứ lắc đầu bảo: Tả Thàng có 3.104 ha, nhưng
toàn đồi núi lại thiếu nguồn nước nên chỉ có 30 ha ruộng cấy một vụ, ngô có 286
ha cũng chỉ trồng một vụ thôi. Trên này khô khát lắm, bây giờ chỉ phát cỏ chờ
đến tháng tư, tháng năm khi trời có mưa mới làm được đất, gieo được ngô. Năm nay
nhuận hai tháng tư, nên khả năng mưa muộn. Cấy muộn thì năng suất thấp, thiếu
đói là chắc rồi…
Xã Tả Thàng chỉ có 9 thôn, với 413 hộ thì có tới 309 hộ nghèo, thiếu đói từ 2-3
tháng, trong số đó có khoảng 10% đói triền miên phải chạy ăn từng bữa quanh năm.
Sống ở trên núi cao dốc dựng đứng tựa mặt ngựa, mưa xuống đều trôi tuột xuống
sông Chảy, những thửa ruộng chiều ngang đám nào rộng nhất thì trải vừa cái
chiếu, còn lại chỉ vừa một đường bừa. Đất gan gà cây lúa loi thoi như cỏ may,
đám nào gần nhà thì được bón phân chuồng, đám nào xa nhà dốc cao thì bón phân
hoá học, cũng chỉ bón "làm thuốc", chứ mấy nhà có tiền để mua phân?
Nơi này người dân ăn mèn mén quanh năm, nhiều hộ không có đủ
ngô ăn. Không chỉ thiếu ăn mà còn thiếu nước sinh hoạt, nước sông Chảy xanh ngằn
ngặt dưới chân núi nhưng người dân không thể xuống đó múc được, vì dốc cao dựng
đứng không có đường xuống.
Nhà cán bộ văn phòng Lý Văn Phìn chỉ cách trụ sở UBND xã mấy trăm mét, xập xệ
chả hơn gì chiếc lều vịt, mái thấp lè tè. Trong ngôi nhà trống rỗng, chỉ
còn một bao lúa đã vơi quá nửa, số thóc ấy chắc chỉ đủ ăn dăm bảy ngày nữa. Từ
nay cho đến tháng chín mới tới vụ ngô, còn bảy tháng nữa không hiểu họ kiếm cái
gì ăn?
Đói ở bản tái định cư
Bản Pắc Khoa tựa lưng vào núi Khỉ nhìn ra cánh đồng xã Phúc Khoa (Tân Uyên, Lai Châu) có 52 hộ, 306 khẩu. Đây là bản tái định cư của người Khơ Mú mới di chuyển khỏi lòng hồ thuỷ điện Bản Chát từ ngày 18/2/2011. Nhìn những ngôi nhà mới dựng khá khang trang thì khó tin rằng cuộc sống của người dân nơi đây đang phải đối mặt với cái đói rạc dài chưa từng thấy.
Bản vắng tanh, Trưởng bản Lò Văn Chô cho hay, làm gì đã có
ruộng, mọi người rủ nhau đi làm thuê cả rồi. Người đi hái chè, người đi phụ hồ
xây dựng, ở đâu có ai thuê thì đi. Mọi nhà trong bản đều đang đói, chỉ có khoảng
chục nhà còn thóc ăn…
Trưởng bản Chô cho hay, tháng 9/2011 bản được hỗ trợ lương thực đợt 3, nhà anh
có 4 khẩu được lĩnh 13,288 triệu. Số tiền ấy đã đong gạo ăn hết từ lâu rồi, số
thóc còn lại gia đình anh dùng tiền đền bù hoa màu, vật dụng kiến trúc để mua dự
trữ. Nhiều gia đình đến Tết Nhâm Thìn không còn hạt gạo nào ăn, huyện cho tạm
ứng một ít gạo để bà con ăn Tết, đến nay nhiều nhà không còn hạt gạo nào.
Không cần giở sổ Lò Văn Chô kể vanh vách những gia đình như:
Lò Văn Phớ có 8 khẩu, Lò Văn Phom 8 khẩu, Hoàng Văn Nhứng 5 khẩu, Lò Văn Tèn 8
khẩu… giờ đang đói lắm, phải chạy ăn từng bữa. Sắn cũng không có mà ăn, ở bản cũ
thì còn có sắn nên cũng đỡ. Còn ở nơi tái định cư ruộng nương chưa có, chả biết
làm gì để sống.
Đói nghèo truyền kiếp
Bản Nà Lại của người Khơ Mú xã Phúc Khoa, huyện Tân Uyên (Lai Châu) đã nghèo đến
mấy chục năm nay rồi. Trưởng bản Lò Văn Chang nghe hỏi chuyện đói liền chia sẻ,
những người dân ở đây đi làm thuê cả. Bản Nà Lại có 101 hộ năm 2011 có 61 hộ
nghèo đói, năm 2012 phấn đấu rút xuống còn 45 hộ.
Trong số hộ nghèo ấy có khoảng hơn chục hộ đói, họ đói lắm, đói quanh năm như gia đình ông Lò Văn Inh, Hoàng Văn Mia, Hoàng Văn Đì, Vàng Văn Phà, Phan Văn Trình...
Những đứa trẻ bản Nà Lại trong mùa đói |
Đứa con trai và con rể ông là Hoàng Văn Đì và Phan Văn Trình bị người ta lừa bán vào bãi vàng tận Đồng Hỷ tỉnh Thái Nguyên, sau mấy tháng đội đất chui hầm tưởng chết, may mà chúng đã trốn được về không thì đã bỏ xác từ lâu rồi, chúng cũng chẳng có gì để giúp vợ chồng ông cả. Thành ra cả bố lẫn con quanh năm đói khát...
Không chỉ người dân Nà Lại đói vì thiếu đất sản xuất do đẻ vô tội vạ, ngay cả huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) nơi đất rộng người thưa, nhưng do toàn đồi núi, dốc dựng ngược hiện nay cũng đang trong giai đoạn "khủng hoảng" thiếu đất. Xã La Pán Tẩn có 621 hộ, năm 2011 có 85,98 hộ nghèo, sang năm 2012 do tách hộ nên số hộ nghèo tăng lên 92,96%. Nhìn vào con số ấy mà khiếp, gần như cả xã nghèo đói, sự nghèo đói ngày một tăng mà không biết bao giờ mới dừng.
(Tổng hợp từ báo Nông nghiệp VN)