- Hai ngày sau vụ nổ kinh hoàng tại lò luyện thép tại Công ty cổ phần Tập đoàn gang thép Hàn Việt (KCN Quất Động, huyện Thường Tín, Hà Nội), nạn nhân vẫn chưa hết hoang mang, sợ hãi.


Vụ nổ hãi hùng

Anh Tạ Văn Toàn (37 tuổi, quê Thường Tín) là nạn nhân duy nhất sau vụ nổ còn điều trị tại BV Đa khoa huyện Thường Tín. Ảnh hưởng của vụ nổ, anh bị sát thương nặng do dị vật xuyên quan bắp tay. Vết thương thủng to bằng đầu ngón tay cái hết sức đau đớn khiến anh Toàn không thể cử động tay phải, thể trạng anh vẫn còn yếu và phải tiếp tục điều trị chờ cơ thể ổn định. Mọi hoạt động của anh đều phải nhờ các bác sỹ và người nhà hỗ trợ.

Công ty này liên tục tuyển công nhân.

Nhớ lại vụ việc đã diễn ra, anh Toàn vẫn chưa hết hãi hùng kể: "Trong phân xưởng của tôi lúc đó có 6 người. Khoảng 4h sáng, trong khi công nhân lò đang bẻ phôi thì nghe trên lò phát ra hai tiếng nổ, anh em vội vàng dạt hết ra xa. Tôi phát hiện lò bị thủng vành đồng, liền gọi thợ nấu tắt máy đi.

Nhưng chỉ trong vòng khoảng 3 phút thì có tiếng nổ lớn thứ ba rung chuyển mặt đất, gần chục công nhân bị hất văng, nguyên liệu bắn văng ra ngoài. Tôi bị sát thương ngay sau tiếng nổ thứ ba, quay lại nhìn đã thấy anh em cũng bị thương, mọi người dồn dập hô hào cấp cứu".

Vụ nổ làm nguyên liệu bắn văng ra ngoài dính vào các công nhân. Khói đen bốc lên nghi ngút. Vết thương ở tay khiến anh Toàn điếng người không biết gì nữa. Sau khi được đưa vào BV đa khoa huyện anh mới biết, ngoài anh còn có năm người khác cùng vào cấp cứu.

"Có 5 anh em cùng vào, 2 anh bị thương nhẹ hơn nên đã về trước, có 2 anh em ở phòng bên chờ vết thương ổn định sau đó cũng đã xin về quê. Thương nhất là 2 anh Đạt và Hùng tử nạn…" - anh Toàn trầm ngâm nói.

Vết thương thủng do dị vật bắn xuyên qua bắp tay anh Toàn.

Theo lời anh Toàn, đau xót nhất là hai trường hợp tử nạn, trong đó có anh Thân Văn Hùng (25 tuổi, quê Việt Yên – Bắc Giang): “Hùng chuẩn bị lập gia đình, định mùng 4 tới là về quê lấy vợ…

Về nguyên nhân dẫn đến tai nạn lao động thương tâm, anh Toàn phỏng đoán, có thể là do trong lò có lẫn sót bom bi: "Nguyên liệu là các loại sắt vụn, phế thải, sau khi đưa vào lò sẽ cho ra phôi thép sản phẩm. Có thể khi công ty nhập liệu thì đầu vào kiểm soát không được tốt nên vẫn còn liệu gây nổ" - anh Toàn nói.

Hàn Việt là một trong những công ty lớn tại KCN Quất Động, Thường Tín, liên tục tuyển công nhân lao động. Ba ngày sau vụ nổ, tại khu vực công ty nhiều người dân, công nhân vẫn xôn xao bàn tán về sự việc. Tuy nhiên, buổi chiều 11/3, khi PV liên hệ tìm hiểu thông tin, BGĐ lại “bận làm việc” không có mặt tại công ty.

Trước đó, thông tin trên Dân trí, 3 ngày sau vụ nổ, các cơ quan chức năng mới nắm được sự việc. Ông Nguyễn Việt Anh - Phó Tổng giám đốc công ty thép Hàn Việt lý giải: "Sự việc xảy ra bất ngờ, ban đầu chúng tôi nghĩ vết thương của anh Đạt và Hùng không quá nặng, sẽ sớm ra viện nên chưa báo cáo. Đến trưa 9/3, khi nhận tin 2 công nhân tử vong, ban giám đốc công ty lại tập trung lo hậu sự cho họ, thăm hỏi những người bị thương. Việc dồn dập quá nên chúng tôi… quên!".

Thường xuyên xảy ra tai nạn, công ty thờ ơ?

Anh Nguyễn Đức Toàn vào làm việc tại công ty Hàn Việt từ năm 2008. Anh cho hay, đây không phải là lần đầu tiên xảy ra cháy nổ trong các phân xưởng. Tuy nhiên vụ nổ lớn, gây thương vong nặng nề như vụ hôm 9/3 thì chưa từng có.

"Gần nhất là cách đây khoảng một tháng cũng đã có xảy ra vụ nổ khiến một công nhân bị thương, phải khâu tới 13 mũi ở mặt. Anh quê ở Thái Nguyên, cũng chính anh này là người đứng nấu lò và tiếp tục bị thương trong vụ lần này" - anh Toàn cho biết thêm.

Mặc dù nhà xưởng cao, rộng, công nhân được trang bị quần áo, mũ, giày bảo hộ, nhưng vẫn không đủ sức bảo vệ họ khỏi những vụ tai nạn đáng tiếc trên.

Cty cổ phần Tập đoàn gang thép Hàn Việt (KCN Quất Động, huyện Thường Tín, Hà Nội) ba ngày sau vụ nổ.

Đáng nói là sau những vụ tai nạn, công nhân không được công ty quan tâm, hoặc chưa được hỗ trợ phù hợp. Anh Toàn cho biết, trường hợp đồng nghiệp anh bị thương ở mặt sau đó cũng chỉ được công ty “bồi dưỡng” số tiền 100 nghìn đồng và công đoàn hỗ trợ 100 nghìn đồng. Nhiều anh em bị tai nạn thậm chí không được nhận bất cứ hỗ trợ hay chế độ nào.

Bởi vậy hiện nay, ngoài sức khỏe chưa phục hồi, anh Toàn còn lo lắng, không biết với trường hợp tai nạn của mình sẽ được xử lý như thế nào: "Từ khi vào viện, tôi có được công ty hỗ trợ 2 triệu đồng chi phí sinh hoạt, chữa trị. Còn những khoản bồi thường cho cá nhân tôi vẫn chưa được nhắc đến".

Chị Nguyễn Thị Hoa, vợ anh Toàn cho biết, anh chị mới sinh cháu nhỏ một tuổi, kinh tế trông vào lương công nhân của anh. Nay anh bị tai nạn, chị hầu như phải túc trực trong bệnh viện để chăm sóc chồng, gia đình lâm vào cảnh hết sức khó khăn.

"Công việc của anh rất vất vả, ngày nọ bù ngày kia tính ra lương chưa được 200 nghìn đồng/ ngày vì phải tự túc ăn uống. Nhiều khi làm đêm anh cũng chỉ có cái bánh mì, gói mì tôm…

Anh đi làm tôi lúc nào cũng lo lắng không yên, nhưng vì tương lai trước mắt nên cứ phải liều, bây giờ lại bị tai nạn này, không biết làm sao để sống…" - chị Hoa tâm sự.

Còn anh Toàn chia sẻ: "Thật sự sau các vụ nổ như vụ cách đây một tháng, và nhất là vụ hôm vừa rồi, anh em công nhân chúng tôi rất chán nản, hoang mang. Anh em phân tán nhiều, có người đã xin nghỉ làm. Bản thân tôi cũng chưa biết công việc, cuộc sống của mình sắp tới như thế nào, cánh tay này không biết vài tháng tới liệu đã bình phục được hay chưa".

Quỳnh Anh