- Không ít trường hợp vì lo lắng thái quá trước bệnh tay chân miệng đã dẫn đến mâu thuẫn gia đình trong việc chăm sóc, bảo vệ con cái.

Quá tải thăm khám, điều trị tay chân miệng

Thời tiết diễn biến phức tạp, trước thông tin bệnh tay - chân - miệng (TCM) có nguy cơ bùng phát trở lại, nhiều bậc phụ huynh tỏ ra vô cùng lo lắng. Trước đây, mỗi khi trẻ bị sốt, cả gia đình “bình chân như vại” còn hiện nay, họ lập tức đưa con đến viện khám vì quá lo lắng. 

Hơn 10 giờ sáng ngày 15/3, khu vực nhận hồ sơ khám bệnh của BV Nhi đồng 2 TP.HCM vẫn chật kín người.

Thời tiết nóng nực, khu khám bệnh đông người, tiếng trẻ khóc ra rả càng làm nhiều phụ huynh thêm nẫu ruột.

Vừa ôm đứa con trai 8 tháng tuổi trên tay, chị Nguyễn Thị Ngần (26 tuổi, quận Bình Thạnh) thở dài: “Gần trưa rồi mà vẫn còn đông thế này, em nộp sổ chờ cả tiếng đồng hồ rồi vẫn chưa đến lượt. Thằng bé bị sốt khó chịu, thỉnh thoảng cứ khóc và bỏ ăn; mọi người bảo nó ốm sốt mọc răng không sao nhưng ai mà biết được, bệnh tật bây giờ sợ lắm, em phải xin nghỉ làm để đưa con đi khám mới yên tâm được”.

Một bệnh nhi được điều trị TCM tại Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM

Chị Ngần vừa dứt câu, đứa bé lại khóc ré lên. Khu vực ngồi chờ có quạt điện nhưng chẳng thấm gì, nhìn mồ hôi ướt đầm trên tóc con, chị vội lấy khăn lau nhẹ, chồng chị lập cập rút tờ báo trong túi ra quạt cho con bớt nóng. Vợ chồng họ loay hoay bên con với nét mặt căng thẳng, đỏ phừng phừng vì nắng nóng.

Trước thông tin một số bệnh nguy hiểm tăng đột biến trong mùa nắng, có thể để lại biến chứng hoặc gây tử vong cao, việc các bậc cha mẹ lo lắng cũng là điều dễ hiểu. Không ít trường hợp vì lo lắng thái quá đã dẫn đến mâu thuẫn gia đình trong việc chăm sóc, bảo vệ con cái.

Đưa cháu gái 3 tuổi từ Dĩ An (Bình Dương) lên khám, chị Hà Ngọc Linh (30 tuổi) tâm sự “Cháu mình bị sổ mũi, sốt từ hôm qua nhưng may khám xong bác sĩ bảo cháu bị sốt cảm bình thường thôi, về uống thuốc sẽ khỏi. Thế mà, hôm qua đi làm về thấy con sốt đã cằn nhằn, giận mình vì cho rằng tại mình bế con bé sang nhà hàng xóm chơi nên nó bị lây TCM”.

Chị Linh cũng cho biết, trường hợp của chị không phải là ngoại lệ, có nhà chỉ vì vợ trông con để kiến đốt ở chân đỏ mọng lên, cả gia đình cũng nhốn nháo vì nghĩ rằng con bị TCM. Đúng là nỗi lo bệnh tật đã tạo ra nhiều tình huống dở khóc, dở cười.

Anh Lê Văn Cường (quận Thủ Đức) có con nhỏ 3 tuổi đang điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 2 lo ngại: “Tình trạng bệnh TCM lây rất nhanh, nhất là trong các điểm trông giữ trẻ, vệ sinh kém. Con trai tôi bị lây từ bạn, mới có dấu hiệu là phải chuyển vào viện ngay. Cái khó hiện nay là của ngành y tế là không có thuốc đặc trị, không có vắc xin phòng ngừa…bệnh nhân càng nhiều thì tình trạng quá tải, mỗi giường 3-4 bệnh nhi cũng phải thôi.”   

Nguy cơ gia tăng rất cao

Theo thống kê của Cục Y tế dự phòng Bộ Y tế, 9 tuần đầu năm 2012, cả nước có trên 12.400 ca mắc bệnh TCM, trung bình 1.377 ca/tuần; trong đó 11 ca đã tử vong, số ca mắc bệnh mỗi ngày tăng lên chóng mặt.

Đây chính là nguyên nhân khiến người dân ngày càng lo lắng. Phải chăng công tác phòng chống chưa thực sự mang lại hiệu quả? Vào thời điểm đỉnh dịch năm nay số ca mắc sẽ cao hơn nhiều so với năm ngoái?

Trao đổi về vấn đề này, BS Phạm Mai Đằng – Phó phòng Kế hoạch tổng hợp BV Nhi đồng 2 cho biết tình hình bệnh TCM đã tăng nhanh trong thời gian gần đây. Chỉ tính từ đầu năm 2012, bệnh viện có 5.162 ca (trong đó tháng 1:1656 ca, tháng 2: 2023 ca, hai tuần đầu tháng 3:1483 ca), tăng cao so với cùng kỳ năm ngoái (năm 2011, ba tháng đầu năm chỉ có 2.692 ca đến đỉnh dịch là tháng 6/2011 số ca là  11.260 ca).

Do đó, bác sĩ Đằng lo ngại nếu các biện pháp phòng ngừa không đạt được hiệu quả gắn liền với đặc điểm thời tiết, mùa dịch thì vào thời điểm đỉnh dịch năm nay con số này sẽ tăng lên rất nhiều.

Không chỉ riêng BV Nhi đồng 2 TP.HCM có số ca mắc tăng mà tại BV Nhiệt đới TP.HCM, BV Nhi đồng 1 TP.HCM số ca bệnh này hiện cũng tăng lên đáng kể. Hiện mỗi ngày BV Nhi Đồng 1 TP.HCM tiếp nhận từ 20 đến 25 ca TCM, con số này đang tiếp tục tăng lên.

Tại BV Nhiệt đới TP.HCM, trung bình BV tiếp nhận hơn 10 ca/ngày, chỉ tính riêng tuần thứ 9 và thứ 10 năm 2012, số ca đã tăng từ 132 ca lên 223 ca, số ca phải nhập viện tăng từ 47 ca lên 76 ca, trung bình có 65 ca điều trị nội trú, so với cùng kỳ năm ngoái, kể cả trước và sau tết mọi con số đều tăng lên, Ths.Bs Phạm Minh Quang – BV Nhiệt đới cho biết.

Bệnh TCM không phải là không chữa được mà điều quan trọng nhất là phải phát hiện sớm để có biện pháp can thiệp phù hợp, đặc biệt là công tác phòng bệnh có vai trò quan trọng.

Trước tình hình báo động trên, BS Quang hy vọng các biện pháp can thiệp sẽ sớm mang lại hiệu quả bởi thực tế khả năng bệnh này tăng cao là rất cao.

M.Phượng