- Sau hàng chục vụ rung chấn do động đất kích thích tại vùng rừng núi Nam, Bắc Trà My trong hơn 1 năm qua đã khiến đập chính hồ chứa thủy điện Sông Tranh 2 xuất hiện nhiều vết nứt. Thực tế này làm hàng nghìn người dân sinh sống phía hạ lưu hồ chứa nước thủy điện này hoang mang lo lắng…

Sáng nay (19/3), trao đổi với PV VietNamNet, Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My Đặng Phong khẳng định, nhiều vết nứt tại đập chính hồ chứa nước thủy điện Sông Tranh 2 xuất hiện trong thời gian gần đây. Các vết nứt này đã khiến nước từ hồ chứa rò rỉ và tuôn chảy xối xả qua phần thân đập chính.

Hôm qua (18/3), UBND huyện đã cử đoàn công tác đến khảo sát tại thân đập chính và sáng hôm nay sẽ có báo cáo gửi các cơ quan chức năng của tỉnh để xem xét xử lý.

Ngay từ khi các vết nứt xuất hiện trên thân đập chính hồ chứa nước thủy điện Sông Tranh 2 đã khiến hàng chục nghìn người dân sinh sống ở phần hạ lưu hồ chứa này hoang mang lo lắng.

Người dân Bắc Trà My hoan mang lo lắng vì đập hồ chứa thủy điện Sông Tranh 2 bị nứt.

Ông Nguyễn Du, nhà ở xã Trà Đốc, huyện Bắc Trà My, thuộc khu vực nằm dưới đập cho biết, các vết nứt trên thân đập chính của hồ chứa nước đã khiến gia đình ông cùng hàng trăm hộ dân tại khu vực này lo lắng.

"Các dư chấn xuất hiện, các nhà khoa học bảo là động đất kích thích, bây giờ là thân đập chính bị nứt như vậy mà bà con tui sống dưới chân đập này không lo lắng mới lạ!", ông Du bày tỏ.

Nhiều hộ dân nơi đây đang hoang mang và tính chuyện di dời nhà cửa ra khỏi khu vực. Nhưng đi đâu, đi như thế nào đang là vấn đề nan giải với bà con tại khu vực dưới chân đập.

Ông Du băn khoăn: "Chính quyền địa phương và cơ quan chuyên môn phải đưa ra kết luận đập chính hồ chứa thủy điện Sông Tranh 2 có đảm bảo an toàn hay không. Nếu không thì phải di chuyển bà con tui đến nơi an toàn. Sống kiểu ni làm răng bà con tui an cư mà lạc nghiệp…".

Tương tự, bà Lê Thị Nhàn, ở xã Trà Đốc cũng bày tỏ sự lo lắng: "Bà con tui sống ở đây thấy túi nước khổng lồ treo lơ lửng trên đầu hỏi răng an tâm cho được. Chừ lại thấy thân đập chính bị nứt lại càng lo lắng hơn. Cách đây 1 năm, mặt đất rung chuyển bà con tui đã mất ăn mất ngủ rồi…"

Toàn bộ đập chính thủy điện Sông Tranh 2 là một khối bêtông liên hoàn khổng lồ kéo dài nối giữa hai vách núi, rất dày và rộng hàng chục mét.

Kết cấu bờ đập chính này gồm năm cửa xả tràn ở giữa cùng thân bờ đập hai bên được thi công theo công nghệ “bêtông đầm lăn” hiện đại.

Bờ đập chính sông Tranh 2 chụp từ xa 

Theo kiểm tra của đoàn công tác UBND huyện Bắc Trà My hôm qua, phần thân đập phía phải có một số mảng bêtông ở nửa thân dưới hướng về đáy có hiện tượng thấm nước.

Phần thân đập phía trái có đến bốn điểm nứt và rò rỉ nước chảy xối xả. Trong đó có một vết nứt khá lớn, khiến nước từ trên cao thấm xuống, chảy tuôn như khe suối.

Tại các điểm nứt này, đơn vị chủ dự án nhà máy thủy điện Sông Tranh đang cho công nhân khoan vào thân đập và dùng vải bạt và bao nilon nhét vào không cho nước chảy ra.

Phó giám đốc Ban quản lý thủy điện 3 (thuộcTập đoàn Điện lực VN, đơn vị chủ đầu tư công trình thủy điện Sông Tranh 2), Vũ Đức Toàn cho biết, các vết nứt trên đều ở vị trí những khe nhiệt của khối bêtông bờ đập.
Hiện tượng thấm nước qua khe nhiệt bị nứt là hoàn toàn cho phép và nằm trong tầm kiểm soát.

Công nhân dùng máy khoan khoan vào rãnh nứt để nhét vải và bạt nhằm ngăn không cho nước rỉ ra - (Ảnh: Bắc Bằng - Đài TT BắcTrà My)

Thủy điện Sông Tranh 2 có tổng mức đầu tư 5.194 tỉ đồng, được xây dựng từ tháng 3/2006 gồm hai tổ máy (tổng cộng 190MW) và đến cuối năm 2010 cả hai tổ máy này đều chính thức phát điện. Dung tích hồ chứa nước thủy điện Sông Tranh hơn 730 triệu m3.

Sáng nay (19/3), Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My đã có báo cáo khẩn cấp gửi các cơ quan chức năng và UBND tỉnh báo cáo về tình trạng đập chính bị nứt này.

Hiện huyện không đủ khả năng để kết luận hiện tượng nứt đập chính và không đủ chuyên môn để khẳng định đập chính hồ chứa nước thủy điện Sông Tranh 2 có an toàn hay không.

UBND huyện báo cáo với UBND tỉnh và các cơ quan chuyên môn để sớm đưa ra kết luận thông báo cho nhân dân biết tranh gây hoang mang trong đời sống của hàng chục nghìn dân sống ở hạ lưu - ông Phong nói.

Vũ Trung