- Hơn 30 năm nay, trong túp lều lụp xụp tuềnh toàng được che tạm bởi mấy tấm bạt đã cũ kĩ bên lề đường, lúc nào cũng có một bà cụ còng lưng cặm cụi bán trà đá cho khách qua đường. Chắt chiu từng đồng bạc lẻ, cụ lại dành dụm gửi tiền nuôi đứa con trai đang cai nghiện ở trung tâm cai nghiện ma túy Ba Vì mỗi tháng.
Với người mẹ ấy, bây giờ, điều ý nghĩa nhất là niềm hy vọng đứa con một ngày trở về làm lại cuộc đời sẽ trở thành hiện thực.
Chuỗi đời buồn và “hai chuyến đò” định mệnh
Người mẹ trĩu nặng ưu tư và cuộc đời nhiều lận đận đó là bà Nghiêm Thị Tiên (SN 1935, ở Cầu Giấy - Hà Nội). Cuộc hôn nhân với người chồng đầu không hạnh phúc, cố gắng đi tìm niềm hạnh phúc, chắp nối với người đàn ông thứ hai mong rằng thay đổi cuộc sống nhưng kết cục lại bi thảm hơn.
Cả hai lần lấy chồng, như đã là định mệnh, cả hai lần chồng đều mất. Bà Tiên là người phụ nữ “hai lần đò” lại thêm cái tiếng “sát” chồng.
Chắt chiu từng đồng tiền lẻ nuôi con đang cai nghiện |
Sống với người chồng thứ nhất bà sinh được 4 người con, đi bước nữa với người chồng thứ hai thì sinh được 3 người con.
Đau xót hơn, số phận không buông tha cho người đàn bà
bất hạnh. Mỗi một đời chồng qua đi cũng là mỗi một lần bà mất đi một đứa con
đã dứt ruột đẻ ra. Có tất cả được 7 mặt con thì chết 2 người.
Nhường ấy những đớn đau qua đi, trong cuộc đời bà, hạnh phúc gia đình với bà
chưa một lần được trọn vẹn. Trên khuôn mặt nhằng nhịt vết nhăn đan chặt vào
nhau, bà cố cầm lại những giọt nước mắt đang ngoằn ngèo rơi xuống đầy xót
xa: “Hai lần sang sông đều lỡ chuyến đò, đời tôi giờ chỉ biết nương tựa
vào con để sống”.
Nhưng nỗi đau gia đình, nỗi đau số phận vẫn dai dẳng, giằng xé mãi không
thôi.
Bà Tiên đau xót thở dài, cậu con trai út (Vương Văn Dương, SN 1975) chơi bời rồi dính vào ma túy mà bà không hay, đến lúc chuyện vỡ thì đã nghiện nặng rồi. Vậy là, điểm tựa cuối cùng với bà trở thành bi kịch.
Thương con bao nhiêu bà đau đớn bấy nhiêu nhưng nghị lực phi thường đã giúp bà gắng gượng trở lại. Bà quyết định đưa con đi trại cai nghiện, vì đây là cách duy nhất để cứu sống đứa con trai út, cho nó trở về cuộc đời.
Chỉ với hai bàn tay và tấm lưng đã còng cùng túp lều
tuềnh toàng gió lùa bốn phía, bà vẫn cố gắng chắt chiu từng đồng bạc lẻ gửi
lên cho đứa con trai lầm đường lạc lối cai nghiện mỗi tháng.
Éo le đời mưu sinh
Đã hơn 30 năm bà gắn bó với túp lều ở ven đường Xuân Thủy này, từ khi cái
gốc phượng cạnh đó mới cao bằng đầu người đến bây giờ nó đã tỏa bóng xum
xuê. Gọi là túp lều, một phần bởi nó tuềnh toàng và phần đáng nói hơn bởi nó
vừa là quán trà, vừa là “nhà” cho bà ngủ lại qua đêm.
Bà cũng có nhà trong ngõ, một căn nhà hẹp lụp xụp, tường bở loang lổ chỉ có 2 giường mục, 1 tủ ọp ẹp và mấy bát hương thờ.
Túp lều lụp xụp của bà cụ |
Bà bảo, phải ngủ lại qua đêm ở đây để trông đồ đạc. Nhưng nhìn đi nhìn lại, trong túp lều chống tạm bằng 5 cọc tre xiêu vẹo trên vỉa hè, bốn phía căng bạt, bao tải, nilong xơ xài, ngoài chiếc giường nằm chừng hơn 1m2 được lót lẫn lộn giữa chiếu với tấm bìa - cattong thì chỉ có phích nước, bếp lò bằng nhôm là đồ đáng giá nhất.
Dù mưa gió, nắng nóng hay giá rét đến mấy…đêm nào bà cũng ngủ lại một mình ở đó. Giấc ngủ đêm ở thành phố ngắn chẳng tày gang, quá 12 giờ bà mới chợp mắt được, hôm sau 4 giờ sáng lại lục đục dậy thổi bếp lò đun nước.
Khách đến quán bà uống nước chủ yếu là mấy anh xe ôm, người quét rác… Ở đây, chẳng ai không biết đến hoàn cảnh của bà cụ kiếm tiền nuôi con nghiện ở tuổi “gần đất xa trời”.
“Mỗi ngày chắt chiu cũng kiếm được khoảng 100 ngàn đồng. Tiền ấy bà dành dụm để sửa căn nhà trong ngõ đã quá cũ, nuôi thân thuốc thang lúc ốm đau, đi lễ chùa, lễ phật… và còn để nuôi thằng con trai đang cai nghiện trong trại” - cụ chia sẻ.
Mỗi tháng bà lên trại thăm con một lần. “Nó đã cai
được hơn một năm nay ở trung tâm cai nghiện Ba Vì. Tháng đầu tiên vào trại
nộp 5 triệu để chi phí đủ khoản: tiền phòng, tiền thuốc, chăn màn, giờ mỗi
tháng tôi phải mang lên cho nó 3 triệu đồng… Mùa đông lạnh, nó phải có cái
chăn đắp chứ” - bà kể lại.
Bà bảo, bốn năm nữa, cai nghiện xong rồi nó mới được trở về, mong nó sẽ làm
lại cuộc đời còn không thì chỉ còn con đường chết.
Với hy vọng mong manh ấy, dù đã ở cái tuổi “gần đất xa trời”, bà cụ vẫn ngày
ngày phải lấy quán trà vỉa hè làm giường ngủ qua mỗi đêm, bấu víu vào đó để
mưu sinh kiếm sống.
Anh Tuấn