- 42 lao động Việt Nam đã được trở lại ký túc xá, được cung cấp thực phẩm và vẫn được nhận mức lương cơ bản 500 Ringgit/tháng (tương đương 3,4 triệu đồng).


Xung quanh thông tin 42 lao động nữ Việt Nam trong độ tuổi 30-50 tại Maylaysia bị bỏ đói, nợ lương và đối xử bạo lực, trong chiều 19/3, ông Đào Công Hải, Phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) đã chính thức lên tiếng phủ nhận.

Trả lời các cơ quan báo chí, ông Hải khẳng định hiện tất cả số lao động trên đã được trở lại ký túc xá, được cung cấp thực phẩm và trả lương cơ bản mức 500 Ringgit/tháng trong lúc chờ hoàn thành thủ tục gia hạn visa.


Các lao động Việt Nam trên đường về nơi tạm trú (Ảnh: The Star)


Ông Hải cho biết 42 lao động này nằm trong số 69 lao động được Cty cổ phần Việt Hà (Hà Tĩnh) đưa hợp pháp sang làm dịch vụ tại các bệnh viện ở bang Penang từ tháng 6/2010. Công ty môi giới là Asmana, nhà thầu chính là công ty Faber.

Các lao động Việt Nam bị tạm giữ do giấy phép lao động hết hạn. Nguyên nhân là do công ty Asmana không tiến hành gia hạn visa cho lao động mà chỉ làm cho lao động giấy lưu trú đặc biệt).

Khi cơ quan nhập cư Malaysia tiến hành kiểm tra đột xuất 3 lao động Việt Nam trong lúc đi ra ngoài ký túc xá đã phát hiện ra sự việc trên. Do đó công ty Faber đã tạm dừng nhận lao động.

Sự việc này diễn ra từ giữa tháng 2/2012, khiến người lao động không có việc làm. Tuy nhiên, phía Asmana khẳng định vẫn tạm thanh toán tiền lương cơ bản (khoảng trên 500 Ringgit, tương đương 3,4 triệu đồng) và vẫn cung cấp chỗ ở cho lao động, trong khi tiếp tục giải quyết thủ tục với Faber.

Ban Quản lý lao động Việt Nam tại Malaysia cũng khẳng định, thời gian 1 năm đầu tiên, các lao động trên có công việc tốt, mức thu nhập ổn định từ 1.200 – 1.500 ringgit/tháng (tương đương 8,1 – 10,1 triệu đồng/tháng), được chủ sử dụng bố trí ăn, ở, sinh hoạt tại ký túc xá (KTX) của Công ty.

Hiện, Cục Nhập cư Malaysia đã yêu cầu các lao động đi khám sức khỏe để cấp visa tiếp. Các lao động muốn về nước cũng sẽ được các cơ quan ngoại giao của Việt Nam hỗ trợ để đưa về nước sớm.

Qua sự việc này, Cục Quản lý lao động ngoài nước cho rằng đây là bài học trong công tác quản lý cũng như hoạt động của doanh nghiệp xuất khẩu lao động. Hiện Cục đã có công văn chỉ đạo các đơn vị xuất khẩu lao động để các DN làm việc với các đối tác cẩn thận hơn và chặt chẽ hơn. Cùng đó, các DN phải thường xuyên theo dõi hợp đồng giúp người lao động, và tiến hành nhắc nhở chủ sử dụng khi sắp hết hạn hợp đồng.

Minh Đức