- "Giấc mơ mua xe bị vỡ mộng khi nhà nước dự dịnh thu phí lưu hành. Tôi ở quận Long Biên, hai vợ chồng đi làm tiết kiệm gần 10 mới được 150 triệu, dự định mua một xe Matiz cũ để đi, nếu mỗi năm phải đóng 20 triệu lệ phí lưu hành thì giấc mộng xe hơi tan thành mây khói rồi.
Chi phí khổng lồ để sở hữu ôtô ở VN
Theo lời khuyên của các chuyên
gia ôtô thì thu nhập 50 triệu mỗi tháng mới thoải mái sử dụng
xe hơi.
|
Sau khi VietNamNet mở diễn đàn lấy ý kiến người dân về 'sức ép phí đè nặng lên ô tô', hàng trăm ý kiến độc giả đã gửi quan điểm và chia sẻ.
Trong đó, rất nhiều ý kiến phản ánh về việc quá nhiều loại thuế, phí đối với chiếc xe ô tô hiện nay. Cùng với đó là các ý kiến về việc đóng phí không công bằng giữa các loại xe kinh doanh và gia đình.
Sức ép đè nặng?
Độc giả có địa chỉ email hoangliemtm...@gmail.com viết: "Tôi có lẽ cả đời cũng chẳng mơ đến mua ôtô nhưng nhưng đọc bài viết ''Chi phí khổng lồ để sở hữu ôtô ở Viêt Nam'' của báo điện tử VietNamNet mới thấy các loại thuế, phí mà nhà nước đặt ra là quá khủng khiếp.
Tiền thuế đó ai là người chi tiêu? Đó là nhà nước. Vậy tiền thuế của người mua ôtô để làm gì mà lại phải đặt ra nhiều loại phí như thế? nhiều cơ quan thu thuế, phí, phải nuôi người thu rồi trích lại % cho người thu, rồi nhiều cơ quan chi, dẫn đến tiền của dân không được sử dụng có hiệu quả...".
Sau khi VietNamNet mở diễn đàn lấy ý kiến người dân về 'sức ép phí đè nặng lên ô tô', hàng trăm ý kiến độc giả đã gửi quan điểm và chia sẻ. |
Lấy một câu chuyện cụ thể của gia đình, độc giả Đinh Trường Sơn (Việt Trì, Phú Thọ) viết: Tôi xin trình bày như sau, tôi ở thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Hai vợ chồng tôi tích cóp mua được 1 xe ô tô cũ dung tích 1.6L khoảng 300 triệu hơn một năm nay. Trong một năm tôi tính chi phí sử dụng hàng tháng của tôi như sau:
1. Tôi đi khoảng 600 Km/tháng, xe tôi sử dụng hết 60 lít xăng với số tiền là 22.900x60= 1.374.000 đồng tương đương 16.488.000 đồng một năm.
2. Các chi phí sửa xe, rửa xe...trong một năm thì cũng khoảng 3 triệu nữa.
3. Tôi có sẵn nhà để xe ở nhà không mất tiền gửi xe.
Do đó nếu phải trả phí lưu hành phương tiện cá nhân là 20 triệu 1 năm thì so với chưa đến 20 triệu một năm tiền xăng và các chi phí khác của tôi thì mức phí kia tính trên cơ sở khoa học nào?
Trong khi đó, tại Việt Trì tôi không bao giờ bị tắc đường, chỉ có các thành phố lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh bị tắc. Thế thì tại sao chúng tôi phải gánh chi phí cho các thành phố lớn đó, mà phí đó còn lớn hơn cả chi phí sử dụng xe của tôi?.
Từ câu chuyện thực tế của bản thân, độc giả này đề xuất:
1. Các tỉnh, TP căn cứ vào sự ùn tắc của mình để tự xây dựng phí lưu hành xe cá nhân.
2. Xe đi vào những thành phố bị ùn tắc thì chỉ trả phí cho lượt đi đó thôi (phí này có thể rất cao) để đảm bảo công bằng.
Đồng tình quan điểm này, độc giả có địa chỉ mail youmeh..@yahoo.com viết: "Theo lý giải của các cơ quan quản lý, nguyên nhân khiến chi phí sở hữu ôtô ở nước ta quá cao là để “hạn chế phương tiện cá nhân, gây tắc đường”. Liệu đây có phải là nguyên nhân chính?
Thử hỏi ở nước ta, ngoài hai thành phố lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh xảy ra tình trạng này thì các tỉnh khác (nước ta còn rất nhiều tỉnh nghèo) có bị tắc đường do ôtô gây ra!?
Tại sao vẫn phải chịu một chi phí đầu tư quá cao cho một phương tiện cá nhân được cho là hiện đại, văn minh và nhiều tiện ích với như là ôtô?
Như thế liệu có công bằng cho người dân các tỉnh, thành phố khác khi họ phải còng lưng ra gánh vác cho chính sách chung “hạn chế ôtô” của nhà nước với hai thành phố lớn (phí trước bạ ít hơn đôi chút là 10%, so với 20% của Hà Nội và 15% của TP.HCM)".
'Đặc điểm đất nước Việt Nam là dài và hẹp, để thông thương buôn bán giữa các địa phương tốt thì cần có phương tiện vận tải. Ở Thái Lan, nông dân có thể dùng xe tải hoặc xe bán tải để chở hàng nông sản đến nơi họ cần bán ở nơi nào họ thấy được giá, tư thương không thể ép giá họ được vì sao ? Vì xe ôtô tại đây có giá trị thật, nông dân họ di chuyển hàng hóa dễ dàng trong đất nước với chi phí thấp.
Trên thế giới, những quốc gia coi ôtô là hàng xa xỉ cần hạn chế chắc chắn là số cực ít!" - một độc giả tên Kiên gửi ý kiến đến VietNamNet tham gia diễn đàn.
Độc giả Bui Khac Dung lại thẳng thắn đề cập:
"Tôi xin hỏi sau ngày 1/6 (hay đến khi nào?) chất lượng giao thông thay đổi? (còn kẹt xe? chất lượng đường xá còn ổ voi ổ trâu?.....); Nếu chúng ta thu phí như vậy thì có thực sự công bằng cho các xe, xe dùng ít/ dùng nhiều?
Nếu phải bắt buộc thu thì chúng ta nên thu vào xăng dầu thì công bằng hơn. Ngoại trừ các doanh nghiệp sử dụng cho sản xuất thì chúng ta có giải pháp riêng cho họ".
Đừng bi quan?Độc giả có địa chỉ email là remytr..25@yahoo.com lại cho rằng không nên dự đoán một cách bi quan như bài báo mở màn diễn đàn này. Theo phân tích của độc giả này, có những lý do sau:
Không nên so ở Mỹ. Họ có hạ tầng cơ sở giao thông đường bộ vào loại bậc nhất thế giới, một định chế về xe cộ rõ ràng là một chiếc xe chỉ được dùng trong bao nhiêu năm có hạn, cho dù nó không hư vẫn phải đem ra bãi.
Các khoản thuế má, trong đó có thuế thu nhập, các loại bảo hiểm đều được người dân tự nguyện đóng đầy đủ. Nguồn ngân sách để đầu tư vào lĩnh vực giao thông không thiếu.
Họ khuyến khích người dân sử dụng xe hơi. Tuy rằng có một bộ phận không nhỏ người Mỹ giàu có và trung lưu sống ở ngoại ô yên tĩnh đi làm bằng xe bus vào tận trung tâm thành phố, có khi là xe đạp! Như vậy xe hơi bên ấy giá thành hợp lý là đương nhiên...
Còn ở Việt Nam ta ? Đường sá thì hẹp, xấu, dân thì tập trung đông đúc. Mức thu nhập của dân Việt Nam chia ra hàng ngàn loại. Trong đó, rất nhiều người có nguồn thu nhập “không minh bạch” và không phải đóng thuế. Thử hỏi lấy đâu ra tiền để nhà nước bỏ ra cải tạo hạ tầng cơ sở giao thông? Chưa nói là nâng cấp, mở rộng. Theo tôi biết hầu hết là vốn ODA.
Có thể xem việc đóng các khoản phí là “truy thu” cũng không oan sai chút nào cả. Những người thu nhập cao phải có nghĩa vụ đóng góp vào ngân sách nhà nước cũng là đầu tư cho chính mình.
Tóm lại, riêng tôi đảm bảo rằng làn sóng lên đời xe hơi vẫn rộn ràng như mọi năm. Cứ xem giá xăng thì biết, tăng cỡ nào kệ, dân ta vẫn vi vu xe máy, xe hơi như thường. Và dù cho lạm phát, tăng giá, dân ta vẫn xe tay ga chứ có ai thèm mua xe chục triệu cốt để làm phương tiện đi đỡ chân đâu?
Từ đó suy ra tâm lý tiêu dùng và hưởng lạc là vô biên. Chỉ sợ rồi đây tai nạn giao thông, kẻ ngồi trên xe cười, người chết dưới đất sẽ xảy ra và các bác tài măng non và phụ nữ làm chảnh cũng sẽ tràn ngập, gây ra một loại nguy cơ xã hội mới trong điều kiện đường sá, mật độ xe như hiện nay.
Tạm biệt ô tô?
Kể câu chuyện thực của gia đình mình, độc giả Do Chau viết:
"Cách đây mấy năm, con trai tôi vì thương vợ con đi làm bằng xe máy không an toàn nên đã cố gắng (kể cả vay nợ đôi chút) để mua 1 ô tô hạng rẻ tiền nhất.
Cả nhà đều vui mừng, nhưng tiếc thay niềm vui này nay đang trở thành nỗi lo vì trong thời gian qua và sắp tới nghe tin sẽ có thêm một số lệ phí không nhỏ, giá xăng thì mỗi ngày một cao.
Chạy xe thì tiền xăng quá lớn, chưa kể tiền bến bãi gửi xe và không chú ý là "mắc bẫy" vi phạm giao thông (!), mà để xe không thì vẫn phải chịu phí lưu thông, phí bảo trì đường phố v.v...
Tôi bảo: tại các con không có "tầm nhìn xa trông rộng", mua xe làm gì bây giờ thêm khổ! Gia đình đã bàn đến chuyện hay là bán xe đi vậy, nhưng mua 10 bán 5 (là may ra) thì cũng tiếc của.
Rồi sau đó đi lại bằng cách gì? Có người đã tính tiền lương thu nhập hàng tháng phải trên 50 triệu đồng hãy mua và sử dụng ô tô. Biết bao giờ mới có được số tiền lớn như vậy?
Thôi thì chỉ có cách tự an ủi: Thời chống Pháp thì chỉ có đi bộ, thời chống Mỹ thì có được chiếc xe đạp "Thống nhất" đã là may lắm rồi, sau ngày thống nhất đất nước thì "tiến lên" được cái xe máy, nay cố sắm được cái ô tô tuy là hạng bét đã "được" (hay "bị") người ta gán vào "tầng lớp có của" dù rằng nợ chưa trả hết ! Chẳng lẽ đành quay lại thời xưa ?".
"Giấc mơ mua xe bị vỡ mộng khi nhà nước dự dịnh thu phí lưu hành. Tôi ở quận Long Biên, hai vợ chồng đi làm tiết kiệm gần 10 mới được 150 triệu, dự định mua một xe Matiz cũ để đi, nếu mỗi năm phải đóng 20 triệu lệ phí lưu hành thì giấc mộng xe hơi tan thành mây khói rồi. Thật là buồn…" - độc giả Long Tran bị quan.
Bạn đang sở hữu hoặc sắp mua một chiếc ô tô. Với 3 loại thuế và 7 loại phí, sức nặng đang đè lên chiếc ô tô của bạn? Hãy chia sẻ quan điểm của bạn về các vấn đề trên cũng như những chuyện thú vị lẫn sức ép từ chiếc ô tô. Bài viết, ý kiến bình luận xin gửi về email banxahoi@vietnamnet.vn. |
Vĩnh Lâm (tổng hợp)