- Bộ trưởng GTVT Đinh
La Thăng vừa gửi Thủ tướng Chính phủ báo cáo bổ sung đổi tên phí lưu hành phương
tiện cá nhân thành phí 'hạn chế phương tiện giao thông cá nhân đường bộ' và giữ
nguyên tên đối với phí ôtô đi vào trung tâm thành phố giờ cao điểm.
Giải thích trong tờ trình, Bộ trưởng Thăng cho rằng: “Việc đổi tên gọi như vậy
là để cho sát với mục tiêu và nội dung của phí như góp ý của Bộ Tài chính”.
Bộ GTVT cũng đề xuất thu phí hạn chế phương tiện giao thông cá nhân đường bộ
tăng 5% mỗi năm, và không thu phí xe biển xanh, biển đỏ và xe ngoại giao.
Được biết, vào đầu tuần tới, Bộ GTVT sẽ họp bàn với Bộ Tài chính để thống nhất về cách thu, mức thu phí bảo trì được bộ và nhiều nội dung khác liên quan. |
Đối với ôtô đăng ký trong nước, Bộ GTVT đề xuất giao các trung tâm đăng kiểm xe
cơ giới thu trực tiếp theo đầu phương tiện khi tiến hành kiểm tra an toàn kỹ
thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.
Đối với ôtô đăng ký nước ngoài tạm nhập lưu hành trên lãnh thổ Việt Nam, giao
các trạm quản lý vận tải cửa khẩu thuộc các Sở GTVT thu khi phương tiện làm thủ
tục nhập cảnh.
Đối với môtô, Bộ GTVT tiếp thu ý kiến của Bộ Tài chính, lùi thời gian thực hiện thu phí đối với môtô (ít nhất là 6 tháng kể từ khi thu phí ôtô.
Việc thu phí môtô giao cho chính quyền địa phương tổ chức
thực hiện.
Bộ GTVT đánh giá số lượng xe ô tô chịu sự tác động của chính sách thu phí phương
tiện cá nhân là 612.691 xe (tương ứng với 612.691 chủ phương tiện, chiếm 0,77%
dân số cả nước).
Các xe này phần lớn được sử dụng cho các mục đích cá nhân
(tuy có một số xe ô tô tham gia hoạt động vận tải là xe taxi, nhưng tỷ trọng
khối lượng vận chuyển không lớn - PV). Vì vậy, về cơ bản không ảnh hưởng đến giá
cả thị trường, giá thành hoạt động sản xuất kinh doanh.
Phí ô tô đi vào trung tâm giờ cao điểm gần như được giữ nguyên như đề xuất trước
đó của Bộ GTVT. Đối tượng thu phí ô tô đi vào trung tâm thành phố giờ cao điểm
vẫn sẽ là xe ô tô các loại, trong đó miễn thu phí đối với các loại xe công (xe
cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập; xe quân đội; xe công an) và xe ô
tô buýt.
Được biết, việc tổ chức thu phí sẽ thí điểm ở 5 thành phố lớn trực thuộc Trung
ương, gồm: Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ và Hải Phòng.
Khu vực thu và mức thu cụ thể sẽ do UBND cấp tỉnh quy định
trên cơ sở nghị quyết của Hội đồng nhân dân. Dự kiến, mức thu 30.000 đồng/lượt
đối với xe ô tô chở người đến 7 chỗ ngồi và 50.000 đồng/lượt đối với các loại ô
tô còn lại.
Gia Văn