– “Đến cuối năm 2015 hạn chế được tình trạng quá tải trầm trọng ở các bệnh viện còn lại và đến năm 2020 sẽ giảm quá tải bền vững trong toàn hệ thống khám chữa bệnh”.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết. Như vậy, người dân còn phải chờ đợi dài dài mới mong đến ngày bớt khổ khi đi khám bệnh!
Giải pháp cốt cán khó khả thi
Để từng bước thực hiện giảm tải bệnh viện, Bộ Y tế đưa ra một loạt giải pháp và thực hiện đồng bộ như: Đầu tiên là mở rộng và xây mới cơ sở hạ tầng bệnh viện; Giải pháp thứ 2 là đầu tư mua sắm, bổ sung đủ trang thiết bị có chất lượng, phù hợp để thực hiện các kỹ thuật tại bệnh viện, tăng cường hướng dẫn, chỉ đạo về chuyên môn kỹ thuật.
Giải pháp thứ 3 là nghiên cứu thay đổi giá viện phí cho phù hợp giữa các tuyến để hạn chế người bệnh tự ý chuyển lên tuyến trên; Giải pháp thứ 4 là thực hiện cải cách thủ tục hành chính, đổi mới cơ chế quản lý bệnh viện.
Các giải pháp còn lại gồm: Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát; xây dựng cơ chế về tài chính y tế - viện phí - cơ chế thanh toán; Xây dựng và thực hiện các cơ chế chính sách, thu hút và tăng cường nguồn lực cho tuyến dưới; Đẩy mạnh xã hội hoá công tác khám, chữa bệnh, tăng số giường bệnh tư nhân và đa dạng hoá các loại hình khám, chữa bệnh; Tăng cường các hình thức tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của người dân, tạo lòng tin của người dân với các cơ sở y tế ở tuyến dưới.
Bệnh nhân chờ đợi mỏi mòn tại bệnh viện K từ sáng tới trưa vẫn chưa được khám. Bệnh viện K là một trong những bệnh viện quá tải trầm trọng nhất nước (Ảnh: N.A) |
Một trong những điểm mấu chốt để giải quyết tình trạng quá tải bệnh viện là mở rộng và xây mới cơ sở hạ tầng bệnh viện. Bộ Y tế cũng nhấn mạnh vào giải pháp này và kỳ vọng sẽ mang lại sự thayđổi rõ rệt.
Theo đó, phê duyệt quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 sẽ tập trung đầu tư xây dựng các tổ hợp cơ sở y tế bao gồm cả các cơ sở khám chữa bệnh, phục hồi chức năng chất lượng cao tầm cỡ quốc gia, quốc tế tại các cụm đô thị Gia Lâm - Long Biên, Hòa Lạc, Sóc Sơn, Phú Xuyên, Sơn Tây.
Bộ Y tế đề ra lộ trình: Năm 2011sẽ tiến hành rà soát và bố trí cụ thể cả về thành phần và diện tích của từng cụm trung tâm y tế cho phù hợp với quy hoạch Thủ đô.
Năm 2012 sẽ xây dựng và trình duyệt quy hoạch từng cụm trung tâm y tế cùng dự toán kinh phí đầu tư và phương án huy động vốn đầu tư.
Năm 2013, sẽ lập dự án đầu tư từng cụm trung tâm y tế. Năm 2014 sẽ tiến hành các thủ tục đền bù giải phóng mặt bằng và thiết kế từng phần.
Năm 2015 và các năm sau sẽ tiến hành khởi công thực hiện dự án và tiếp tục công tác đền bù giải phóng mặt bằng và thiết kế.
Tại TP. Hồ Chí Minh, sẽ xây dựng và phát triển cụm y tế 4 cửa ngõ thành phố theo hướng tương tự để từng bước giảm tải.
Đây được coi là giải pháp cốt cán nhưng có lẽ lại là giải pháp khó thực hiện nhất. Lý do là vì thực tế các bệnh viện lớn trên toàn quốc đã năm lần bảy lượt đi khảo sát, xin đất đai nhưng đây không phải chuyện dễ dàng.
Trong buổi làm việc giữa lãnh đạo Bộ Y tế với UBND TP Hà Nội về công tác y tế trên địa bàn vào giữa tháng 12/2011, ông Nguyễn Thanh Liêm, Giám đốc bệnh viện Nhi TW đã thẳng thắn đề nghị “cần phải có cơ chế đặc thù” cho vấn đề này thì mới xin được đất đai, xây mới bệnh viện, giải phóng tình trạng quá tải.
Ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục quản lý khám chữa bệnh cho biết: Trước mắt, tập trung ưu tiên giải quyếttình trạng quá tải tại các bệnh viện đa khoa Trung ương và bệnh viện thuộc các chuyên khoa ung bướu, chấn thương chỉnh hình, nhi, tim mạch, phụ sản của 2 thành phố lớn là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Phấn đấu đến cuối năm 2013, giải quyết cơ bản tình trạng quá tải của Bệnh viện K, Viện Tim mạch - Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Nhi đồng 1 thành phố Hồ Chí Minh.
“Đến cuối năm 2015 hạn chế được tình trạng quá tải trầm trọng ở các bệnh viện còn lại và đến năm 2020 sẽ giảm quá tải bền vững trong toàn hệ thống khám chữa bệnh”, ông Khuê thông tin.
Thực hiện đề án giảm tải trước tiên tại 7 bệnh viện lớn
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã dồn nhiều công sức cho công tác chống quá tải bệnh viện trong thời gian qua.
Tại Hội nghị tăng cường chất lượng khám chữa bệnh tổ chức tại Hà Nội ngày 15/3 vừa qua, bà Tiến cho biết đề án chống quá tải bệnh viện được Bộ Y tế công bố lần này sẽ có sự tham gia của 7 bệnh viện Trung ương đầu ngành gồm Bạch Mai, Việt Đức, T.Ư Huế, Chợ Rẫy, K, Phụ sản T.Ư, Nhi T.Ư, hai sở y tế Hà Nội và TP.HCM.
Bệnh viện Nhi TW và 6 bệnh viện lớn khác sẽ triển khai thực hiện đề án giảm tải trước tiên. Tại bệnh viện Nhi TW, có thời điểm có tới 4 bệnh nhi chung 1 giường, chưa kể người nhà đi theo chăm sóc (Ảnh: N.A) |
Các biện pháp giảm tải cụ thể được thực hiện tại 7 bệnh viện này gồm: cải cách thủ tục hành chính, tổ chức xét nghiệm một cửa, thành lập bộ phận đón tiếp bệnh nhân, giảm người nhà ra vào viện trong thời gian cao điểm.
Đến năm 2015, Bộ Y tế đặt mục tiêu đạt 25-27 giường bệnh công lập/vạn dân (hiện nay con số này còn khiêm tốn ở mức 20,5 giường/vạn dân) và trong việc nâng cao số giường bệnh cho các bệnh viện thì đặc biệt ưu tiên cho các bệnh viện đang quá tải trầm trọng như K, Nhi T.Ư,Bạch Mai, Chợ Rẫy, …
Với giải pháp nâng số giường bệnh bằng các cách khác nhau (giảm khu vực hành chính, sắp xếp lại các khoa phòng,vv..) thì năm 2012 bệnh viện Bạch Mai sẽ có thêm 110 giường cho trung tâm ung bướu và tim mạch, đến năm 2020 có thêm 3.500 giường; Phụ sản T.Ư có thêm 500 giường trong năm 2012; …
Theo tính toán của Bộ Y tế, thực hiện đề án chống quá tải bệnh viện đến năm 2015 sẽ có thêm 45.000 giường bệnh, đạt 25-27 giường/vạn dân. Trong số các phần việc đã được đặt ra trong đề án, mới có 40% công việc ở khâu đang xây dựng, hoàn thiện, còn lại mới ở dạng dự án khả thi hoặc chưa có bất kỳ hoạt động triển khai nào.
Ngày 26/3, trả lời chất vấn các đại biểu QH, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết: “Việc giảm tải không thể nhanh chóng thực hiện. Phải ngoài năm 2015 mới có hiệu quả rõ rệt nhưng từ nay tới 2015 cố gắng giải quyết các điểm nóng”.
Ngọc Anh