– Nhằm tăng thu để cải thiện chế độ đãi ngộ cho cán bộ y tế và để đáp ứng tốt hơn nhu cầu ngày càng cao của người bệnh, nhiều bệnh viện công lập lớn đang ngày càng mở rộng khu vực khám dịch vụ theo yêu cầu và thu giá cao hơn khu vực khám bệnh thông thường. Cạnh tranh với các bệnh viện này là những bệnh viện tư được xây dựng theo tiêu chuẩn khách sạn cao cấp và hướng tới các kỹ thuật chuyên sâu.

Nở rộ dịch vụ cao cấp ở bệnh viện công

Bệnh viện Bạch Mai đang ngày càng mở rộng khu vực khám dịch vụ chất lượng cao nhằm đáp ứng nhu cầu bệnh nhân. Sau khi mở khoa khám bệnh theo yêu cầu được một thời gian ngắn và khoa này cũng bị quá tải, sắp tới bệnh viện sẽ xây dựng khu điều trị dịch vụ cao với 56 giường bệnh ở Viện Tim mạch và 56 giường bệnh này sẽ được tính đúng, tính đủ, phục vụ những người có đủ khả năng chi trả (hiện khu vực khám dịch vụ của Viện Tim mạch cũng đang quá tải).

Chưa hết, bệnh viện Bạch Mai cũng mới vay 500 tỷ đồng của Tập đoàn dầu khí và các nguồn khác để xây dựng một trung tâm y tế quốc tế dịch vụ cao, chất lượng tốt phục vụ người bệnh trong thời gian tới.

Theo quy hoạch của TP Hà Nội thì trung tâm này chỉ được phép xây 9 tầng nhưng như vậy không thể đáp ứng đủ nhu cầu người bệnh nên bệnh viện đang xin TP Hà Nội được phép xây lên 21 tầng.

Ông Nguyễn Quốc Anh, Giám đốc bệnh viện Bạch Mai bày tỏ quan điểm: “Phải có bệnh viện công đi tiên phong trong vấn đề khám chữa bệnh chất lượng cao vì y tế công lập vẫn là chủ chốt, bệnh viện tư nhân hiện mới chỉ làm những kỹ thuật chưa chuyên sâu”.

Mỗi phòng đơn trong khu điều trị tự nguyện A có giá gần 2 triệu đồng/ngày (với bệnh nhân hậu phẫu là 2.300.000 đồng/ngày). Giá khá 'chát' nhưng bác sỹ Trần Thanh Tú - trưởng khoa điều trị tự nguyện A (áo trắng) - cho biết khoa thường xuyên phải từ chối bệnh nhân vì không còn giường (Ảnh: N.A)

 

Bệnh viện Nhi TW cũng đang phát triển khu vực dịch vụ cao nhằm phục vụ những người có đủ khả năng thanh toán. Tại khoa điều trị tự nguyện A, một bệnh nhân khám đa khoa nếu đặt lịch khám trước qua điện thoại thì tiền công khám là 390 ngàn đồng (chưa kể xét nghiệm, chụp chiếu); còn nếu không đặt trước qua điện thoại, tiền khám là 580.000 đồng.

Với bệnh nhân khám chuyên khoa, nếu đặt lịch khám trước qua điện thoại, tiền khám là 580.000 đồng; nếu không đặt trước, tiền khám nâng lên mức 680.000 đồng/lần khám.

Cộng tất cả các loại xét nghiệm, chụp chiếu, một bệnh nhân đến khám tại khoa điều trị tự nguyện A có thể phải “móc ví” ít nhất vài ba triệu đồng (vì giá các xét nghiệm cũng đắt gấp 3-4 lần thông thường).

Sự chênh lệch này đặc biệt thể hiện ở giá phòng nằm điều trị. Khoa điều trị tự nguyện A của bệnh viện Nhi Trung ương có 3 loại phòng điều trị nội trú, thấp nhất là loại phòng 3 giường cho 3 bệnh nhân, giá 1.200.000 đồng/ngày/phòng. Tiếp đến là loại phòng 2 giường/2 bệnh nhân, giá 1.500.000 đồng/ngày. Cao nhất là phòng đơn cho 1 người, giá 1.880.000đồng/ngày.

Đặc biệt, với bệnh nhân phẫu thuật, nếu sử dụng phòng có 1 giường cho 1 người, giá tiền sẽ là 2.300.000 đồng/ngày. Đây chỉ là tiền phòng, tiền ăn, tiền phục vụ, chưa tính tiền khám, tiền thuốc và các dịch vụ khác nằm ngoài danh mục.

Tính cả chi phí thuốc thang, các chi phí gián tiếp khác, nếu mỗi bệnh nhân vào đây điều trị khoảng 7 ngày rồi ra viện thì chi phí có thể lên tới xấp xỉ 20 triệu đồng! Để đáp ứng nhu cầu của bệnh nhân, bệnh viện Nhi TW cũng triển khai các loại hình BHYT đặc biệt (liên kết với các doanh nghiệp tư nhân) với mức đóng cao để khi phải nằm viện, bệnh nhân có thể được phía bảo hiểm thanh toán tối đa 10 triệu đồng/ngày/người.

Ông Lý Ngọc Kính, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) đánh giá việc các bệnh viện công lập lớn ngày càng mở rộng các khu khám chữa bệnh theo yêu cầu như trên là tất yếu trong bối cảnh nhu cầu xã hội ngày càng cao và bệnh viện cần nguồn kinh phí để trang trải các chi phí về tiền lương cho cán bộ y tế (do Ngân sách Nhà nước còn hạn chế, giá viện phí rất thấp).

Tuy nhiên, để khu vực này hoạt động “lành mạnh” cần cơ chế đặc thù để tránh việc lấy nguồn nhân lực, vật lực, đất đai của khu vực công lập để phục vụ khu vực tư nhân. Như vậy là điều không rõ ràng và người bệnh ở các khu vực khám chữa bệnh thông thường sẽ chịu thiệt.

Bệnh viện tư cũng tham gia vào cuộc đua

Vào đầu tháng 1 vừa qua, sự kiện một bệnh viện khách sạn 5 sao khai trương tại Hà Nội đã khiến nhiều người chú ý.

Bệnh viện này khi ra đời đã đặt ra tiêu chí phát triển là hướng tới chất lượng và dịch vụ 5 sao. Và tương đồng với điều này, giá thành khám chữa bệnh tại đây cũng cao hơn hẳn so với các bệnh viện thông thường (và tương đương các bệnh viện tư nhân quốc tế tại Viêt Nam như bệnh viện Việt - Pháp).

Cụ thể: Với gói sinh thường, giá tại bệnh viện này là 25 triệu đồng/ca, sinh mổ là 30 triệu đồng/ca. Gói khám sức khỏe tổng thể dành cho người từ 17-35 tuổi là 2 triệu đồng, gói nâng cao (35-50 tuổi) là 3 triệu đồng, gói đặc biệt 7 triệu đồng/người, …

Ngoài ra, bệnh viện còn triển khai các loại thẻ khám chữa bệnh theo nhiều nấc khác nhau để người bệnh có thể lựa chọn theo nhu cầu và không có thẻ nào có mệnh giá dưới 2 triệu đồng.

Bệnh viện tư xây dựng theo mô hình bệnh viện khách sạn 5 sao được đầu tư nhiều về trang thiết bị, đội ngũ nhân lực để cạnh tranh với bệnh viện công, thu hút người bệnh (Ảnh: N.A)

 

Bên cạnh bệnh viện đa khoa Quốc tế trên, sắp tới cũng có một “đại gia” nhảy vào cuộc đua này là bệnh viện đa khoa quốc tế V.M. với quy mô lên tới 1.000 giường bệnh.

Bệnh viện này cũng đưa tiêu chí chất lượng và dịch vụ lên hàng đầu và hướng tới khách hàng mục tiêu là khách hàng trong và ngoài nước có thu nhập ổn định cao.

Sản phẩm của các bệnh viện cao cấp trên cũng không chỉ dừng ở những kỹ thuật thông thường như trước đây. Để có thể cạnh tranh với các bệnh viện công vốn đã “thống trị” ngành y tế từ trước đến nay, các bệnh viện tư nhân cao cấp ngày càng mở rộng khả năng chuyên môn của mình. Bệnh viện V.M. sắp ra mắt đã đưa ra các sản phẩm mà mình hướng tới, đó là các dịch vụ khám chữa bệnh thông thường, đặc biệt điều trị ung thư, …

Đánh giá về “cuộc đua” này, ông Lý Ngọc Kính, nguyên Cục trưởng Cục quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết ngành y tế nước ta từ trước đến nay vốn có tính cạnh tranh rất thấp (nếu không muốn nói là các bệnh viện tư, bệnh viện công nhỏ không thể cạnh tranh với bệnh viện lớn như Bạch Mai, Việt Đức, Nhi TW, vv…).

Tuy nhiên, dấu hiệu này cũng cho thấy một sự thay đổi tích cực để người dân có nhiều lựa chọn cho mình và đây cũng là động lực để bệnh viện công phải dần thay đổi cung cách phục vụ mới có thể giữ chân người bệnh.

“Đó là cách làm cho bệnh viện công phải vươn lên. Thị trường tạo ra một cuộc cạnh tranh rất lớn: Anh phải cố gắng, không thể độc quyền mãi được, vì độc quyền nên sinh ra tiêu cực. Giờ có bệnh viện tư nhân cơ sở tốt, thái độ tốt thì không thể độc quyền được nữa. Nếu có các bệnh viện tư nhân theo hướng này thì các bệnh viện lớn như Bạch Mai, Việt Đức sẽ khác”, ông Kính nói.

Ngọc Anh

Bài 2: Cạnh tranh với bệnh viện công: Khó phá thế độc quyền?