- Tiến sĩ Trần Tuấn, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu phát triển và đào tạo cộng đồng (RTCCD - thuộc Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam) khẳng định xu thế đưa cha mẹ vào trại dưỡng lão là tất yếu. Tuy nhiên, tại thời điểm này ở Việt Nam, việc đưa cha mẹ vào trại dưỡng lão dường như vẫn còn gặp nhiều rào cản về đạo đức.

Tất yếu hay bất hiếu?

Anh Ngọc có cha năm nay 76 tuổi và đang ở tại trung tâm dưỡng lão Thiên Đức (Đông Ngạc, Từ Liêm, Hà Nội - tên anh Ngọc đã được thay đổi - PV) cho biết, trước khi đưa ông cụ vào trung tâm dưỡng lão (TTDL), trong gia đình anh đã nổ ra một cuộc tranh cãi nảy lửa.

Luồng thứ nhất cho rằng, ông cụ đã vất vả cả đời để nuôi 5 anh em khôn lớn, thành đạt. Đến khi ông già yếu thì con cái có bổn phận chăm sóc ông bằng mọi giá và nhất thiết phải để ông sống cùng gia đình.

Luồng thứ hai cho rằng, không ai trong gia đình không yêu thương cụ, ai cũng đều có trách nhiệm với cụ. Tuy nhiên, công việc, học hành quá bận rộn nên con cháu đi suốt ngày. Nếu để ông cụ ở nhà thì ông chỉ quẩn quanh trong 4 bức tường vô hồn và làm bạn với chiếc tivi.

Cộng với việc bị bệnh về huyết áp, nguy cơ cụ bị tai biến có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Bao nhiêu người giúp việc đều đã lắc đầu ra đi vì cụ quá khó tính. Vì vậy, đưa cụ vào trại dưỡng lão có y tá, điều dưỡng chăm sóc chu đáo là một giải pháp có vẻ tích cực hơn.


Tại thời điểm này ở Việt Nam, việc đưa cha mẹ vào trại dưỡng lão dường như vẫn còn gặp nhiều rào cản về đạo đức. (Ảnh chụp tại trung tâm dưỡng lão Thiên Đức - N.A)

"Dẫu có phân tích đến đâu thì lượng phản đối vẫn còn, tuy nhiên điều may mắn là lượng người ủng hộ có tăng lên.

Tôi nghĩ, trong bối cảnh hiện nay xã hội chúng ta cần thay đổi dần quan niệm về việc đưa cha mẹ vào các trung tâm chăm sóc người già chuyên nghiệp nếu họ có đủ điều kiện", anh Ngọc bày tỏ.

Anh Ngọc cho biết, thuyết phục được anh em trong nhà là cả một vấn đề không đơn giản nhưng thuyết phục được cụ ông 76 tuổi mới là chuyện khó nhất.

"Ông cụ đã sống với con cháu hơn bảy chục năm, quá quen với môi trường này, không gian này, thật khó để thay đổi. Chúng tôi phải đưa cụ đến trung tâm vài lần cho cụ thăm thú, làm quen cho đến khi cụ thích cộng đồng này thì cụ tự nguyện đồng ý", anh Ngọc nói thêm.

Theo anh Ngọc, khi tham gia vào cộng đồng người cao tuổi ở TTDL, bố anh đã có những thay đổi khá tích cực như bớt khó tính, bớt cau có. Chứng bệnh huyết áp của cụ cũng được kiểm soát tốt hơn vì có những người có chuyên môn theo dõi. Hàng tuần, thậm chí hàng ngày (nếu có điều kiện), 5 anh em anh đều thay nhau lên thăm nom bố.

"Cụ có nhớ nhà, nhưng bất cứ khi nào cụ muốn về là chúng tôi đều đáp ứng. Thực lòng là để ông cụ lên đây cũng áy náy với cụ lắm. Nhưng ông cụ cứ ở nhà một thân một mình như vậy thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra", anh Ngọc chia sẻ.

Chống "sốc" cho các cụ

Theo Tiến sỹ tâm lý Nguyễn Kim Quý, xu hướng đưa cha mẹ vào trại dưỡng lão là tất yếu. Nhưng càng ngày, việc đưa cha mẹ vào trại dưỡng lão càng gắn chặt với trách nhiệm của con cái, vì việc này được diễn ra một cách chủ động và có sự chuẩn bị kỹ càng, thống nhất giữa hai bên.

Để sự thay đổi này (xu hướng đưa người già vào trại dưỡng lão) được đón nhận và diễn ra suôn sẻ, Tiến sĩ Quý lưu ý: "Người cao tuổi ở Việt Nam chưa thật quen với việc vào trại dưỡng lão sống một cách “vui vẻ” và đại đa số họ chưa hề chuẩn bị trước để đón nhận điều đó.

Chỉ đến khi cuộc sống gia đình thực sự gặp những xung đột hoặc các thành viên khó thích ứng với nhau thì họ mới nghĩ tới. Vì thế, khâu “chuẩn bị” khá sơ sài. Cho nên nhiều cụ bị sốc. Bởi vậy cần làm kỹ “công tác tư tưởng” để tránh trường hợp bị phản ứng ngược, là các cụ cự tuyệt với các trại dưỡng lão".


Cần chuẩn bị tâm lý và làm công tác tư tưởng tốt để các cụ không bị sốc (Ảnh: N.A)

Khẳng định xu hướng đưa cha mẹ vào trại dưỡng lão là tất yếu, Tiến sĩ Trần Tuấn dự báo trong tương lai, mô hình các trung tâm chăm sóc sức khỏe người cao tuổi chất lượng cao sẽ tiếp tục được mở rộng, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người dân đối với dịch vụ “đặc biệt” này.

Hiện nay, các trung tâm chăm sóc người cao tuổi do Nhà nước lập ra mới chỉ giải quyết được một phần nhu cầu dành cho những người neo đơn, không nơi nương tựa hoặc người nghèo. Còn một bộ phận rất lớn là những người có điều kiện kinh tế tốt nhưng không đủ thời gian, sức lực “kham” hết cả việc chăm sóc cha mẹ già và họ là những đối tượng thực sự có nhu cầu về các địa chỉ chăm sóc người cao tuổi chất lượng cao với dịch vụ phong phú, toàn diện.

Ngoài ra, theo Tiến sĩ Tuấn, Nhà nước cần tập trung vào lĩnh vực này để đảm bảo an sinh xã hội vì trên thực tế còn rất nhiều cụ già không có điều kiện vào trại dưỡng lão cao cấp. Họ cần được tạo điều kiện để sống tốt trong những trung tâm do Nhà nước lập ra phù hợp với điều kiện kinh tế của mình và con cái.

Chính sách không hợp lý, người già sẽ là gánh nặng lớn

Tiến sĩ Trần Tuấn phân tích: Những thay đổi về cơ cấu dân số cho thấy áp lực về dân số già ở Việt Nam là hiện hữu. Hơn nữa, xu hướng toàn cầu hóa khiến con cái sẽ đi xa nhiều hơn. Trong khi đó điểm mâu thuẫn là người già thường có xu hướng quay trở lại với cộng đồng của mình.

Vì vậy, trong bối cảnh hiện nay, người già là cả một vấn đề lớn. Nếu không có những chính sách đúng đắn và đúng thời điểm thì gần 10 triệu người già trên cả nước sẽ là một gánh nặng lớn, cản trở sự phát triển chung của các cá nhân, gia đình và toàn xã hội.

 

Ngọc Anh