Trên thực tế, Việt Nam chưa có tiêu chuẩn phòng cháy chữa cháy cho nhà siêu cao tầng, cho nên, ngoài trang thiết bị tự ứng cứu ở các chung cư cao tầng hiện nay, khi xảy ra cháy nổ, quan trọng nhất là sự bình tĩnh của người dân để tự cứu lấy chính mình.

Từ đầu năm 2012, tại Hà Nội đã có nhiều vụ hỏa hoạn xảy ra tại các khu chung cư cao tầng. Hầu hết các vụ hỏa hoạn đều xuất phát từ nguyên nhân do chập điện, ý thức của người dân khiến nhiều người lo lắng, đặc biệt là những cư dân đang sinh sống tại các khu chung cư cao tầng.

Với nhà cao tầng, PCCC chỉ là hình thức

Theo thống kê mới nhất, trên địa bàn Hà Nội hiện có khoảng 400 tòa nhà cao trên 10 tầng, được sử dụng làm chung cư, văn phòng, khách sạn, trung tâm thương mại.
Tuy nhiên, qua khảo sát của cơ quan chức năng, nhiều hệ thống chữa cháy của tòa nhà không được bảo trì, nhiều hệ thống bị hỏng, không hoạt động được.

Xe thang 52m, nặng 50 tấn không thể tiếp cận vụ hỏa hoạn ở tòa nhà 34T Trung Hòa  - Nhân Chính vì...nền đất yếu
 

Tại một số tòa chung cư cao tầng trên địa bàn Hà Nội, hiện nay các bình bọt cứu hỏa đều được trang bị để ứng cứu khi có hỏa hoạn xảy ra. Nhưng theo tìm hiểu thì các bình bọt cứu hỏa này đều có thời hạn sử dụng, sau một thời gian trang bị, các bình này phải được kiểm tra, bảo dưỡng và phải nạp bọt mới thì mới có thể hoạt động hiệu quả trong công tác cứu hỏa.

Cán bộ kỹ thuật kiểm tra thiết bị báo cháy tại tòa nhà 34T Trung Hòa - Nhân Chính trưa 25/3 vì khi xảy ra cháy, thiệt bị báo cháy không hoạt động
 
Bên cạnh đó, các tòa nhà cao tầng hiện nay không hề có hệ thống thông gió, hút khói, cửa thoát hiểm liên tục bị khóa khiến người dân gặp khó khăn khi có hoả hoạn.
Và đặc biệt hơn nữa, tại các chung cư cao tầng hệ thống máy tăng áp ở cầu thang không hề có, nên khi xảy ra hỏa hoạn người dân khó có thể thoát thân trong điều kiện hành lang và cầu thang bị ngạt khói và lửa cháy lớn.
 
Cầu thang bộ tối om vì nguồn điện cầu thang thoát hiểm cũng bị mất trong vụ hỏa hoạn tòa nhà M3 - M4 chung cư 21 tầng Nguyễn Chí Thanh - Hà Nội
 
Theo một chuyên gia về PCCC thì trước việc phương tiện cứu nạn, cứu hộ, PCCC bị hạn chế cũng như vấn đề đảm bảo an toàn cháy nổ tại các chung cư cao tầng chưa được đảm bảo, vấn đề tập huấn kỹ năng PCCC, tâm lý đối phó tình huống cho người dân trong môi trường tập thể về phòng chống các vấn nạn PCCC là cấp bách và quan trọng hơn bao giờ hết.

Nhìn lại các vụ cháy tòa nhà chung cư cao tầng cho thấy, công tác phòng chống cháy nổ và cứu hộ cứu nạn còn nhiều vấn đề.

Thứ nhất, hệ thống điện phụ (phục vụ chiếu sáng cửa thoát hiểm, cầu thăng bộ) của tòa nhà không hoạt động khi nguồn điện chính bị cắt, chính điều này khiến người dân bị kẹt lại, không thể nhìn thấy đường để chạy đến cửa thoát hiểm khi khói lan tỏa.

Thứ hai, tình trạng buông lỏng quản lý của quản lý toà nhà và chính sự thiếu hiểu biết của người dân trong việc tự ý xây dựng khu vực lan can trong các căn hộ cũng là nguyên nhân làm cho lực lượng cứu hỏa không tiếp cận được khi xảy ra cháy.

Thứ ba là các phương tiện phòng cháy chữa cháy các tòa nhà cao tầng gặp nhiều khó khăn.

Theo đó, bên cạnh các yếu tố khách quan về công tác đảm bảo an toàn cháy nổ tại các khu chung cư cao tầng, người dân cũng phải tự trang bị cho mình về kiến thức về khống chế, làm chủ bản thân khi có tình huống hỏa hoạn xảy ra.

Cứu hỏa đến tầng 17, nếu xe thang vào được

Sáng ngày 3/2, một vụ hỏa hoạn lớn xảy ra tại tòa nhà 21 tầng, chung cư M3-M4 (ở số 91 Nguyễn Chí Thanh, quận Đống Đa, Hà Nội). Trưa 25/3 cũng xảy ra một vụ cháy tại tòa chung cư 34T Trung Hòa – Nhân Chính…

Trên đây chỉ là hai trong nhiều vụ cháy chung cư cao tầng ở Hà Nội mà hệ thống báo cháy tại chỗ không hoạt động.

Trong vụ cháy tầng 12 chung cư 34T Trung Hòa – Nhân Chính, xe thang cứu hỏa được đưa đến hiện trường nhưng không thể tiếp cận sát chân tòa nhà vì lý do nền đất không chịu được tải trọng gần 50 tấn của xe thang cao 52m.

Xe thang 52m, nặng 50 tấn chỉ có thể tiếp cận hiện trường vụ cháy nếu... nền đường cho phép
 
Trao đổi với VietNamNet, Đại tá Tô Xuân Thiều, Phó Giám đốc Sở cảnh sát PCCC Hà Nội cho biết: Việc thiếu thốn một số trang thiết bị cứu nạn, cứu hộ cũng khiến việc cứu người còn chưa nhanh như mong muốn.

Về xe thang, ông Thiều khẳng định trên thế giới chưa có xe thang nào cao hơn 100m, chỉ có xe thang 72m nặng khoảng 80 tấn là cao nhất, vì ở độ cao này, xe thang bị gió thổi lắc giật, không đảm bảo an toàn.

Hiện ở Hà Nội chưa có xe thang cao 72m, mới chỉ có xe thang 52m nặng khoảng 50 tấn, vươn được tới các tầng 17-18.

Đó là chưa kể hệ thống dây điện ở Thủ đô cản trở đường đi, nếu xe cứ đi qua sẽ 'cua' hết dây điện trên đường. Do đó, việc chữa cháy phải xác định phương án 4 tại chỗ gồm lực lượng tại chỗ; phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ, chỉ huy tại chỗ.

Khi xảy ra cháy, việc chữa cháy phải xác định 4 phương án tại chỗ

Như vậy, đối với những nhà cao tầng chủ yếu phòng ngừa và tự chữa cháy là chính, khi thiết kế nhà cao tầng phải theo quy chuẩn tự động chữa cháy.

Tuy nhiên, trên thực tế, Việt Nam chưa có tiêu chuẩn phòng cháy chữa cháy cho nhà siêu cao tầng, cho nên, ngoài trang thiết bị tự ứng cứu ở các chung cư cao tầng hiện nay, khi xảy ra cháy nổ, quan trọng nhất là sự bình tĩnh của người dân để tự cứu lấy chính mình.

Phạm Hải