Bản án khiến gia đình bị hại còn nhiều bức xúc
Sau phiên tòa sơ thẩm xử Lê Văn Luyện diễn ra ngày 11/1, gia đình nạn nhân đã kháng cáo toàn bộ bản án vì cho rằng bản án xử không nghiêm minh, còn nhiều mâu thuẫn chưa làm rõ tại tòa.
Chúng tôi xin trích đăng lại nội dung bản án sơ thẩm.
Tại phiên sơ thẩm, đại diện gia đình bị hại có yêu cầu xem xét việc gia đình chị Chín, anh Ngọc có một chiếc túi nhưng HĐXX cho rằng gia đình nạn nhân đã không đưa ra được căn cứ chứng minh nên HĐXX thấy không có căn cứ xem xét.
Đại diện người bị hại cũng đề nghị xem xét
lại thương tích hình móng ngựa trên cơ thể anh Ngọc.
Theo chủ tọa phiên tòa: Điều này đã được kết luận trong bản kết luận giám định số 2340/ C54 ngày 16/9/2011 của Viện KHHS- Bộ Công an kết luận là do vật sắc nhọn gây nên và con dao phớ, dao díp có thể gây nên thương tích này.
Tại phiên sơ thẩm, luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị hại cho rằng, việc thực nghiệm điều tra không cho đại diện bị hại tham gia là không đảm bảo quyền lợi người bị hại.
Vấn đề này, thẩm phán, chủ tọa phiên tòa cho rằng, theo quy định tại điều 153, BLTTHS, không bắt buộc người bị hại tham gia thực nghiệm điều tra.
Ngoài ra, tại phiên sơ thẩm, luật sư còn cho rằng, cần đề nghị truy tố thêm Luyện tội 'Cướp tài sản' theo điểm a, khoản 4, điều 133, BLTTHS vì Luyện gây thương tích cho cháu Bích.
Vấn đề này, HĐXX cấp sơ thẩm thấy rằng việc cháu Bích bị thương tích nhưng cháu Bích đã là người bị hại của tội giết người nên không có căn cứ chấp nhận quan điểm của luật sư.
Luật sư cũng cho rằng, cần truy tố thêm bị
cáo Nghi tội 'Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài' theo Điều 275,
BLHS; Truy tố thêm Miên, Hồng về tội chứa chấp tài sản do người khác phạm
tội mà có.
Vấn đề này, HĐXX cấp sơ thẩm thấy rằng, hành vi nhờ người khác đưa Luyện
trốn đi nước ngoài nhằm trốn tránh việc cơ quan điều tra phát hiện và xử lý
tội phạm, đây là dấu hiệu của việc che giấu tội phạm nên VKS chỉ truy tố về
một tội che giấu tội phạm là có căn cứ.
Còn đối với hành vi cất giấu vàng của Miên và Hồng là dấu hiệu của việc che
giấu và cản trở cho việc điều tra tội phạm nên VKS truy tố tội che giấu tội
phạm là có căn cứ.
Luật sư cũng cho rằng, căn cứ lời khai của cháu Bích và các tài liệu khác có
trong hồ sơ thì ngoài Luyện ra còn có khả năng Luyện có đồng phạm, do vậy
luật sư đã đề nghị HĐXX trả hồ sơ điều tra bổ sung.
Vấn đề này, HĐXX nhận thấy, qua các tài liệu có trong hồ sơ, các dấu vết để
lại hiện trường, qua kết quả khám nghiệm hiện trường, qua kết quả giám định
thì chưa có căn cứ xác định có đồng phạm với Luyện.
Mức án tuyên chưa “hợp lòng người”?
Như vậy, theo HĐXX cấp sơ thẩm, đã có đủ cơ sở kết luận: Ngày 12/8/2011,
Luyện mượn xe máy của anh Trương Văn Nhi đem cắm được 5,5 triệu đồng ăn
tiêu. Do không có tiền ăn tiêu và chuộc xe, Luyện nảy sinh ý định cướp tiệm
vàng Ngọc Bích của vợ chồng anh Trịnh Thành Ngọc, Đinh Thị Chín ở phố Sàn,
tỉnh Bắc Giang.
Luyện đã mua 1 chiếc ba lô, 1 con dao phớ, 1 con dao díp, 1 chiếc đèn pin
làm công cụ gây án. Khoảng 3 giờ ngày 24/8/2011, Luyện trèo lên cây trước
cửa tiệm vàng, lên mái tôn rồi bám vào các thanh sắt nằm ngang trèo lên ban
công tầng ba, cậy cửa phía trước tầng 3 tiệm vàng Ngọc Bích đi vào trong
nhà.
Sau khi lục soát các phòng nhưng không lấy được tài sản, Luyện lên tầng ba
chờ gia đình anh Ngọc tỉnh dậy sẽ giết từng người sau đó thực hiện hành vi
cướp tiệm vàng.
Luyện dùng hai con dao đem theo đâm, chém đứt bàn tay phải cháu Trịnh Ngọc
Bích, sau đó chém vào mặt cháu Bích, dùng dao phớ cắt cổ cháu Trịnh Phương
Thảo là con thứ hai của anh Ngọc, chị Chín làm cháu Thảo tử vong. Cháu Bích
bị tỷ lệ thương tích 74,6%.
Luyện cướp của gia đình anh Ngọc số tài sản gồm 59 dây vàng, 13 vòng tay
vàng, 4 kiềng cổ vàng, 5 mặt đá, 8 dây chuyền vàng, 2 chiếc lắc vàng, 231
nhẫn vàng các loại và 1 chiếc điện thoại di động.
Trương Thanh Hồng có hành vi đi xe máy đến cổng trường cấp ba Phương Sơn đón
Luyện về nhà, đưa đến trạm y tế xã băng vết thương, đưa Luyện ra thị trấn
Vôi, huyện Lạng Giang để trốn lên Lạng Sơn, được Luyện đưa cho 2 dây chuyền
vàng nhờ bán.
Lê Văn Miên đã cất giấu số vàng của Luyện cướp được để tại nhà; vợ chồng Lê
Thị Định, Lê Thành Nghi biết rõ Luyện phạm tội nhưng đã cho Luyện ở tại nhà,
sau đó giúp Luyện trốn sang Trung Quốc.
Trương Văn Hợp, Dương Thị Lược biết rõ hành vi phạm tội của Luyện nhưng
không trình báo với cơ quan có thẩm quyền.
Với nhận định trên, HĐXX cấp sơ thẩm đã tuyên phạt Lê Văn Luyện mức án 18
năm về tội giết người, 18 năm cho tội cướp tài sản, 9 tháng tù vì tội lạm
dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Theo quy định của pháp luật, bị cáo gây án khi chưa đến tuổi thành niên (17
tuổi, 10 tháng 6 ngày) nên tổng hợp các hình phạt không quá 18 năm tù.
6 bị cáo còn lại của vụ án gồm: Lê Văn Miên (bố của Luyện) lĩnh án 48 tháng
tù tội che giấu tội phạm; đồng phạm Trương Thanh Hồng và Lê Thị Định bị phạt
lần lượt 30 tháng, 15 tháng tù giam. Do không tố giác tội phạm, bị cáo Lê
Thành Nghi bị phạt 15 tháng tù giam; Trương Văn Hợp 12 tháng và Dương Thị
Lược nhận 9 tháng tù giam.
Gia đình bị hại yêu cầu được bồi thường 1,6 tỷ đồng, song HĐXX chỉ chấp nhận
những chi phí được pháp luật quy định như tiền mai táng, chữa trị... Tổng
tiền bồi thường được tòa xem xét là 316 triệu đồng.
Mức án dành cho Luyện dù đã “kịch khung” nhưng nhiều người vẫn cho rằng chưa
tương xứng với tội lỗi mà tên sát nhân đã gây ra.
Các bị cáo khác thì cho rằng, mức án của mình là quá nặng. Vì vậy, các bị
cáo Miên, Hồng, Định, Nghi, Hợp, Được đều có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ tội
và xin được hưởng án treo.
T.Nhung