– Tính từ đầu năm 2012 đến ngày 18/3/2012, cả nước đã có 18.131 trường hợp mắc tay chân miệng tại 63 tỉnh, thành phố trong cả nước, trong đó có 14 trường hợp tử vong tại 9 tỉnh, thành phố.

TS Nguyễn Văn Bình, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết: 10 tỉnh, thành phố có tỷ lệ mắc/100.000dân cao nhất của cả nước là: Hải Phòng, Lào Cai, Đồng Tháp, Đà Nẵng, Vĩnh Phúc,Hậu Giang, Khánh Hòa, Cà Mau, Bình Định và Bà Rịa-Vũng Tàu.


Chưa đầy 3 tháng, cả nước đã có 14 trẻ tử vong vì tay chân miệng trong tổng số 18.131 trường hợp mắc bệnh (Ảnh: VietNamNet)

Hiện nay, TP. Hải Phòng đứng đầu cả nước về số trường hợp mắc tay chân miệng cũng như tỷ lệ mắc/100.000 dân với số mắc trung bình mỗi tuần là 171 trường hợp.

Ông Phan Trọng Khánh, Giám đốc Sở Y tế Hải Phòng cho biết: “Hiện nay mỗi ngày toàn thành phố tiếp nhận thêm vài chục ca mắc bệnh tay chân miệng mới, trong đó chủ yếu đều là các ca nhẹ và đến từ các huyện ngoại thành, vùng nông thôn, không có ổ dịch trong trường học, nhà trẻ”.

Theo ông Khánh, sở dĩ Hải Phòng năm nay “đột biến” dịch tay chân miệng là bởi môi trường, thời tiết bất lợi, các điều kiện về vệ sinh, nước, … còn hạn chế (nhất là ở các khu vực nông thôn,ngoại thành).

Tại thời điểm này, TP Hải Phòng đang triển khai toàn bộ các biện pháp phòng, chống dịch để kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh.

Theo báo cáo của Cục Y tế dự phòng, hiện nay, tỉnh có số trường hợp tử vong cao nhất là An Giang (4 trường hợp), tiếp theo là: Đồng Tháp (2), Đồng Nai (2), TP. Hồ Chí Minh (1), Cần Thơ(1), Vĩnh Long (1), Đà Nẵng (1), Bình Định (1) và Bà Rịa – Vũng Tàu (1).

Cục trưởng Nguyễn Văn Bình cho biết hiện toàn bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh vẫn đang được triển khai mạnh, toàn diện. Cục sẽ tổ chức phát động chiến dịch phòng, chống bệnh tay chân miệng tại các địa phương trong tháng 03/2012 theo quy mô các cấp: tỉnh/thành phố;quận, huyện, xã/phường, tuyên truyền vận động nhân dân vệ sinh an toàn thực phẩm,khuyến cáo, hướng dẫn người dân rửa tay bằng xà phòng và nước sạch, tiếp tục thành lập và duy trì hoạt động của đội cơ động chống dịch các cấp.

Dịch tay chân miệng còn diễn biến phức tạp trong thời gian tới. Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp sau để phòng ngừa bệnh tay chân miệng hiệu quả:

1. Vệ sinh cá nhân: Rửa tay thường xuyên với xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày (cả người lớn và trẻ em), đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ.

2. Vệ sinh ăn uống: thức ăn cho trẻ cần đảm bảo đủ chất dinh dưỡng; ăn chín, uống chín; vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng (tốt nhất là ngâm tráng nước sôi); sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày; không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi chưa được khử trùng.

3. Làm sạch nơi sinh hoạt, vật dụng: hộ gia đình, nhà trẻ mẫu giáo, các hộ trông trẻ tại nhà cần thường xuyên lau sạch các bề mặt, vật dụng tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.

4. Quản lý phân: Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, phân, chất thải của trẻ phải được thu gom, xử lý và đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh.

5. Theo dõi phát hiện sớm: trẻ em phải được thường xuyên theo dõi sức khỏe để kịp thời phát hiện, tổ chức cách ly, điều trị các trường hợp mắc bệnh.

6. Cách ly, điều trị kịp thời khi phát bệnh: các nhà trẻ, mẫu giáo, nhóm trẻ tập trung và hộ gia đình có trẻ dưới 5 tuổi cần chủ động theo dõi sức khỏe của trẻ để kịp thời phát hiện và đưa ngay đến các cơ sở y tế để được điều trị kịp thời. Trẻ bị bệnh phải được cách ly ít nhất là 10 ngày kể từ khi khởi bệnh, không cho trẻ có biểu hiện bệnh đến lớp và chơi với các trẻ khác.

C.Quyên