Bỗng dưng… vi phạm pháp luật!?
Sự việc xảy ra vào khoảng giữa tháng 3/2010: 20 hộ dân xã Cổ Đông, thị xã Sơn Tây nhận được QĐ thu hồi và hủy bỏ GCNQSDĐ đã được cấp cho gia đình mình của UBND Thị xã Sơn Tây.
Điều đáng nói, GCNQSDĐ đã được cấp cho các hộ dân từ nhiều năm trước đó. Hồ sơ các thửa đất nói trên do chính quyền cấp cơ sở hoàn thiện, gửi lên cơ quan chuyên môn là Phòng TN - MT thẩm định.
Đất trục Hòa Lạc, Sơn Tây, Ba Vì sau thời điểm “sốt cao” ở giai đoạn trước năm 2010 đã thực sự bị đóng băng. |
Qua nhiều khâu, đoạn thủ tục hành chính đồng thời phải đảm bảo các cơ sở để được cấp GCN…, quyền sử dụng đất đã được cấp cho chủ của các thửa đất nói trên. Thời gian cấp giấy hầu hết vào năm 2006 – trước khi QĐ ban hành về việc thu hồi, hủy bỏ GCNQSDĐ bốn năm.
Theo người dân: đất của chúng tôi sinh sống ổn định lâu dài từ nhiều năm nay, đất không có tranh chấp, không có dự án nào liên quan tới khu vực này… Việc cấp GCNQSDĐ được các cơ quan chuyên môn của thị xã Sơn Tây thẩm định, cấp giấy, điều đó cho thấy đất của chúng tôi là “đất sạch”.
Chúng tôi không hiểu vì lý do gì mà thị xã lại thu hồi và hủy bỏ, trong khi đó không hề nhắc tới phương án xử lý tiếp theo. Sự khó hiểu đó khiến chúng tôi rơi vào tình cảnh sống nhảy dù trên chính đất của mình?
Thời điểm bất động sản ở giai đoạn sốt, giá đất lên cao đã làm nóng thị trường BĐS tại Sơn Tây, Ba Vì, Thạch Thất, dọc trục đường Láng – Hòa Lạc. Không riêng xã Cổ Đông, hầu hết các xã ven trục đường quốc lộ, tỉnh lộ… đều nóng các giao dịch mua bán, chuyển nhượng đất.
Nhiều người dân tại xã Cổ Đông cũng đã chuyển nhượng, sang nhượng đất của gia đình mình. Do đó, việc thu hồi, hủy bỏ sổ đỏ của thị xã đối với các thửa đất này đã dẫn đến sự liên đới cho những chủ đất nhận sang nhượng.
Trường hợp gia đình chị Hồ Thị Kim Chung và anh Lê Đức Thọ (trú tại số nhà 25 phố Hàng Lược, Hoàn Kiếm, Hà Nội) là trường hợp điển hình. Năm 2008, anh chị mua lại thửa đất của gia đình ông Lê Văn Cử (thôn Đồng Trạng, xã Cổ Đông, thị xã Sơn Tây) có diện tích 3.654,6m2, trong đó diện tích đất ở là 300m2, thời gian sử dụng lâu dài; còn lại là đất trồng cây lâu năm có thời hạn đến năm 2043.
Bà Hồ Thị Kim Chung và ông Lê Đức Thọ - chủ sử dụng hiện tại của thửa đất số 38 tại xã Cổ Đông, thị xã Sơn Tây vừa bị thu hồi và hủy bỏ GCNQSD thửa đất này. |
Thửa đất trên đã được UBND thị xã Sơn Tây cấp GCNQSDĐ số AI 850210 ngày 08/5/2007 do P.CT thị xã Sơn Tây, ông Hà Văn Đông ký).
Sau khi hoàn thành việc mua bán thửa đất trên, anh Thọ, chị Chung đã làm thủ tục chuyển quyền sử dụng đất. Ngày 23/4/2008, GCNQSDĐ số AN 766698 đứng tên ông Lê Đức Thọ và bà Hồ Thị Kim Chung do ông Hà Văn Đông ký.
Từ đó đến nay, gia đình ông Thọ, bà Chung quản lý, sử dụng mảnh đất đó ổn định, thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ đối với nhà nước.
Tuy nhiên, ngày 27/3/3012, bà Chung nhận được QĐ số 192 của UBND thị xã Sơn Tây về việc thu hồi và hủy bỏ GCNQSDĐ của gia đình mình. Ngoài gia đình bà chung, 19 hộ gia đình khác cũng rơi vào tình cảnh tương tự.
Hai năm sống trên 'đất nhảy dù!'?
Bức xúc trước QĐ thu hồi và hủy bỏ sổ đỏ của UBND thị xã mà không đưa ra lý do, nhiều hộ dân đã có đơn thư phản ánh tới chính quyền các cấp của Sơn Tây. Nhưng, hơn 2 năm kể từ khi QĐ thu hồi và hủy bỏ GCNQSDĐ được ban hành, các hộ dân vẫn chưa nhận được câu trả lời từ phía chính quyền.
Phương án giải quyết sau QĐ thu hồi – hủy bỏ GCNQSDĐ đã cấp cũng không được chính quyền đưa ra. Trong tình cảnh đó, 20 hộ dân xã Cổ Đông sống trong tình trạng “nhảy dù” trên chính đất của mình.
QĐ thu hồi, hủy bỏ GCNQSDĐ của UBND thị xã Sơn Tây không đưa ra lý do thu hồi đất; đồng thời cũng không nêu phương án thực hiện tiếp theo đối với những thửa đất bị thu hồi, hủy bỏ sổ đỏ.
Trao đổi với VietNamNet ngày 29/3/2012, bà Bùi Thị Minh Hiền, Phó phòng Tài nguyên - Môi trường, Đội trưởng Đội 67 (Đội liên ngành giải quyết các vấn đề tranh chấp liên quan tới đất đai trong phạm vi thị xã Sơn Tây) cho biết: Căn cứ để UBND thị xã Sơn Tây ra QĐ thu hồi – hủy bỏ các phôi sổ đỏ của 020 hộ dân tại xã Cổ Đông là từ tờ trình của chính quyền cấp cơ sở.
Theo đó, tại tờ trình số 17/TTr-UBND ngày 07/2/2010, UBND xã Cổ Đông kiến nghị thu hồi GCNQSDĐ đối với 11 thửa đất (đã được cấp sổ đỏ cho 20 hộ dân).
Bà Hiền thông tin: xuất phát từ cuộc họp dân, nhiều người dân đưa ra ý kiến về việc cấp sổ đỏ cho 11 thửa đất này là chưa đủ căn cứ.
Sau tờ trình của UBND xã Cổ Đông, Phòng Tài nguyên - Môi trường Thị xã Sơn Tây có công văn số 57/CV-TNMT ngày 08/2/2010 đề nghị UBND thị xã thu hồi và hủy bỏ GCNQSDĐ đối với các trường hợp đã nêu.
|
Nội dung báo cáo của Thanh tra thị xã Sơn Tây về thực trạng 11 thửa đất bị thu hồi, hủy bỏ GCNQSDĐ tại xã Cổ Đông, thị xã Sơn Tây. |
Ngày 11/3/2010, Thanh tra thị xã Sơn Tây đã có báo cáo số 11/BC-TTr báo cáo kết quả thẩm định việc cấp GCNQSDĐ đối với 11 thửa đất tại xã Cổ Đông.
Theo báo cáo thanh tra này, các thửa đất nói trên trong quá trình cấp GCNQSDĐ chưa đầy đủ các cơ sở pháp lý.
Tất cả các những sai phạm này thuộc về khâu hoàn thiện, thẩm định hồ sơ, nguồn gốc thửa đất trước khi chính quyền ký cấp giấy chứng nhận QSD.
“Chúng tôi là những người nông dân không hiểu biết, việc kê khai để được cấp sổ đỏ là theo sự hướng dẫn của các cán bộ địa chính. Chúng tôi đã được nhận sổ đỏ từ năm 2006, điều đó có nghĩa là tính pháp lý, nguồn gốc đất của chúng tôi là đủ cơ sở, chúng tôi không vi phạm pháp luật đất đai” – chị Chung, chủ thửa đất số 38, người bị thu hồi sổ đỏ, bức xúc.
Lập luận xung quanh khía cạnh này, đại diện Phòng TN - MT Thị xã Sơn Tây thừa nhận: khâu thẩm định, hoàn tất hồ sơ thửa đất trước khi ký cấp sổ đỏ thuộc trách nhiệm của chính quyền sở tại, cán bộ địa chính và cán bộ chuyên môn.
Như thế, việc ban hành QĐ thu hồi, hủy bỏ GCNQSDĐ chưa đủ căn cứ pháp lý là việc làm để khắc phục những sai phạm trong công tác quản lý hành chính của chính quyền, cơ quan chức năng quản lý theo lĩnh vực chứ không phải để xử lý sai phạm của người dân.
Việc ban hành các QĐ thu hồi của UBND thị xã Sơn Tây như thế là chưa thuyết phục, chưa đầy đủ căn cứ pháp lý và chưa chỉ rõ mục đích, việc thu hồi – hủy bỏ GCNQSDĐ của 20 hộ dân nói trên là để cơ quan chức năng hoàn tất hồ sơ pháp lý để cấp lại GCN cho người dân.
Kiên Trung
Bài 2: Sơn Tây sửa sai theo phương án nào?