- Đam mê - chính là hai từ mà kĩ sư Nguyễn Bùi Hiển, 58 tuổi, chủ Garage Bùi Hiển tại phường An Thạnh, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương lý giải cho việc chế tạo thành công thiết bị bay của mình.
Trước đó, ngày 30/3, Đoàn cán bộ kỹ thuật thuộc Sư đoàn không quân 370 quản lý sân bay Tân Sơn Nhất và Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bình Dương đã đến tìm hiểu về sản phẩm này. Qua thị sát, đoàn kiểm tra đưa ra nhận định:“Máy bay trực thăng tự chế” của ông Hiển khi điều khiển, nâng lên khỏi mặt đất hơn 1 mét, nên được gọi là “phương tiện bay”. Muốn phát triển thiết bị này thành máy bay đúng nghĩa cần nhiều thời gian nghiên cứu hơn nữa.
Toàn cảnh thiết bị bay của kỹ sư Bùi Hiển. |
Phóng viên VietNamNet đã có cuộc gặp gỡ với kỹ sư Bùi Hiển để tìm hiểu về “phương tiện bay” có một không hai này.
Ông Hiển cho biết, để chế tạo thiết bị bay này, ông đã “trả giá” bằng kinh nghiệm chơi máy bay mô hình cộng thêm ba năm tự mày mò nghiên cứu.
Chiếc trực thăng do ông Hiển chế tạo có trọng lượng 250kg (chưa tính người lái), dài 2,95m, rộng 1,2m, cao 2,4m, hai tầng cánh, độ dài sải cánh 4,52m.
Công suất của thiết bị này lên tới 106 mã lực, tốc độ quay tối đa 12.000 vòng/phút. Trong khi đó, chỉ cần duy trì 6.500 vòng/phút là chiếc trực thăng có thể bay ổn định. Chi phí đầu tư để chế tạo chiếc máy bay này khoảng 200 triệu đồng.
Bánh của máy bay được “thửa” bằng bánh của xe thồ mua ngoài chợ đồng nát. |
Theo tính toán kỹ thuật của ông Hiển, khi bay trên bầu trời và vượt qua các tác nhân bên ngoài môi trường, đặc biệt là gió, chiếc máy bay trực thăng có khả năng bay ở độ cao 200m, tốc độ bay 150-200km/giờ. Trung bình một giờ bay, nhiên liệu cần khoảng 15 lít xăng A92.
Kỹ sư Hiển cho biết, ý tưởng tạo chiếc máy bay có người lái được hình thành từ việc chế tạo máy bay mô hình. Trước đó, ông Hiển đã chế tạo thành công một chiếc máy bay mô hình điều khiển từ xa, đáp ứng được các động tác bay, bay tiến tới, lùi, sang trái, phải.
"Tuy nhiên, việc biến ý tưởng từ máy bay mô hình thành máy bay có người lái là khoảng cách rất xa", ông Hiển chia sẻ.
|
Để điều khiển cánh quạt của máy bay, ông Hiển đã chế tạo từ bộ vi sai của xe ôtô và “trái tim” của máy bay là động cơ cũng được chế tạo từ động cơ mô tô nước. |
Ông Hiển bắt đầu hiện thực hóa “giấc mơ bay” bằng cách lắp ráp các chi tiết máy lại với nhau. Việc tìm thiết bị (ngoài thị trường không có) nhưng việc lắp ráp để đáp ứng được kĩ thuật, độ bền… là điều hết sức khó khăn.
Để làm điều này, ông Hiển đã mày mò trên mạng Internet, tìm hiểu từ nguyên lý hoạt động, các thông số kĩ thuật và lựa chọn các thiết bị có sẵn từ ô tô, mô tô nước…để lắp ráp một “sản phẩm bay” hoàn chỉnh.
Ông cho biết: "Sau quá trình tìm hiểu tôi nhận ra, chiếc máy dùng cho loại mô tô nước là đủ khả năng đáp ứng tiêu chí máy của động cơ máy bay vì nó rất mạnh, tốc độ quay lên tới 12.000 vòng/phút trong khi chỉ cần đạt tốc độ 6.500 vòng/phút là máy bay có thể cất cánh".
"Do hai cánh quạt quay ngược chiều nhau nên cần một bộ vi sai đảm bảo chuyển động này. Tôi đã chế tạo lại bộ vi sai của ô tô sao cho đáp ứng được yêu cầu của trục quay. Công việc này mất nhiều thời gian nhưng cuối cùng cũng thành công khi hai cánh quạt quay rất ổn định, dễ dàng trong việc điều chỉnh, cân bằng khi máy bay hoạt động", ông Hiển chia sẻ thêm.
Bánh xích truyền dẫn chuyển động từ động cơ tới cánh quạt. |
Cần điều khiển và ghế ngồi hết sức thô sơ nhưng hữu dụng |
Được biết, riêng bộ phận cánh, kỹ sư Hiển phải chế tạo tới bộ thứ 3 mới đáp ứng được yêu cầu kĩ thuật. Không những thế, nhiều chi tiết máy khác phải làm đi làm lại tới 20 lần mới thành công. Tất cả đều làm bằng “mắt thường, tay không” nên việc chế tạo gặp rất nhiều hạn chế.
Khi tận mắt quan sát máy bay, người xem khá ngạc nhiên vì chiếc ghế nhựa, dây thắt an toàn lấy từ xe ô tô, bình chứa nhiên liệu… đều là “đồ lai”; nhưng qua bàn tay kĩ sư Hiển nó trở nên hết sức hữu dụng.
Lý giải điều này, ông Hiển cho biết: "Các thiết bị như ghế ngồi, bình xăng…đều là vật liệu nhựa vì nó rất nhẹ. Điều này rất quan trọng vì trọng lượng máy bay càng nhẹ thì khả năng bay càng dễ dàng và ổn định".
Kỹ sư Bùi Hiển tự tin về giấc mơ bay thành hiện thực. |
Tuy nhiên, để phương tiện bay của kỹ sư Hiển phát triển thành một chiếc máy bay hoàn chỉnh, có thể ứng dụng trong thực tế… cần một quá trình nghiên cứu, đầu tư, hoàn thiện các chi tiết kỹ thuật hơn nữa, đảm bảo các thông số kỹ thuật, độ chính xác cao hơn.
Sắp tới, tại garage của kỹ sư Hiển sẽ xuất hiện một phòng lưu niệm chiếc “máy bay tự chế” để lưu lại “đứa con” tinh thần mà ông đã bỏ không ít thời gian và công sức.
Và như vậy, khách tham quan có thể dễ dàng quan sát “phương tiện bay” này, chứng kiến sức sáng tạo tuyệt vời của người Việt.
• Trương Khởi - Hợp Trần