- Quy chế chuyển viện đã có từ lâu và Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến vừa cho biết sẽ siết chặt chuyện chuyển viện để giảm tải cho các bệnh viện (BV) tuyến trên. Đây là một trong số những giải pháp mà Bộ Y tế thực hiện để “hạ nhiệt” các BV tuyến cuối vốn đang quá tải vài trăm %/năm. Tuy nhiên, vấn đề không chỉ nằm ở chỗ cần siết chặt quy chế chuyển viện là giảm tải được BV.

LTS: Có thể nói chưa lúc nào vấn đề giảm tải bệnh viện lại được đặt ra một cách cấp thiết như hiện nay, vì tình trạng quá tải đã đạt đến hết khả năng có thể chịu đựng. Bộ Y tế đã xây dựng cả một đề án giảm tải để trình Chính phủ và đặt mục tiêu đến năm 2015 sẽ giảm tải hầu hết các cơ sở y tế công lập lớn và 2020 thì giảm tải bền vững.

Để làm được điều này, bên cạnh các giải pháp lớn như xây dựng thêm bệnh viện, đầu tư trang thiết bị và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng tốt thì Bộ trưởng Bộ Y tế khẳng định một vấn đề sẽ làm thật mạnh là sẽ siết chặt chuyện vượt tuyến, chuyển tuyến để tránh tình trạng “đẻ thường cũng lên bệnh viện Phụ sản Trung ương”.

Tuy nhiên, quy định “siết chặt chuyển viện” có thực sự khả thi không, khi mà trình độ y tế tuyến dưới so với tuyến trên còn một khoảng cách quá lớn khiến người dân mất niềm tin? Nhiều bệnh nhân cho biết họ biết lên tuyến trên tốn kém, vất vả hơn nhưng vẫn chấp nhận đi để được khỏi bệnh, bởi có ở tuyến dưới thì cuối cùng vẫn phải lên tuyến trên!

Lên tuyến trên: Khổ lắm, nhưng vẫn phải đi

Chị Nguyễn Thị Sáu cùng con trai Nguyễn Bá Tân bắt xe khách từ huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An ra Hà Nội chữa bệnh liên quan đến còi xương từ 10h đêm hôm trước. Chị đặt chân xuống bến xe Giáp Bát lúc 6h sáng ngày hôm sau. Sau đó 2 mẹ con bắt xe ôm đến thẳng BV Nhi TW và ngồi chờ đến 10h trưa vẫn chưa đến lượt khám.

Tiếp tục đợi, hai mẹ con chị ngủ thiếp trên ghế chờ. Đến quá trưa và hết giờ khám nhưng vẫn chưa đến lượt, hai mẹ con chị Sáu đưa nhau đi ăn rồi lại quay về chờ đợi đến giờ khám buổi chiều. Cho đến khi được vào khám đã là gần cuối giờ chiều. Việc này bắt buộc cả hai phải ngủ lại Hà Nội ít nhất một đêm để đợi đến ngày khám hôm sau.

Vì sợ tốn kém nên dù được mách nước, chị Sáu không dám đưa con vào các nhà trọ ở quanh BV Nhi TW. Trong đêm ngủ lại Hà Nội, chị và con đã ngủ lại hành lang BV.


 
“Tôi sợ đi viện ở Hà Nội lắm, nhưng có bệnh không đi không được, ở quê chữa mãi không khỏi" - chị Sáu cho biết

Tôi sợ đi viện ở Hà Nội lắm, nhưng có bệnh không đi không được, ở quê chữa mãi không khỏi cô à”, chị Sáu nói.

Tại BV Bạch Mai, bà Chu Thị Hòa, quê ở Hà Nam, bị ho từ hơn một năm nay, chạy chữa đủ nơi nhưng vẫn không khỏi.

Tôi đã đi từ BV huyện đến tỉnh, khám hết khoa nọ đến khoa kia và uống nhiều loại thuốc rồi nhưng tình trạng ho không thuyên giảm. Tôi còn lên BV tỉnh đốt cuống họng vì bác sỹ cho biết tôi bị viêm họng mãn tính. Nhưng cuối cùng thì tất cả đều không đúng”, bà Hòa nói.

Khi lên đến BV Bạch Mai, bà Hòa được các bác sỹ thăm khám và phát hiện căn nguyên khiến bà bị ho triền miên là do gốc gác bà bị cao huyết áp. Chính thuốc điều chỉnh huyết áp là tác nhân gây ho cho bà và cần phải chữa trị chứng tăng huyết áp này bằng một loại thuốc khác, đồng thời chữa bệnh ho bằng một loại thuốc khác.

Sau 2 tuần uống thuốc bác sỹ BV Bạch Mai kê đơn, chứng ho của bà Hòa giảm hẳn, huyết áp cũng ổn định.

Tôi tốn kém bao nhiêu tiền, cuối cùng cũng đã đỡ. Qua đợt này, tôi rút ra kinh nghiệm rằng lần sau cứ có bệnh là tôi lên Hà Nội khám”, bà Hòa hồ hởi.

Khi được hỏi bà không sợ tốn kém hay sao mà lên thẳng Hà Nội chữa bệnh, bà Hòa nói: “Tốn kém hơn nhưng khỏi bệnh. Đúng là tiền đi lại, ăn uống, rồi các dịch vụ khác trên này đắt đỏ hơn nhưng chỉ cần khỏi bệnh. Tôi chữa nhiều nơi ở huyện, ở tỉnh không khỏi thì số tiền đó có khi còn nhiều hơn cả tiền lên Hà Nội”.

Quá tải vì bệnh nhân “sợ”tuyến dưới

Nghiên cứu về tình hình quá tải của 5 BV lớn nhất tại Hà Nội và TP.HCM gồm Bạch Mai, Chợ Rẫy, Nhi TW, Phụ sản TW và Phụ sản Từ Dũ do Viện Chiến lược và Chính sách Y tế công bố năm 2007 cho thấy một bức tranh thực tế về nguyên nhân quá tải trầm trọng ở các BV này.

Theo đó, tất cả các BV được điều tra đều hoạt động vượt công suất thiết kế: công suất sử dụng giường bệnh luôn từ 165 đến 200%; số giường bệnh thực kê vượt so với số giường chỉ tiêu đến 200%. Tình trạng quá tải xảy ra ở cả khu vực điều trị nội trú và khám bệnh ngoại trú.


 
Bệnh nhân và người nhà trải chiếu nằm hành lang ở BV Phụ sản TW. Tình trạng này cũng diễn ra phổ biến ở khắp các BV lớn trong cả nước (Ảnh: N.A)

Tình trạng vượt tuyến của bệnh nhân đã khiến vấn đề quá tải thêm trầm trọng. Nghiên cứu cho thấy khoảng 60% bệnh nhân nhập viện Bạch Mai và Chợ Rẫy không có giấy giới thiệu của tuyến dưới. Tại BV Phụ sản TW và Viện Nhi TW, tỷ lệ bệnh nhân không có giấy giới thiệu của tuyến dưới lên tới 90 - 95%.

Điều đáng nói là, phần lớn những bệnh nhân lên thẳng tuyến trên đều mắc các bệnh thông thường. Theo quy định về phân tuyến kỹ thuật thì tuyến dưới hoàn toàn có thể chữa được. Tuy nhiên, do “sợ” tuyến dưới, tin tưởng tuyến trên, có đến 80% bệnh nhân cho biết đã bỏ qua BV tuyến dưới để lên thẳng BV TW.

Ngay cả người bệnh không có điều kiện kinh tế cũng có xu hướng đến thẳng BV tuyến TW để điều trị. 73,7% bệnh nhân BV Bạch Mai đến thẳng BV mà chưa từng đi đâu để khám chữa bệnh. Tỷ lệ này ở BV Phụ sản TW và Từ Dũ thậm chí còn cao hơn, lên đến 89% và 97%.

Điều này dẫn tới thực trạng: Tại BV Phụ sản TW, tỷ lệ bệnh nhân đẻ thường và mổ đẻ chiếm tới 56%, trong đó riêng đẻ thường chiếm 33%. Tại BV Từ Dũ, tỷ lệ đẻ thường lên đến 46%.

Trong số những hồ sơ bệnh án được nghiên cứu thì có tới hơn 1/2 bệnh nhân mắc các bệnh điều trị được tại tuyến huyện và hơn 1/3 bệnh nhân mắc bệnh tuyến tỉnh điều trị được đã lên khám chữa tại BV tuyến TW.

Đặc biệt khoảng 94% bệnh nhân tại BV Nhi TW có thể được điều trị ngay tại tuyến dưới!

Ông Cấn Phú Nhuận, Trưởng khoa khám bệnh - BV Nhi TW cho biết, có nhiều bệnh nhân lên viện trong tình trạng hoàn toàn bình thường, có thể chữa trị được ở tuyến dưới.

Tuy nhiên, khi ông hỏi lý do vượt tuyến thì hầu hết bệnh nhân đều cho biết muốn lên tuyến trên chữa cho nhanh khỏi vì chữa ở tuyến dưới mãi không khỏi!

Ngọc Anh

Bài 2: Khốn khổ vì tuyến dưới làm sai