- Trên tay 4 đứa trẻ ở độ tuổi lên 9 lên 10 là những cây nhang nghi ngút khói.
Chúng đứng trước hai cỗ quan tài lặng nhìn vào 2 tấm di ảnh với đôi mắt đỏ hoe.
Những giọt nước mắt lăn dài trên khuôn mặt thơ ngây. Một đứa bật lên nói : “Hai
đứa mày không chơi với tụi tao nữa sao ?” . . .
Không phải do lốc xoáy...
Chứng kiến cảnh tượng này không ai không xúc động. Trong hai cỗ quan tài vô hồn lạnh lẽo kia là thi thể của hai bé Nguyễn Thanh Tâm (12 tuổi) và Nguyễn Thanh Thảo (10 tuổi) là nạn nhân trong vụ lật xuồng trước đó vài giờ trên sông Giồng Ông Tố.
Ở một góc nhà, mẹ và bà nội hai bé lưng dựa vào vách ngồi chết lặng không nói với ai một lời. Nhiều thanh niên trong xóm lặng lẽ làm nốt những công đoạn cuối cùng phục vụ tang lễ.
Nét hồn nhiên trên di ảnh bé Tâm và Thảo |
Trong xóm, hai bé được nhiều người thương yêu vì chúng là những đứa trẻ ngoan. Hàng ngày, ngoài những giờ học trong lớp phổ cập, các bé cũng chỉ quanh quẩn vui chơi cùng các bạn trong xóm. Còn quá nhỏ, các bé ăn chưa no, lo chưa tới mà đã vội ra đi.
Được nhiều người động viên, cố gắng lắm chị Cao Thị Loan (35 tuổi) mẹ của hai bé mới thốt được nên lời. Chị kể, năm nào cũng vậy cứ đến ngày 23/3 âm lịch, bà con trong xóm rủ nhau đi lễ miếu Đồng Miếu bên kia sông.
Ngôi miếu nằm giữa cánh đồng, nên nếu đi bằng đường bộ phải vòng vèo khá xa.
Hơn nửa đường vào miếu vốn là những bờ ruộng vừa hẹp vừa trơn rất khó đi nên chị
và nhiều người nữa chọn giải pháp đi xuồng sang sông.
Chiếc xuồng bằng gỗ, bề rộng 0,9m dài 3m nhưng lại chở đến 8 người trong đó có 4
trẻ em. Khi chị và mọi người yên vị trên xuồng, thì mạn xuồng chỉ còn cách mép
nước có vài centimet. Xuồng vẫn tách bến ra đi đến giữa dòng gặp sóng đánh mạnh,
nước tràn vào. Chỉ vài phút chiếc xuồng tròng trành rồi chìm xuống đáy sông. Cả
8 người chới với giữa dòng. Chị may mắn bám vào mũi xuồng còn nhô lên mặt nước
được mọi người cứu đưa vào bờ. Nhìn lại, cả 7 người cùng đi không thấy một ai.
Chị Loan xác nhận nhiều lần với chúng tôi, nguyên nhân chìm xuồng do nước tràn
vào chứ không phải gặp lốc xoáy như tường thuật của bà Xuân (chủ đò).
Thoát chết, chị được chuyển vào bệnh viện quận 2. Nằm trên giường bệnh tin tức ở
nhà dồn dập đến; hai con đã chết, chị vội vàng bỏ bệnh viện về nhà và lịm đi
trước thi thể đứa trẻ bất động.
Phận nghèo bạc mệnh!
Phía đối diện nhà chị Loan, cách đó vài căn là nhà chị Lê Thị Kim Phước. Trước
nhà khung rạp đã được dựng lên. Nhìn vào bên trong, hai cỗ áo quan chưa đậy nắp
bên cạnh thi thể 2 nạn nhân được phủ kín bằng tấm chăn trắng toát. Người xấu số
là bà Nguyễn Thị Lượm (46 tuổi) là nhân viên tạp vụ phường Thảo Điền và một sinh
linh bé bỏng, bé Nguyễn Kim Uyên (12 tháng tuổi).
Chị Lê Thị Kim Phước thảng thốt trước cái chết của bé Uyên |
Chị Phước thất thần. Vừa thoát chết vừa nhận được xác con. Cả hai trạng thái tâm lý đến cùng lúc khiến chị đờ đẫn. Đôi mắt chị nhìn xa xăm. Gương mặt chị tái nhợt. Chị không nói một lời.
Một chủ quán nước gần nhà nạn nhân cho biết, các gia đình trong xóm Kích này đều là bà con với nhau. Vốn là một xóm dân cư lâu đời, ban đầu chỉ một vài nhà lưa thưa. Rồi những gia đình này gá nghĩa cùng nhau sinh sôi thành một xóm đông đúc. Chuyến sang sông định mệnh đó với 8 con người trên xuồng đều có quan hệ huyết thống.
Hai vợ chồng chị Loan đều là những công nhân lao động, chị làm phụ hồ còn chồng chị - anh Nguyễn Thanh Linh làm thợ chính. Thu nhập của vừa đủ để nuôi 4 đứa con. Những lúc không có việc làm, anh Linh mượn xuồng men theo bờ giăng lưới cắm câu tìm kế sinh nhai. Không đủ tiền cho con đi học, hai bé Tâm và Thảo phải học phổ cập ở một trường bên An Phú. Có lẽ hiểu được nỗi nhọc nhằn của cha mẹ nên cả hai đứa đều ngoan và cố gắng học.
Bà con chung tay trợ giúp |
Chị Phước cũng vất vả mưu sinh. Chị là bà mẹ đơn thân, một mình chị nuôi 2 đứa con. Đứa lớn 6 tuổi và bé Uyên vừa lên 1. Nhà neo người, để con nhỏ ở nhà không ai trông, chị cùng chị dâu là bà Lượm bế bé Uyên đi lễ. Thế là cả 2 người, bà Lượm và bé Uyên ra đi không trở lại. Sự kiện này khiến nhiều người sực nhớ lại, hôm nay là thứ 6 ngày 13 và âm lịch là ngày 23. Mồng 5, 14, 23 đi chơi cũng lỗ nữa là đi buôn.
Cả xóm Kích như nhuốm màu tang tóc. Đông người nhưng lặng lẽ. Trong tận cùng sâu thẳm của mỗi người dân nơi đây, ai cũng buồn. Buồn cho số phận những người không may. Buồn cho cảnh nghèo của cả một xóm dân cư. Giá như, mỗi gia đình đều có xe và họ dùng xe đi lễ thì chắc chắn không có thảm cảnh này. . .
• Trần Chánh Nghĩa