Theo Bộ Y tế, giá được quy định trong Thông tư được coi là mức giá tối đa, các tỉnh sẽ căn cứ vào đó để phê duyệt mức giá sao cho phù hợp với điều kiện riêng của địa phương mình. Các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế sẽ do Bộ phê duyệt mức giá căn cứ vào khung giá đã ban hành.
Từ 15/4, khung giá viện phí mới sẽ được áp dụng (Ảnh: N.A) |
Do đó, bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định giá viện phí mới được áp dụng từ 15/4 nhưng có thể sẽ không tăng đồng loạt ngay bởi có nhiều địa phương sẽ phải tính toán, cân nhắc và còn chờ UBND tỉnh, thành phê duyệt.
Theo tính toán của BHXH Việt Nam, giá viện phí mới có trên 50% dịch vụ chỉ quy định một mức viện phí tối đa nhằm tránh hiện tượng quy định khung viện phí tối thiểu và tối đa nhưng các địa phương chỉ toàn áp dụng mức tối đa, gây thất thoát lớn cho quỹ BHYT. Với các dịch vụ còn quy định viện phí tối thiểu - tối đa thì chênh lệch giữa hai mức chỉ từ 3.000-30.000 đồng.
Lãnh đạo Bộ Y tế cũng cho biết mức viện phí mới sẽ được áp dụng đối với 12% trong tổng số 4.000 dịch vụ y tế đang được cung cấp tại các bệnh viện ở tất cả các tuyến. Giá viện phí mới vẫn được tính theo nguyên tắc thu một phần viện phí (chỉ gồm 3 yếu tố: chi phí thuốc, máu, dịch truyền; chi phí điện nước, thông tin liên lạc, xử lý rác thải; chi phí duy tu, bảo dưỡng thiết bị y tế). Các chi phí còn lại như lương cán bộ y tế, khấu hao nhà cửa, vv … vẫn do ngân sách Nhà nước chi trả.
Ông Phạm Lương Sơn, trưởng ban thực hiện chính sách BHYT (BHXH VN) khẳng định một khi đã tăng viện phí thì các bệnh viện không được thu thêm bất kỳ khoản nào của người bệnh bởi các yếu tố cấu thành viện phí (không do ngân sách chi trả) đã được cơ quan BHYT thanh toán đủ.
Mức giá viện phí mới của một số dịch vụ, kỹ thuật y tế được áp dụng từ 15/4 (ĐVT: ngàn đồng).
Ngọc Anh