- Thông tin về chất tạo nạc cho heo xuất hiện dồn dập trong những ngày qua khiến người tiêu dùng hoang mang, lo sợ. Trong khi đó, trong y học, các chất này lại được dùng làm thuốc chữa bệnh cho người (với liều lượng thấp và chỉ định nghiêm ngặt của thầy thuốc). Vậy thực tế chất tạo nạc cho heo có mức độ nguy hiểm như thế nào?

VietNamNet đã có cuộc trao đổi với GS Nguyễn Lân Dũng - Chủ tịch Hội các ngành Sinh học Việt Nam - để làm rõ vấn đề này.

Xin GS cho biết chất tạo nạc cho heo (gồm clenbuterol và salbutamol) thực chất là chất gì (bản chất của nó, tính độc hại của nó ra sao hoặc ứng dụng thường thấy trong các lĩnh vực,...)?

- Trước khi trả lời câu hỏi này, tôi cho rằng cần quan tâm đến ý kiến trả lời công luận của ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT). Ông Sơn đã khuyến cáo người tiêu dùng không nên quá hoang mang về việc phát hiện có chất cấm để kích nạc trong thịt lợn bán trên thị trường hiện nay.
GS Nguyễn Lân Dũng (Ảnh: Internet)
 
Vừa qua các đơn vị chức năng đã phát hiện một số đại lý bán thuộc thú y, cơ sở chăn nuôi lợn có sử dụng một số chất trong diện cấm sử dụng để thực hiện việc kích thích tỷ lệ nạc trong thịt lợn . Việc sử dụng hóa chất cấm để chăn nuôi đã gây ảnh hưởng tới sức khỏe người sử dụng. Đồng thời, việc đó còn gây ra hậu quả là thịt heo giảm giá do người dân có những lo ngại về chất lượng.

Tuy nhiên, kết quả kiểm tra và công bố vừa rồi của các cơ quan chuyên môn chỉ là dừng lại ở một số ít mẫu thịt được thu thập để kiểm tra, nên chưa thể kết luận là có tới 30-40% thịt lợn bị nhiễm các chất tăng trọng, tăng nạc được.

Hiện các cơ quan chuyên môn của Cục Chăn nuôi, Cục Thú y vẫn đang khẩn trương tổ chức lấy mẫu. Dự kiến khoảng cuối tháng này sẽ có kết quả công bố chính xác tỷ lệ chất cấm được sử dụng trên đàn lợn hiện nay.

Trước đó, vào năm 2010, Bộ NN&PTNT đã ban hành Thông tư 54 quy định chi tiết về kiểm tra các chất tồn dư trong các sản phẩm chăn nuôi, trong đó có 3 chất đặc biệt đáng chú ý là Ractopamine, Clenbuterol và Salbutamol.

Đây là những chất tạo nạc, yêu cầu không được dùng để chăn nuôi. Các chất này bị cấm sử dụng vì nó thuộc nhóm gây ra độc hại khi sử dụng sản phẩm thịt còn dư lượng các chất này. Thời gian gần đây, các cơ quan chức năng mới phát hiện được, song ở tỷ lệ nhỏ và tập trung ở phía Nam, còn phía Bắc thì chưa có nhiều.
 

Về mặt khoa học thì những chất được dùng để kích nạc đã được phát hiện là Clenbuterol và Salbutamol. Hai chất này thuộc nhóm Beta - Agonists, là nhóm các hoóc môn tự nhiên, có nguồn gốc từ các Catecholamines (Adrenaline, Noradrenaline và Dopamine), có tác dụng làm giãn cơ cuống phổi, giãn cơ tử cung, đồng thời kích thích giải phóng insulin và quá trình phân giải glucose...

Hiện nay, ngoài các chất này thì còn các chất nào có cùng khả năng tạo nạc cho heo?

- Đừng nhầm lẫn việc tăng nạc do dùng chất kích nạc với các dòng lợn siêu nạc rất có giá trị. Các dòng lợn này có được nhờ kỹ thuật lai tạo thực hiện bởi các nhà khoa học.

Hai chất clenbuterol và salbutamol là những chất đã bị cấm sử dụng trong chăn nuôi theo quyết định của hai tổ chức WHO (y tế thế giới) và FAO (nông lương thế giới). Tất cả các hợp chất khác trong nhóm beta- agonists đều bị cấm sử dụng trong chăn nuôi. Đó là các chất như Terbutaline, Formoterol, Salmeterol, Budesonide, Fluticasone, Inratropium...

Cũng đừng nhầm lẫn các chất kích nạc với các loại thức ăn bổ sung trong chăn nuôi như các Premix (chứa vitamin và các nguyên tố vi lượng, enzim…) hay các sản phẩm Probiotic (các vi sinh vật có ích ở dạng sống).

Thông tin về chất tạo nạc cho heo đang khiến người tiêu dùng hoang mang, lo sợ, còn tiểu thương và người chăn nuôi chân chính thì điêu đứng.
 
Thưa GS, trong chăn nuôi, cơ chế tạo nạc cho heo của các chất này diễn ra ra sao? Vì sao chất này được dùng làm thuốc chữa bệnh cho người nhưng lại bị cấm sử dụng như chất kích thích cho vật nuôi?

- Beta- β-agonists được chứng minh là chất chuyển đổi làm giảm khá hiệu quả lượng mỡ của cơ thể, kích thích sự phát triển cơ ở gia súc (lợn, cừu) và gia cầm. Tuy nhiên, để có heo siêu nạc, người ta phải dùng cho gia súc với liều lượng cao hơn gấp 5-10 lần so với liều dùng trong điều trị (sở dĩ nó được phép dùng trong y học là bởi nó được dùng với liều lượng rất nhỏ và có sự kiểm soát chặt chẽ của thầy thuốc).

Đây chính là lý do của việc sử dụng trái phép beta-agonists trong thức ăn chăn nuôi (đặc biệt là chăn nuôi lợn) dẫn đến việc tồn dư các chất này trong sản phẩm động vật.

GS có thể cho biết nếu người tiêu dùng ăn phải thịt heo có tồn dư các chất trên thì gây hậu quả như thế nào?

- Theo bác sĩ thú y Vương Thiện Đức, một người chuyên hành nghề thú y ở Bình Dương, thì tác động của Clenbuterol và Salbutamol là vô cùng nặng nề đối với người sử dụng. Đó là việc gây ảnh hưởng lên hệ thần kinh, hệ cơ và hệ tim mạch.

Theo GS.TS Chu Phạm Ngọc Sơn, Chủ tịch Hội Hóa học TPHCM, việc phát hiện chất cấm clenbuterol và salbutamol trong thịt heo đây không phải là lần đầu. Thỉnh thoảng phát hiện được một vụ, dư luận ầm ĩ một thời gian rồi đâu lại vào đấy. Vấn đề cần thiết là cơ quan chức năng phải có quy trình quản lý chặt chẽ và kiểm soát thường xuyên bằng xét nghiệm nhanh các loại chất cấm này.
 

Xin cảm ơn GS!

Ngọc Anh (thực hiện)