- Vụ sạt lở đã vùi lấp và phá huỷ 14 nhà dân, trong đó 10 ngôi nhà bị phá huỷ hoàn toàn. 1 người bị chết là cụ Vũ Thị Hồng (SN 1935), 1 cụ ông phải đi cấp cứu, hiện vẫn đang trong cơn nguy kịch. Hiện còn 5 người đang nằm trong đống đất đá. 

Mỏ than Phấn Mễ đã từng bị nổ!
 
Chiều ngày 15/4, phóng viên VietNamNet đã có mặt tại hiện trường vụ sập mỏ than Phấn Mễ (xã Phú Lương, huyện Đại Từ, Thái Nguyên). Các lực lượng chức năng đang nỗ lực tìm kiếm những người bị mất tích trong vụ sập đổ.

Công tác giải quyết, khắc phục hậu quả sau sự cố, tổ chức chôn cất những nạn nhân đã tìm thấy xác... đã nhanh chóng được tiến hành. Tuy nhiên, những gì trước mắt là cảnh hoang tàn, đổ nát và tang thương...
 

Một bia mộ nặng cả tấn bị vụ nổ hất văng ra tít chân đồi.

 

Những nhà dân liền kề bị sức ép của vụ nổ phá tan nhà cửa.

Nguyên nhân của vụ sập hầm mỏ gây thiệt hại lớn về số nạn nhân đang được điều tra làm rõ. Tuy nhiên, theo phản ánh của người dân địa phương, báo động về mất an toàn lao động tại khai trường than Phấn Mễ đã được đặt ra từ rất lâu.

Trước khi vụ sập mỏ than vừa xảy ra vào sáng 15/4/2012, mỏ than Phấn Mễ đã từng xảy ra vụ nổ hầm lò tương tự, tuy nhiên, số lượng người tử vong và mức độ thiệt hại không lớn.

Vụ tai nạn xảy ra vào chiều ngày 29/4/2011. Người dân xung quanh mỏ than Phấn Mễ nghe thấy một tiếng nổ lớn trong lòng đất. Vụ nổ xảy ra tại giếng khai thác có độ sâu hơn 100m. Các nạn nhân đã được đưa ra khỏi hiện trường ngay sau đó. Một công nhân tên là Phạm Bá Phương (SN 1979) tử vong tại chỗ.

Công nhân Trần Như Long bỏng sâu và được đưa đi cấp cứu. Lãnh đạo đơn vị khai thác, ông Nguyễn Đình Thái, Phó giám đốc Xí nghiệp than An Khánh (thuộc Cty CP Khai khoáng Miền núi) khi đó thông tin: sự việc xảy ra khi 4 công nhân đang làm việc dưới hầm lò ở độ sâu 102m.

 

 

Lại thêm một đại tang ở một xóm nghèo.

 

Đơn vị khai thác đã bỏ tiền ra để lo tang lễ, đền bù cho người xấu số và đài thọ tiền chữa trị cho công nhân bị thương. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Thái Nguyên cũng đã yêu cầu đơn vị này khắc phục sửa chữa khu vực khai thác.

Rất nhiều người dân bức xúc phản ánh: sự việc nổ giếng than xảy ra chưa được bao lâu, đơn vị khai thác lại tiếp tục cho khai thác tận thu ngay sau đó tại hiện trường xảy ra vụ việc. Cụ thể, theo nhiều người dân, chưa đầy một tuần sau, ngày 4/5/2011, giếng than (mỏ than số 9) lại tiếp tục được khai thác bình thường.

Việc mất an toàn lao động tại mỏ than Phấn Mễ đã được cảnh báo từ lâu. Việc ráo riết đẩy mạnh tận thu của đơn vị khai thác cũng tác động thêm đến sự mất an toàn lao động” - một người dân cho biết.

Như thế, đây không phải là lần đầu tiên mỏ than Phấn Mễ xảy ra sự cố trong khai thác hầm lò.

Khai trường... 100 tuổi

Nằm bên Quốc lộ 3, mỏ than Phấn Mễ (thuộc địa phận xã Phú Luơng) là vùng mỏ có lịch sử khai thác khá lâu đời. Theo lịch sử của vùng mỏ, ngày 9/3/1886, thực dân Pháp chiếm Thái Nguyên, ngày 11/3/1908 người Pháp đã thăm dò các mỏ than ở đây và hai năm sau (1910), mỏ than Phấn Mễ đã chính thức bị khai thác.

Cận cảnh thêm một cảnh đổ nát.
 

Việc khai thác hầm lò bằng công nghệ thô sơ, sức người là chính đã khiến khai trường than Phấn Mễ hàng trăm năm trước là nỗi ám ảnh của người dân. Thực dân Pháp bắt người đi phu phen, bóc lột sức lao động nặng nề.

Hàng trăm công nhân đã chết vì kiệt sức tại vùng mỏ Phấn Mễ vì bị bóc lột sức lao động, khai thác trong môi trường ô nhiễm, nặng nề.

Nỗ lực tìm kiếm 5 nạn nhân mất tích vẫn được tiến hành đến tận cuối chiều ngày 15/4/2012.

 
Đây cũng là nơi nhà văn Võ Huy Tâm thực tế để cho ra đời tiểu thuyết Vùng mỏ, một tác phẩm phản ánh lịch sử của một mảnh đất giàu truyền thống cách mạng, bị rên xiết dưới thời kỳ cai trị, bóc lột của thực dân Pháp nhưng vẫn kiên cường đấu tranh cách mạng, với những tấm gương vượt khó hăng say lao động, làm giàu cho tổ quốc.

Trải qua hơn 100 năm tính từ thời điểm Pháp khai thác mỏ than Phấn Mễ, mỏ than đã được xác định khai thác hết. Việc tiến hành khai thác than tại điểm mỏ này trong thời gian qua chủ yếu là công tác khai thác tận thu.

Trở lại vụ sạt lở tại mỏ than Phấn Mễ xảy ra vào khoảng 4h30 sáng 15/4, khiến hàng chục gia đình bị mất nhà cửa, vườn tược và người thân.

Theo thống kê ban đầu của UBND tỉnh Thái Nguyên, vụ sạt lở đã vùi lấp và phá huỷ 14 nhà dân, trong đó 10 ngôi nhà bị phá huỷ hoàn toàn. 1 người bị chết là cụ Vũ Thị Hồng (SN 1935), 1 cụ ông phải đi cấp cứu, hiện vẫn đang trong cơn nguy kịch. Hiện còn 5 người đang nằm trong đống đất đá. 

Điều đáng đau xót nhất là, trong 5 người bị mất tích thì có 4 người trong cùng một gia đình là bà Nguyễn Minh Hoàn (SN 1962, chủ hộ), ông Nguyễn Văn Hà (SN 1968 là em trai bà Hoàn), cháu Nguyễn Văn Quốc (SN 1991 là con trai bà Hoàn) và cháu Nguyễn Văn Quân (SN 1995 là con trai thứ 2 của bà Hoàn). Người thứ 5 bị mất tích được xác định là bà Trần Thị Thiện (SN 1959).

Đến 10h sáng nay (16/4), công tác cứu hộ cứu nạn vẫn đang tiếp tục. Hiện vẫn chưa tìm thấy nạn nhân bị vùi trong đống đổ nát.

Kiên Trung