- Sự việc Chi cục Quản lí chất lượng và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản (chi cục QLCL và BVNLTS) TP.HCM phát hiện cá diêu hồng bị nhiễm chất trifluralin tại chợ đầu mối Bình Điền làm rấy lên sự lo ngại về an toàn thực phẩm tiếp tục đe dọa người tiêu dùng.

Sáng 16/4, trao đổi với phóng viên VietNamNet, ông Trần Đình Vĩnh, chi cục trưởng cục QLCL& BVNLTS TP.HCM cho biết, tuy hàm lượng chất trifluralin bị phát hiện không cao nhưng đây là chất cấm nên dù ít hay nhiều cũng không được có trong sản phẩm.

Cụ thể, thời gian trong và sau tết Nguyên đán năm 2012, Chi cục QLCL&BVNLTS TP.HCM đã lấy nhiều mẫu cá ở chợ đầu mối Bình Điền để phân tích dư lượng hóa chất; phát hiện nhiều mẫu cá diêu hồng (cá sống) bị nhiễm chất Trifluralin, loại kháng sinh dùng cho cá đã bị cấm sử dụng từ năm 2010.


Người nuôi cá, đôi khi vì lợi nhuận đã quên trách nhiệm vì sự an toàn của cộng đồng. Ảnh minh họa: Minh Nhật

Được biết số cá bị phát hiện nhiễm chất cấm thuộc các lô hàng do các thương lái ở miền Tây cung cấp với số lượng rất lớn, có thể lên đến hàng tấn.

Qua điều tra đã truy được nguồn gốc của số cá diêu hồng từ các đầu vựa Tiền Giang và Đồng Tháp. Qua đó, cục đã có văn bản gửi Chi cục thủy sản tỉnh Tiền Giang và Chi cục thủy sản tỉnh Đồng Tháp đề nghị truy xuất nguồn gốc số cá này.

Ngày 4/4 Chi cục thủy sản tỉnh Đồng Tháp đã có văn bản trả lời, cho biết đã tiến hành xác minh được thương lái bán số cá bị nhiễm trifluralin là các ông Nguyễn Văn Vũ, Nguyễn Thanh Hùng và Nguyễn Văn Bình. Còn về Chi cục tỉnh Tiền Giang cũng đã xác định được một thương lái bán nguồn cá nhiễm chất cấm. Tuy nhiên, trong văn bản, Chi cục cũng đã xác nhận chưa truy xuất được nguồn gốc ở các hộ nuôi, nơi cung cấp và nhà sản xuất hoạt chất trifluralin. Thương lái ở chợ Bình Điền thu mua qua nhiều đầu vựa nên khó truy xuất nguồn gốc

Sau vụ việc TP. HCM đã có qui định khi bán hàng phải kê khai rõ ràng mua ở đâu, liệt kê hoạt động bán hàng. Chi cục QLCL và BVNLTS TP.HCM cũng đã có công văn gửi các tỉnh về việc kết hợp truy xuất nguồn gốc cá nhiễm chất trifuralin và xử lí, tăng cường quản lí đối với nguồn thủy hải sản cung cấp cho các chợ đầu mối. Bên cạnh đó, cuối tháng 3 vừa qua cục đã tổ chức họp 18 tỉnh, cùng phối hợp truy xuất, xử lí tận gốc các trường hợp sử dụng chất cấm trong nuôi trồng thủy hải sản khi cần.


Chợ đầu mối Bình Điền, nơi cơ quan chức năng phát hiện cá nhiễm chất cấm. Ảnh: Bee.net

Ông Vĩnh cũng cho biết, đối với tiểu thương bị phát hiện bán số cá nhiễm chất cấm sẽ bị phạt nóng với mức phạt từ 10.000.000 tới 15.000.000 đồng, theo nghị định số 45/2005/NĐ – CP điều 14, mục 2.

Riêng đối với chợ đầu mối Bình Điền, Chi cục đã tăng cường mỗi đêm có đến 9 cán bộ trực trạm kiểm soát thay phiên kiểm tra các sản phẩm bằng cảm quan, khi thấy có nghi ngờ sẽ lấy mẫu đi phân tích để sớm phát hiện nguồn hàng không đảm bảo chất lượng. Từ khi có trạm kiểm soát, công tác quản lí về thủy sản được cải thiện tốt hơn, thủy sản bị nhiễm chất cấm giảm.

Ông Trần Đình Vĩnh Chi chia sẻ: “Vụ việc xảy ra là rất đáng tiếc. Các trường hợp thực phẩm chất lượng kém gần đây là những trường hợp cá biệt, chủ yếu do lợi nhuận. Còn đa số các tiểu thương vẫn chấp hành tốt, kinh doanh nguồn hàng đảm bảo chất lượng. Vì vậy người dân không phải lo lắng nhiều”

Cũng theo như ông Vĩnh, dù chi cục có tăng cường quản lí, kiểm soát gắt gao thì vẫn có kẽ hở Quan trọng nhất vẫn là ý thức, của người tiêu dùng, tiểu thương. Nếu người tiêu dùng không sử dụng nguồn hàng giá rẻ, các tiểu thương giữ được đạo đức kinh doanh sẽ có giá trị hơn nhiều lần so với các biện pháp chế tài của nhà nước.

Theo kế hoạch, sắp tới TPHCM sẽ triển khai chuỗi thực phẩm an toàn nhằm kiên quyết xử lí các hành vi tạo ra sản phẩm kém chất lượng trấn an người tiêu dùng.

Trifluralin rất độc cho sức khỏe của người và động vật, dư lượng của chúng trong môi trường có thể ảnh hưởng đến sự đa dạng sinh học. Vì vậy, không nên sử dụng loại hóa chất này trong sản xuất nông nghiệp.

Một nghiên cứu ở Hoa Kỳ cho rằng sử dụng Trifluralin có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư bạch huyết (non-Hodgkin lymphoma). Do đó, nhiều quốc gia đã cấm hoặc hạn chế sử dụng.

Hầu hết các quốc gia ở Châu Âu, Châu Mỹ, Nhật Bản quy định dư lượng của Trifluralin không được vượt quá 10μg/kg trong thịt và 1μg/kg trong cá. Tiêu chuẩn cho nước uống phải có hàm lượng Trifluralin nhỏ hơn 5μg/kg. Trifluralin được sử dụng rộng rãi trong việc xử lý nước và diệt các loại ký sinh trùng gây bệnh trong ao nuôi cá, tôm.

• Minh Nhật – Hợp Trần