- Sáng 18/4, Đoàn công tác của Tỉnh ủy, Quốc Hội, Hội đồng nhân dân, UBND tỉnh cùng các ngành chức năng đã có chuyến tổng kiểm tra sự cố chảy nước tại hồ chứa thuỷ điện Sông Tranh 2. 

Hơn 80 trận động đất lớn nhỏ tại Sông Tranh 2

Hơn 30 phút khảo sát từ thân đập trở ra, Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Nam Nguyễn Đức Hải lắc đầu bảo: Nước vẫn còn chảy trong thân đập.

Giống như ông Hải, ông Nguyễn Văn Sỹ, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội, Chủ tịch HĐND tỉnh cũng khẳng định nước vẫn còn chảy trong thân đập!

Cửa vào hầm thu gom nước được canh phòng cẩn mật. Ảnh chụp sáng 18-4

Tại cuộc làm việc với Ban quản lý thủy điện 3, ông Lê Phước Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đặt câu hỏi trong thiết kế hồ chứa thuỷ điện Sông Tranh 2 có cho phép nước rõ rỉ qua thân đập hay không? Đây là vấn đề yêu cầu Ban quản lý thuỷ điện 3 giải trình rõ.

Ngoài ra, động đất và sự cố nứt chảy nước đập hồ chứa có liên quan, vấn đề khắc phục được triển khai như thế nào?

Trả lời câu hỏi của ông Thanh, ông Nguyễn Văn Hải, Giám đốc Ban quản lý dự án thuỷ điện 3 cho biết, kể từ khi tích nước hồ chứa thuỷ điện Sông Tranh 2 đến nay tại khu vực đã diễn ra 80 trận động đất lớn nhỏ. Tất cả các trận động đất này đều chưa ảnh hưởng đến an toàn của hồ chứa.

Đến thời điểm này, mực nước hồ chứa đã được hạ thấp dưới cao trình 140 m nên việc thấm chảy nước đã được tạm thời chấm dứt!

Tất cả các điểm thấm nước đã được thu gom cho chảy vào hành lang thu gom trong thân đập. Lượng nước rò rỉ qua thân đập vẫn đang ở mức 75 l/s. Gấp 5 lần cho phép.

Cần minh bạch thông tin sự cố Sông Tranh 2

Sau đó, ông Nguyễn Văn Sỹ đã đề nghị Ban quản lý cho biết ở Việt Nam có đập nào thấm như vậy để so sánh không?

Ông Hải, GĐ Ban quản lý dự án thuỷ điện 3 đưa ra hàng loạt đập thuỷ điện lớn được xây dựng. Đập nào cũng thấm và đập bê tông đầm lăn lại càng thấm. Độ thấm đập Sông Tranh 2 thuộc vào loại trung bình!

Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam đi khảo sát trong đường hầm

Trong khi đó, kỹ sư Nguyễn Minh Tuấn, Chánh Văn phòng chi cục quản lý thuỷ lợi tỉnh cho rằng lượng nước thấm qua thân đập 75 l/s là quá lớn và đến thời điểm này vẫn chưa có văn bản qui chuẩn nào khẳng định bao nhiêu l/s là cho phép?

"Việc động đất có ảnh hưởng đến đập chính hay không? Hiện vẫn chưa có thiết bị quan trắc đầy đủ, chúng ta không thể quan sát bằng mắt thường để kết luận được. Việc thấm nước như vậy chắc chắn sẽ làm mất an toàn của đập' - Kỹ sư Nguyễn Minh Tuấn khẳng định.

Ông Tuấn yêu cầu cần minh bạch hoá thông tin về sự cố và biện pháp khắc phục cho báo chí và người dân được biết.

Còn ông Đặng Phong, Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My thì bảo rằng, chính ông là người chịu trách nhiệm trước dân và lãnh đạo tỉnh nên rất lo lắng.

Theo ông Phong, tại sao trước đây nước chảy ào ạt thì khẳng định là 30 lit/s, còn bây giờ nước ít chảy lại khẳng định là 75 l/s? Đây là nghịch lý làm bà con nhân dân lo lắng vì những thông tin trái chiều nhau từ Ban quản lý dự án thuỷ điện 3.

Trả lời tại cuộc họp, ông Nguyễn Văn Hải khẳng định: "Chúng tôi đã khoan tất cả 350 lỗ khoan từ thân đập xuống. Nhưng chỉ có 10 lỗ có thấm nước. Chúng tôi đánh giá 7% nước thấm qua bê tông còn lại là thấm qua khe nhiệt".

Theo ông Hải, nước thấm qua thân đập là không cho phép. Nhưng nước đã thấm rồi, nguyên nhân là do hệ thống thu gom nước chưa hoạt động tốt, đang được khắc phục.

Sau khi khảo sát và lắng nghe ý kiến của các bên liên quan, ông Lê Phước Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu Ban quản lý dự án thuỷ điện 3 bằng mọi giá phải khắc phục nhanh đảm bảo an toàn tuyệt đối cho hồ chứa thuỷ điện Sông Tranh 2.

Vũ Trung