– Không những chỉ riêng bản thân mắc các chứng rối loạn tâm thần mà cuộc sống gia đình của những doanh nhân trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng, hạnh phúc bị đe dọa.

Gia đình ly tán vì làm ăn phá sản

Bác sỹ chuyên khoa tâm thần Nguyễn Văn Dũng (Viện Sức khỏe tâm thần Quốc gia, Bệnh viện Bạch Mai) cho biết đã có trường hợp bệnh nhân nữ bị rối loạn tâm trí do làm ăn thua lỗ, tài sản “bốc hơi”, phải vào viện điều trị.

Nhưng trước khi vào viện, chị đã bị chồng và gia đình nhà chồng “tẩy chay” để không phải gánh chung khoản nợ.

Chị thậm chí còn mang cả tài sản lớn của gia đình nhà chồng lẫn nhà đẻ như sổ đỏ để đi cầm cố để xoay sở vốn trong lúc khó khăn, đến khi số tiền này cũng “bốc hơi” không lấy lại được thì 2 ngôi nhà khang trang giữa thủ đô của 2 gia đình đã về tay kẻ khác.

Nhiều gia đình phải ly tán vì phá sản trong kinh doanh (Ảnh minh họa: Internet)

Kết cục này đã khiến cả gia đình bên nội lẫn bên ngoại đều lâm vào cảnh vô gia cư. Khuyên nhủ chị dừng lại không được và cũng không thể nào tìm được cách để cứu vãn, chồng và gia đình nhà chồng của bệnh nhân này đã đệ đơn ly hôn để tránh những rắc rối về sau.

Điều đáng chú ý là trước khi ly hôn một thời gian dài, cuộc sống gia đình của cặp vợ chồng này cũng không khác gì “địa ngục” bởi suốt ngày họ chìm đắm trong nợ nần và chỉ trích, giày vò lẫn nhau.

Ngay cả những đứa con vì không chịu nổi bầu không khí căng thẳng khi cha mẹ mặt nặng mày nhẹ, còn chủ nợ đến nhà liên tục, nên đã phải dọn về nhà ông bà ở tạm.

Sau khi mất cả chì lẫn chài, người phụ nữ này bị khủng hoảng trầm trọng và đã tự tử 2 lần song đều bất thành. Từ đó trở đi, chị rất dễ bị kích động, tâm lý bất ổn, thường xuyên phải cần đến sự giám sát của bác sỹ tâm thần.

Dù chưa có một thống kê chính thức nào nhưng thực tế tại Viện Sức khỏe tâm thần quốc gia cho thấy đối với những gia đình có bệnh nhân bị trầm cảm vì lý do công việc, kinh tế thì thông thường cuộc sống sinh hoạt bị đảo lộn, các mối quan hệ bị xáo trộn, tâm lý, tinh thần các thành viên trong gia đình đều bất ổn bởi phải cùng chịu sức ép từ nhiều phía.

Gia đình lục đục vì kế sinh nhai bị bó hẹp

Kinh tế khó khăn không chỉ ảnh hưởng đến những đối tượng làm ăn, kinh doanh (lớn, vừa hoặc nhỏ) mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống hàng ngày của hàng triệu người dân bình thường (nhất là ở những thành phố lớn).

Hàng loạt doanh nghiệp nợ lương người lao động. Tình trạng này đẩy họ vào thế khó khăn khiến một loạt vấn đề xã hội phát sinh như chất lượng sống suy giảm, hạnh phúc gia đình bị lung lay, an ninh trật tự phức tạp, vv... (Ảnh: VietNamNet)

Việc thu hẹp sản xuất, các công ty ngưng trệ hoạt động và không trả lương khiến họ chật vật khốn khổ. Từ đó, chính bản thân họ cũng rơi vào trạng thái bị stress và những căng thẳng trong gia đình đã phát sinh.

Hàng loạt doanh nghiệp nợ lương người lao động

Ông Trần Hữu Huỳnh, Vụ trưởng Vụ pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết do hoạt động kinh tế khó khăn kéo dài nên việc chậm lương hoặc nợ lương người lao động không còn là vấn đề cục bộ tại một số đơn vị.

Chị Hoa trú tại phường Bồ Đề, Long Biên, Hà Nội làm công việc nấu cơm cho một công ty xây dựng chừng 30 người.

Từ khoảng tháng 7 năm 2011, cả công ty chị bắt đầu hiểu thế nào là “kinh tế khó khăn”, “lạm phát” – những thuật ngữ có lẽ trước đây nếu nghe thấy chúng cũng trôi qua nhanh chóng khỏi bộ nhớ của từng người.

Nhưng nay, nó đã hiện hữu rất rõ ràng: Cả công ty ngồi chơi xơi nước vì không có vốn rót về. Bản thân chị Hoa bị công ty nợ lương suốt 4 tháng trời, đến đêm 28 Tết âm lịch cả công ty còn kéo đến trụ sở để nhận mỗi người 2 triệu đồng tạm ứng tiêu Tết.

“Cả Tết vừa rồi hai vợ chồng khốn khổ chi tiêu. Nhà có 2 con nhỏ nên tiết kiệm từng đồng. Từ sau Tết đến giờ tôi chỉ ở nhà bán dưa, cà muối, chờ công ty hoạt động trở lại sẽ đi làm. Nhưng xem ra điều đó còn xa vời lắm, vì giờ vẫn chưa có động tĩnh gì, mọi thứ có vẻ càng ngày càng khó khăn hơn”, chị Hoa nói.

Kể từ khi được “ngồi chơi xơi nước” và ở nhà bán dưa cà mắm muối, vợ chồng chị thường xuyên rơi vào cảnh “cơm không lành, canh không ngọt” vì túng bấn.

Chồng chị đi làm thợ điện nước các công trình cho một công ty xây dựng. Công ty cũng đã ngừng hoạt động vì kinh tế khó khăn.

Cả hai vợ chồng và hai đứa con hiện đang trông chờ vào đồng thu nhập ít ỏi từ việc bán dưa cà muối của chị Hoa và việc thi công những công trình điện nước tư nhân nhỏ của chồng.

Gánh nặng rối loạn tâm thần, hạnh phúc gia đình bị đe dọa và tệ nạn xã hội phát sinh

Tiến sỹ Trần Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu đào tạo và Phát triển cộng đồng (RTCCD – Thuộc Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam) cho biết trong điều kiện bình thường, tỷ lệ người bị rối nhiễu tâm trí ở Việt Nam đã ngày càng gia tăng (nhiều người không biết mình bị rối nhiễu tâm trí).

Vì thế, ông Tuấn nhận định trong bối cảnh hiện nay, khi mà áp lực cuộc sống ngày càng lớn do lạm phát cao, thất nghiệp tăng, chất lượng sống giảm thì tỉ lệ những người bị rối loạn tâm thần sẽ ngày càng nhiều. Từ đây sẽ dẫn đến một loạt các hệ quả khác như tệ nạn xã hội, an ninh trật tự, bất ổn trong gia đình và xã hội,…

N.Anh