- Vì tức giận mù quáng, trong lúc con gái ở trong phòng, người cha châm lửa đốt chiếc xe ngay ngoài cửa phòng. Vụ cháy làm người con chết thảm. Người cha đã đốt con, “đốt” cả cuộc đời mình để rồi không thể khóc…


Trời chiều nắng gắt, chiếc xe chở phạm nhân hụ còi rồi đỗ xịch tại một góc khuất trước sân tòa. Người đàn ông bước xuống từ chiếc xe bít bùng nóng hầm hập, trán vã mồ hôi. Một nhóm người lầm lũi bước vào phòng xử khi bóng người đàn ông vừa lấp ló trên bậc tam cấp để vào tòa.

Giận quá mất khôn

Bị cáo Huỳnh Thuật (53 tuổi, TP.HCM) bị đưa ra xét xử về hai tội “giết người” và “hủy hoại tài sản”. Trong vụ án, bị cáo và bị hại là người một nhà, một bên là cha, một bên là con. Người cha đứng chênh vênh trước vành móng ngựa còn người con đã vĩnh viễn nằm xuống vì ngọn lửa chất chứa nỗi oán giận của cha.

Trước vành móng ngựa, bị cáo Huỳnh Thuật cúi đầu khi nghe vị đại diện Viện kiểm sát công bố cáo trạng. Mái đầu bạc, cặp mắt buồn, nước da trắng bệch làm người cha trong khoảnh khắc ấy trông thật tội nghiệp. Thế nhưng, cũng con người ấy lúc thực hiện hành vi phạm tội dẫn đến cái chết của con sao thật khác, thật lạnh lùng, tàn nhẫn.

Bị cáo Huỳnh Thuật trên đường dẫn giải lên xe về trại. 
Cáo trạng thể hiện: Huỳnh Thuật sống với vợ và ba người con gồm H.T.T.T. (SN 1982), H.T.T.Th (SN 1986) và H.T.T. (SN 1996) tại quận Gò Vấp do con gái thứ hai là Th. đứng tên. Do Thuật thường xuyên uống rượu bia và đánh vợ con nên vợ chồng thường xuyên phát sinh mâu thuẫn.

Tháng 11/2010, nghi ngờ cha có người đàn bà khác nên chị T. có trách móc, tỏ thái độ bất đồng với cha. Huỳnh Thuật tức giận đòi đánh con nhưng được mọi người can ngăn.

Chiều ngày 20/11/2010, sau khi uống rượu say Thuật dẫn chiếc xe SH dựng trước cửa phòng T. rồi gọi con ra nói chuyện phải quấy, T. không trả lời. “Nếu mày không ra, bố sẽ đốt xe, đốt cả nhà luôn”, Thuật lên tiếng nhưng con gái vẫn im bặt, đóng kín cửa phòng.

Thế là, Thuật châm lửa đốt xe thật. Ngọn lửa bốc cháy ngùn ngụt trước cửa phòng làm T. không thể thoát ra ngoài đành gọi điện cho mẹ cầu cứu “mẹ ơi, bố đốt nhà rồi. Mẹ cứu con!”. Người mẹ quýnh quáng bỏ cửa hàng bán vỏ xe chạy về.

Về phần mình, khi thấy lửa bắt đầu bốc lên ngùn ngụt nhưng con gái vẫn ở trong phòng không một tiếng động, Thuật sợ hãi chạy ra ngoài vơ bình thuốc trừ sâu uống một nửa. Sợ ngọn lửa sẽ làm nổ bình gas trong nhà, Thuật lại chạy vào kéo cầu dao cúp điện, mở hộc tủ bếp dùng tay vặn mở bộ phận khóa gas, đem bình gas ra ngoài.

Lúc này, lửa đã cháy quá to nên Thuật bỏ bình gas lại rồi chạy ra ngồi nhìn trước cửa nhà. Một tiếng nổ lớn phát ra, nghe tiếng nổ, người con trai út từ trên lầu lao xuống. Người vợ về tới, nghe tiếng con gái kêu la thảm thiết định xông vào cứu con, Thuật lạnh lùng lên tiếng “mày vào cứu nó đi rồi hai mẹ con mày chết chung một lượt”.

Khoảng 20 phút sau lực lượng chữa cháy dập tắt ngọn lửa đưa con gái họ đi cấp cứu nhưng cô đã tử vong do chết ngạt. Thuật ngấm thuốc cũng ngất lịm và được đưa đi cấp cứu.

Bị cáo Thuật bị truy tố về hành vi giết người con gái đầu và hủy hoại tài sản của người con gái sau vì chiếc xe và căn nhà do con gái sau đứng tên.

Người cha tội đồ

Tại sao khi ngọn lửa cháy bị cáo không mở cửa cho con ra? Bị cáo còn thời gian chạy vô mở bộ phận khóa gas để đưa bình gas ra ngoài cơ mà? Khi tòa tiếp nhận hồ sơ vụ án đã thấy lạ ở chỗ này. Có phải bị cáo trực tiếp muốn giết con không?”…, một khoảng lặng trôi qua, người cha tội đồ không thể trả lời câu hỏi ấy, chỉ thấy gương mặt ông dại đi đau đớn.

Phần xét hỏi, nhiều khoảng lặng khác trôi qua. Người đàn ông đầu bạc không bao biện một lời cho tội ác giết con. Phải lâu lắm, khi bị HĐXX truy vấn liên tục ông mới thú nhận do trước ngày xảy ra vụ án vợ chồng ông đã sống ly thân, các con thì đồng loạt về phe mẹ.

Khi vợ đòi ly hôn, ông đề nghị sẽ đón con trai út về nuôi nhưng T. ngăn cản. “Cha có nuôi nổi nó không mà đòi đưa nó về?” nên bị cáo giận, nghĩ mình là người phụ thuộc kinh tế nên bị con cái coi thường, bị cáo lao đi uống rượu và vụ án đã xảy ra.

Con bị cáo nói vậy vì cũng không muốn tạo gánh nặng cho cha, có gì mà bị cáo phải giận rồi để xảy ra hậu quả hôm nay?”, bị cáo lại cúi gằm bỏ lửng câu hỏi của HĐXX.

Trong một biên bản tự khai trước đó, lời ông đầy day dứt: “Huỳnh Thuật là người cha tàn nhẫn. Mong HĐXX xử bị cáo thật nghiêm”.

Có lẽ, mức án - sự trừng phạt của pháp luật với ông giờ đây không còn ý nghĩa bởi đã có một bản án khác có sức nặng bào mòn, đau đớn hơn rất nhiều. Đó là bản án lương tâm.

Được mời lên thẩm vấn, vợ ông xác nhận bà và ông đã hoàn tất thủ tục ly hôn trong thời gian ông bị tạm giam phục vụ điều tra. Vì nghĩa vợ - chồng, cha - con, mẹ con bà xin tòa giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.

Phần tự bào chữa và nói lời nói sau cùng thường là lúc để các bị cáo bao biện cho hành vi phạm tội và khẩn thiết xin một mức án nhẹ, bị cáo Thuật không nói nửa lời. HĐXX nhắc lại, bị cáo chỉ nói vẻn vẹn một câu “Bị cáo không có ý kiến”.

Phiên tòa không có một giọt nước mắt nhưng ai cũng hiểu rằng người cha ấy đang ân hận, dằn vặt ghê gớm về tội ác của mình. Người xưa có câu “hổ dữ không ăn thịt con”, không dằn vặt sao được khi mình là một con người, một người cha nhưng đã cướp đi mạng sống của chính con mình?

Nhận định bị cáo đã đặc biệt ăn năn hối cải, bản án tù chung thân cho hai tội “giết người” và “hủy hoại tài sản” được tuyên, bị cáo cúi đầu tra tay vào chiếc còng số 8.

Bóng chiều mờ nhạt đổ xuống, ông bước qua vợ và con như một cái bóng - một cái bóng méo mó, đớn đau và hiu quạnh.

M.Phượng