Sau 1 tuần xảy ra vụ sạt lở nghiêm trọng tại bãi thải mỏ than Phấn Mễ (Đại Từ, Thái Nguyên), đến nay các ngành chức năng đã huy động gần 700 người phục vụ công tác tìm kiếm.


Theo số liệu thống kê mới nhất tính đến ngày 22/4, tổng số người được huy động tham gia tìm kiếm 5 nạn nhân xấu số bị vùi lấp trong đống đất đá đã lên tới con số 700, trong đó có 300 người tham gia tìm kiếm trực tiếp tại hiện trường.

Hiện 12 máy xúc, 2 máy ủi, 6 máy phát điện và 21 ô tô chuyên dụng vẫn đang hoạt động ngày đêm.

Trong suốt 1 tuần qua, Ban chỉ huy tìm kiếm đã triển khai, phối hợp nhiều biện pháp tăng cường tìm kiếm các nạn nhân như mời chuyên gia nước ngoài, nhà ngoại cảm, huy động chó nghiệp vụ, sử dụng máy dò từ trường…. Song đến nay việc tìm kiếm vẫn chưa có kết quả. 


Máy xúc hoạt động ngày đêm để tìm kiếm các nạn nhân mất tích. Ảnh: Kiên Trung

Theo đánh giá, việc triển khai phương pháp đào 4 rãnh chạy song song, mỗi rãnh cách nhau 5m để gia tăng cơ hội tìm kiếm đã có những hiệu quả bước đầu.

Tuy nhiên trong những diễn biến mới nhất, lực lượng tìm kiếm mới chỉ tìm thấy một số vật dụng và đồ dùng gia đình của nạn nhân.

Để tránh nguy cơ tiếp tục xảy ra sạt lở, đến nay toàn bộ 29 hộ dân sống trong các khu vực cảnh báo nguy hiểm đã được di dời.

Liên quan đến vụ việc, chia sẻ trên báo Pháp luật Việt Nam, nhiều luật sư đặt dấu hỏi về trách nhiệm pháp lý của các cá nhân, tổ chức liên quan đến “sự cố” này.

Luật sư Hoàng Long Hà – Phó chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho rằng: Thật khó hiểu khi một bãi thải tồn tại nhiều chục năm, đất đá chất lên ngày càng cao như núi, thế nhưng từ lãnh đạo mỏ than, ngành than, chính quyền, các cơ quan quản lý tại địa phương lại không biết; hoặc biết nhưng vì lý do nào đó mà không dám, không muốn nói đến sự nguy hiểm…

Luật sư Hà phân tích thêm rằng, trong vụ việc này, các cơ quan quản lý đã “quên” mất chức năng của mình, chỉ đến khi có hậu quả mới lao vào tìm kiếm, hỗ trợ… mà gọi đúng như Luật Hình sự là tình tiết giảm nhẹ (bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả). Trong khi trên thực tế, đây là tội thiếu trách nhiệm, gây hậu quả nghiêm trọng.

Luật sư Bùi Quang Nghiêm – Đoàn Luật sư TP.HCM cũng cho rằng việc chính quyền cấp phép cho doanh nghiệp khai thác mỏ khi biết có người dân ở đó là có “vấn đề”.

“Lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên trả lời rằng ‘Chúng tôi đã có nhắc nhở nhưng chưa kịp làm thì xảy ra sự việc. Nói như thế cũng là một dạng vô trách nhiệm”, luật sư Nghiêm nêu quan điểm trên báo này.

Trong ngày 20/4, khi trao đổi với Dân trí, ông Dương Ngọc Long, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên cho biết đã yêu cầu Công an tỉnh Thái Nguyên chỉ đạo cán bộ điều tra làm rõ nguyên nhân, thu thập chứng cứ, tài liệu để hoàn thiện hồ sơ xem xét khởi tố vụ án hình sự theo đúng quy định pháp luật.

Trước đó như VietNamNet đã đưa tin, vào khoảng 4h30 sáng 15/4 tại xóm Khuân 1, xã Phục Linh (Đại Từ, Thái Nguyên) xảy ra một vụ sạt lở nghiêm trọng tai bãi thải mỏ than Phấn Mễ, vùi lấp nhà cửa, vườn ruộng của 10 hộ dân.

Vụ sạt lở khiến 1 người tử vong, 1 người bị thương và ít nhất có 5 người khác bị mất tích.

Điều đáng nói, trước khi xảy ra vụ sập nói trên, mỏ than Phấn Mễ đã từng xảy ra vụ nổ hầm lò tương tự, tuy nhiên, số lượng người tử vong và mức độ thiệt hại không lớn.

Minh Đức (tổng hợp)