- Sau gần 50 ngày bị Trung Quốc bắt giam, cho đến rạng sáng ngày 22/4, toàn bộ 21 ngư dân đã được chiếc tàu cá của anh Trần Hiền (32 tuổi), ở xã An Vĩnh, huyện đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi đã trở về an toàn. 

Được tin Trung Quốc thả 21 ngư dân cùng tàu cá QNg-66074TS, trong ngày 21/4, hàng ngàn người dân ở huỵên đảo Lý Sơn đã ra bến cảng ngóng đợi.

Vào lúc 1 giờ 30 phút sáng ngày 22/4, tàu cá QNg-66074TS cùng 21 ngư dân đã về cập cảng Lý Sơn an toàn, trong niềm vui, hạnh phúc của người dân đất đảo.

Khi tàu cập cảng, các ngư dân bước lên bờ trong nước mắt mừng vui lăn dài trên khuôn mặt của những người cha, người vợ, người mẹ khi gặp lại chồng, con.

Theo thuyền trưởng Bùi Thu, sau khi bị bắt, tất cả 21 ngư dân bị giam giữ, sinh hoạt trong một căn phòng rộng chừng 40 mét vuông. Ăn uống thiếu thốn nên sức khỏe của các ngư dân đều giảm sút.
Tàu cá QNg-66074 cập cảng trong hạnh phúc vỡ oà
“Mỗi bữa một người chỉ được 1 bát cơm, ai ăn nhanh thì được gần 2 bát. Tội nghiệp cho những ngư dân trẻ ăn không no nên bị đói xỉu. Nhiều hôm tui chỉ ăn nửa bát cơm, còn nửa bát nhường lại cho con là Bùi Văn Lan”, nghĩ đến đó thuyền trưởng Bùi Thu xót lòng.

Dù ăn uống, sinh hoạt khổ sở nhưng 21 ngư dân đều động viên nhau cố gắng vượt qua, chờ mong ngày trở về sum họp với gia đình, người thân.

Ngay sau khi ngư dân bước chân lên đảo, UBND huyện Lý Sơn đã tổ chức cuộc gặp mặt, hỏi thăm 21.

Bà Phạm Thị Hương, Phó chủ tịch UBND huyện Lý Sơn đã đến động viên các ngư dân.

Từ khi thuyền trưởng Trần Hiền, 32 tuổi trở về, ngôi nhà của vợ chồng anh lúc nào cũng đông người thân đến chia vui, hỏi han.

Ông Trần Mười (63 tuổi), một lão ngư dù đã dạn dày sóng gió với hơn 40 năm bám biển cũng không kìm được xúc động.

Ông luôn đi ra đi vào đốt nhang trên bàn thờ cảm ởn ông bà, tổ tiên đã đưa con trai Trần Hiền trở về đến nhà an toàn.

Hai ngày qua, nhận tin chồng cùng các ngư dân khác được thả, chị Lê Thị Phúc, vợ của ngư dân Trần Hiền vô cùng mừng rỡ. Mọi sự lo lắng đè nặng, bóp chặt tâm can suốt 50 ngày qua đã được xóa tan.

Từ ngày chồng bị phía Trung Quốc bắt giữ, chẳng đêm nào chị Phúc được ngủ yên giấc. Cũng như chị Phúc, anh Trần Hiền cho biết, trước phiên biển bị phía Trung Quốc bắt, vợ gần sinh con, anh Hiền muốn ở nhà bên cạnh chăm sóc vợ lâm bồn. Nhưng anh đành phải đi biển kiếm tiền lo vợ con.

“Ngày nào tôi cũng liên lạc về hỏi thăm sức khoẻ vợ con. Không ngờ bị Trung Quốc bắt giữ, không biết ngày về, không đêm nào tôi ngủ được khi nghĩ đến đứa con mới được một tháng”.

Chị Phúc kể lại, trước ngày sinh, chị nhận được được thoại anh Hiền nói là tàu đã bị Trung Quốc bắt giam ở quần đảo Hoàng Sa. Sau đó, anh Hiền lại gọi điện về bảo chị Phúc nhờ người biết nói tiếng Trung Quốc hẹn nghe điện thoại.

Ngày 20/3, một phụ nữ người Trung Quốc gọi điện, chị Phúc nhờ một người phiên dịch hộ thì được biết, phía Trung Quốc đòi 70.000 nhân dân tệ thì mới thả tàu và toàn bộ 11 người.

“Khi đó tôi bảo nhà không có tiền, nghèo lắm thì họ bảo không có tiền sao sắm được tàu, rồi bảo nếu không có tiền thì sẽ không thả người. Từ hôm đó, chẳng thấy chồng liên lạc về, phía Trung Quốc cũng không gọi điện tới gia đình”, chị Phúc cho biết.

Ôm chặt đứa con vào lòng, anh Hiền kể lại năm 16 tuổi, anh đã theo tàu vượt sóng ra khơi, ra Hoàng Sa mưu sinh nên nghiệp biển đã gắn chặt với đời anh.

Sau khi lập gia đình, bao năm dành dụm, năm 2005, vợ chồng ngư dân Hiền mới mua nổi chiếc tàu nhỏ và ngư lưới cụ trị giá 400 triệu đồng để ra Hoàng Sa đánh bắt.

Tuy nhiên, cuộc mưu sinh trên biển luôn gặp nhiều bất trắc, phải chịu đựng nhiều lần cảnh tàu nước ngoài rượt đuổi, bắt bớ.

Một hoàn cảnh khác là gia đình bà Phan Thị Anh. Sáng ngày 22/4, bà Ánh đã ra chợ huyện từ sớm mua thật nhiều đồ ngon, bổ về nấu cho cho chồng và con ăn bồi dưỡng sau hàng chục ngày khổ ải.

Con trai bà là Bùi Văn Lan 27 tuổi, cùng chồng bà là thuyền trưởng Bùi Thu, xã An Bình, đi trên tàu QNg 66101 TS của ngư dân Lê Vinh sức khoẻ bây giờ đã giảm sút.

Tuy nhỏ tuổi nhưng Bùi Văn Lan đã rất hiếu thảo lo lắng, chăm sóc cho cha trong thời gian bị giam cầm.

Anh Lan cưới vợ sinh được 2 người con, nhưng thời gian trên biển gấp nhiều lần thời gian bên vợ. Đưa tay xoa bụng bầu, chị Đỗ Thị Gái - vợ anh Bùi Văn Lan ngân ngấn nước mắt: "Anh Lan đã về nhà rồi, thật lòng em không muốn ảnh đi biển, chứ thấy hết nạn này đến nạn khác. Nhưng không đi biển biết làm gì có tiền nuôi hai con nhỏ?”.

Dường như, nước mắt của phụ nữ ở huyện đảo Lý Sơn không biết bao giờ sẽ ngừng rơi khi lúc nào cũng phải lo lắng cho chồng con lênh đênh trên biển.

Nhiều phụ nữ ở đây bảo, ngày xưa phải khóc nhiều vì chồng con bị tai nạn thiên tai biển cả. Còn ngày nay, nước mắt lại rơi nhiều bởi sự bắt bớ vô lý phía Trung Quốc. 

Các thuyền viên bị Trung Quốc bắt giam trở về

Ngày xưa người dân ở đây "khao lề thế lính Hoàng Sa", tế sống đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải ra các vùng biển Hoàng Sa và Trường Sa để tìm sản vật và giữ yên bờ cõi. Còn bây giờ, những ngư dân nơi này tìm đường mưu sinh nơi vùng biển đảo ông cha đã mất máu xương để lại thì lại bị bắt vô cớ.

Trước đó, ngày 3/3, trong lúc hành nghề lặn ở vùng biển quần đảo Hoàng Sa, 21 ngư dân Lý Sơn đi trên 2 tàu cá, gồm: tàu cá QNg-66074TS do ngư dân Trần Hiền (ở thôn Tây, xã An Vĩnh) - chủ tàu và cũng là thuyền trưởng, trên tàu có 11 ngư dân và tàu cá QNg-66101TS do ông Bùi Thu (46 tuổi) làm thuyền trưởng, trên tàu có 10 ngư dân đã bị Trung Quốc bắt giữ.

Ngay sau đó, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã lên tiếng phản đối, yêu cầu phía Trung Quốc thả ngay và vô điều kiện các ngư dân và tàu cá, chấm dứt việc bắt giữ, cản trở ngư dân Việt Nam tại các vùng biển của Việt Nam.

Nhưng mãi đến chiều 20/4, phía Trung Quốc mới thả 21 ngư dân cùng tàu cá QNg-66074TS và vẫn còn giữ tàu cá QNg-66101TS.

Bà Phạm Thị Hương - Phó Chủ tịch UNBD huyện Lý Sơn cho biết, UBND huyện Lý Sơn sẽ có văn bản kiến nghị với các cơ quan chức năng cấp trên can thiệp để phía Trung Quốc tiếp tục thả tàu cá QNg-66101TS.

Khả Di