- Hai đợt tăng giá xăng dầu liên tiếp trong tháng 3 và tháng 4 vừa qua khiến nhiều ý kiến lo ngại về việc hoạt động các doanh nghiệp vận tải sẽ gặp khó khăn chồng chất.

Từ lúc 20h ngày 20/4, theo quyết định của Liên Bộ Tài chính -Công Thương giá xăng A92 đã tăng 900 đồng/lít, giá dầu diezel tăng 500 đồng/lít, dầu hỏa tăng 600 đồng/lít và dầu ma zút tăng 400 đồng/lít.

Vận tải hành khách giữ giá

Mặc dù theo đánh giá của các chuyên gia, mức tăng lần này không cao, nhưng cùng với đợt tăng giá vào đầu tháng 3 vừa qua khi xăng A92 tăng từ 2.100 đồng lên 22.900 đồng một lít thì đây đã thực sự là áp lực tái chính lớn cần cân đối.

Trái với dự đoán của nhiều người, sau khi giá xăng tăng tiếp lần thứ 2 trong năm, các hãng taxi hoạt động vận tải hành khách tại TP.HCM cho hay họ đã cân đối được và sẽ không tăng cước lần này, trong khi đó, quá nửa các doanh nghiệp hoạt động vận tải hàng hoá đã bị “thổi bay” khỏi thị trường.

Vận tải hành khách đang giữ giá cước vận chuyển cũ sau đợt tăng giá xăng từ hồi tháng 3.

Ông Tạ Long Hỷ, Chủ tịch Hiệp hội taxi TP.HCM, Tổng giám đốc tai Vinasun cho hay, nặng nhất là vấn đề trượt giá vật tư, lãi suất ngân hàng thì sau đợt xăng tăng giá ngày 07/03, taxi Vinasun đã xin điều chỉnh tăng cước và cân đối tài chính được nên lần xăng tăng giá này sẽ không điều chỉnh cước vận chuyển.

Trước đó, hãng này đã tăng từ 1.500- 2.000 đồng/km với tùy các loại xe. Vào cùng thời điểm này, taxi Mai Linh cũng lập trình tăng cước từ 600- 1000 đồng/km với tùy từng loại xe.

Theo ông Hỷ, nếu giá xăng không tăng nữa cho đến cuối năm nay, cùng với việc lãi suất ngân hàng điều chỉnh hạ trần lãi suất thì đơn vị của ông vẫn có thể tiếp tục hoạt động với mức giá niêm yết hiện hành.

Ông Trương Quang Mẫn, Phó tổng giám đốc taxi Mai Linh cho biết: “Hãng đang xem xét và kêu gọi anh em lái xe chia sẻ cùng doanh nghiệp, cố gắng tận dụng khai thác hiệu quả hệ số km có khách. Về phía doanh nghiệp chưa có chủ trương tăng cước trong đợt này, ngoại trừ một số thị trường ở tỉnh, nếu có tăng cũng chỉ ở mức 300- 500 đồng cho 1km tương ứng với từng loại phương tiện nhằm bù đắp cho các tài xế”.

Vận tải hàng hoá lao đao

Không được bình ổn như vận tải hành khách, hiện nay vấn đề vận tải hàng hoá đang gặp nhiều khó khăn. Anh Nam, một giám đốc doanh nghiệp vận tải tại quận Gò Vấp cho hay, hiện công ty anh đã ký hợp đồng vận chuyển với đối tác ở Cần Thơ đến hết quý II năm nay.

Sau thời điểm này, xăng dầu đã qua 2 lần tăng giá nhưng mức cước vận tải của công ty anh Nam vẫn chưa điều chỉnh tăng do thoả thuận với đối tác không được.

Vận tải hàng hoá lao đao tìm cách bám trụ


Ngoài ra, việc xăng dầu tăng giá cũng khiến nhiều doanh nghiệp vận tải hàng hoá vừa vả nhỏ buộc phải chấp nhận giải thể, tuyên bố phá sản vì trên thực tế họ đã “gồng gánh” các khoản nợ đầm đìa hơn 1 năm nay kể từ thời điểm khủng hoàng kinh tế.

Hết quý I năm 2012, Sở Kế hoạch đầu tư TP.HCM cho hay đã có 1.198 doanh nghiệp bỏ trốn, mất tích. Trong số này các doanh nghiệp thuộc ngành vận tải chiếm tỷ lệ cao.

Một số ít các công ty nhỏ đã nhanh nhạy áp dụng loại hình vận tải hành khách nhưng kết hợp vận chuyển những hàng hoá nhỏ không chiếm nhiều diện tích để tăng thu. Những mặt hàng được kết hợp vận chuyển đa số là vật dụng cá nhân, quà tặng, có cả nhận chuyển tiền mặt.

Anh Phương, chủ một doanh nghiệp vận tải hoạt động tuyến TP.HCM- Đồng Nai cho hay: Trị giá mỗi lần chuyển hàng hoá nhỏ như vậy dao động từ 20.000- 100.000 đồng, tuy không lớn nhưng đã trở thành khoản tiền không thể thiếu giúp các doanh nghiệp vận tải nhỏ như công ty anh bám trụ được cho đến giờ.

“Hiện chúng tôi có 15 xe ô tô loại 7 chỗ. Mỗi lượt từ TP.HCM- Đồng Nai cũng thu được khoảng 400.000- 600.000 đồng phí chuyển hàng hoá nhỏ. Mỗi ngày chúng tôi có khoảng 70 lượt xe nên doanh thu từ loại hình này rất đáng kể. Các doanh nghiệp vận tải trong thời kỳ khủng khoảng nên chấp nhận tay chống, tay chèo chứ nếu không “chìm xuồng” ngay lập tức vì thu không đủ bù chi ”, anh Phương nói.

Quốc Quang