- Ngày 11/4, Văn phòng Chính phủ đã có phiếu chuyển thư đề ngày 13/3/2012 của ông Mai Trọng Tuấn về việc chống ùn tắc giao thông tại 2 thành phố Hà Nội và TP HCM. Phó chủ tịch Hà Nội Nguyễn Văn Khôi đã giao Sở Giao thông Vận tải nghiên cứu, đề xuất, báo cáo UBND thành phố trước ngày 15/5.

Trong văn bản đề xuất, ông Mai Trọng Tuấn cho biết, ngày 2/2 ông gửi đề xuất nhằm góp phần giảm ùn tắc giao thông lên Chính phủ, Bộ GTVT và lãnh đạo Hà Nội, TP HCM với nội dung chính “để không có xe cá nhân (xe hơi và xe máy) lưu thông trong khu vực trung tâm thành phố”. Phương án đó nếu muốn làm được phải có thời gian chuẩn bị vài năm và phải có sự đồng thuận xã hội.

Theo ông Tuấn, để có bước đi đầu tiên nhằm cụ thể hóa phương án trên cần thực hiện giải pháp 5x5. Cụ thể, thực hiện 5 giờ trong một ngày (sáng, chiều) và 5 ngày một tuần (thứ hai đến thứ sáu) không có xe hơi cá nhân lưu thông trong khu vực trung tâm thành phố.

Cấm xe máy là đánh thẳng vào đời sống người lao động


Lý giải cho việc chọn cấm ôtô thay vì xe máy, ông Tuấn cho rằng, thời điểm này cấm xe máy là đánh thẳng vào đời sống trên 95% người lao động đang sống và làm việc ở trung tâm thành phố. Phần lớn họ là người hàng ngày vẫn lưu thông bằng xe máy, kể cả đi xe ôm.


“Việc cấm xe máy sẽ khiến cuộc sống của họ bị đảo lộn, gia đình thêm khó khăn, do vậy nên thời điểm hiện tại biện pháp này không thỏa đáng”, ông Tuấn khẳng định.

Ông Tuấn giải thích, nhiều người vẫn nghĩ số lượng xe máy những năm gầy đây bùng nổ trong khi Nhà nước mở đường chưa kịp nên cho rằng xe máy là nguyên nhân chủ yếu gây ra ùn tắc giao thông. Cũng vì thế không ít người muốn hạn chế, thậm chí không cho xe máy lưu thông trong khu vực trung tâm thành phố.

Ông Tuấn lo ngạy nếu giải pháp cấm xe máy có hiệu lực cuộc sống của rất nhiều người dựa vào xe máy sẽ đảo lộn, đã khó khăn càng thêm khó khăn. Khi đó một loạt vấn đề sẽ nảy sinh như nhóm đối tượng bị cấm xe sẽ phản ứng, thậm chí không thực hiện. Đó là chưa kể đến việc định thu thêm nhiều khoản phí để hạn chế một phần người dân sử dụng phương tiện giao thông cá nhân tại thành phố. Không có lời giải cho vấn đề này một cách hợp lý và thỏa đáng thì chắc chắn sẽ gặp rất nhiều khó khăn và thậm chí không thể thực hiện được giải pháp cơ bản.

“Hiện nay không thể và chưa thể bắt buộc đa số người dân đem xe máy đi gửi để mất tiền rồi lại dùng các phương tiện khác, tốn thêm 2 đến 3 lần nữa mà không thuận tiện. Đồng thời nhà nước cũng không lo đủ chỗ cho dân gửi xe máy”, ông Tuấn nhận định.

Cấm ô tô cá nhân 5 ngày trong tuần

Do đó, ông Tuấn đưa ra ý tưởng thực hiện 5X5 (25 giờ trong tuần) như một giải pháp chống ùn tắc giao thông. Mục tiêu của giải pháp này cụ thể là: “5 giờ trong ngày (sáng và chiều) và 5 ngày trong tuần (từ thứ Hai đến thứ Sáu) không cho xe hơi cá nhân lưu thông trong khu vực trung tâm thành phố”.

Ông Tuấn, Việt Nam có hoàn cảnh cụ thể riêng, vì trong quá khứ nhiều vấn đề chúng ta cũng đã... đi ngược. Cụ thể, đường xá chưa mở được bao nhiêu, tốc độ tăng diện tích đường sá mới chỉ là cấp số cộng trong khi đó xe máy, ô tô tăng lên đột biến theo cấp số nhân. “Có nên chăng trước mắt vì lợi ích lâu dài của toàn xã hội chúng ta chấp nhận một bước đi ngược cấm ô tô trước khi cấm xe máy để tìm ra sự thuận chiều.

Để thấy sự hơn thiệt của việc cấm loại phương tiện nào thì hợp lý ông Tuấn đưa ra dẫn chứng cụ thể ở thành phố Hồ Chí Minh. Tính đến đầu năm 2012, thành phố chỉ có gần nửa triệu ô tô, còn xe máy trên 5 triệu. Tuy lượng ô tô chỉ bằng 10% xe máy nhưng diện tích chiếm mặt đường khi lưu thông là 55%, diện tích chiếm chỗ đỗ tới 65%. “Vậy trước mắt ô tô cá nhân hãy nhường đường cho xe máy 5 giờ trong 1 ngày (sáng và chiều) và 5 ngày trong 1 tuần (từ thứ 2 đến thứ 6)”, ông Tuấn nêu.

Ông Tuấn cũng lường trước những khó khăn trong cuộc sống mà người có ô tô cá nhân sẽ gặp phải nhưng ông cũng cho rằng thực tế số lượng người có ô tô cá nhân không nhiều, chỉ chiếm rất ít người lao động. Và phần lớn những người có ô tô cá nhân cũng đã từng đi xe máy và thực tế những nhà có ô tô cũng có xe máy, vẫn có phương tiện thay thế linh hoạt.

Theo ông Tuấn, người có ô tô vẫn có thể dùng xe máy trong giờ cao điểm như mọi người. Và ngoài 25 giờ cho mỗi tuần (5X5) còn lại thời gian khác họ vẫn sử dụng ô tô cho nhiều việc gia đình và những công việc khác. “Nếu có phải hi sinh một chút thói quen để nhường xe máy, chắc chắn số ít này cũng sẽ vui lòng. Nếu có ai đó phản ứng, không đồng tình thì cũng chỉ là số rất ít.

Nếu thực hiện được điều này, sau vài năm, khi thành phố tổ chức tốt mạng lưới giao thông công cộng với nhiều loại hình, phục vụ mọi người đi lại tiện lợi dễ dàng khi đó có đề xuất không có xe gắn máy trong khu vực trung tâm, chắc chắn người dân sẽ đồng thuận…”, ông Tuấn nói.

Gia Văn