- 37 năm trôi qua, sự thật về cuộc chiến miền Nam Việt Nam và chiến thắng 30/04 lịch sử vẫn tiếp tục là cảm hứng cho nhiều công dân nước ngoài trong những hành trình của họ.

Lauren (26 tuổi) và Ben (28 tuổi) là 2 công dân Anh đã thực hiện hành trình du lịch châu Á trong vòng 20 ngày. Họ chọn điểm cuối cùng là Việt Nam và có mặt ở TP.HCM ngay trước một ngày toàn quốc kỷ niệm sự kiện giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Ben và Lauren- 2 du khách người Anh đến TP.HCM 1 ngày trước đại lễ 30/04

Mặc dù biết ngày 02/09 là Quốc khánh của Việt Nam nhưng theo cách hiểu của Lauren, cô nói: “Ngày mai là lễ độc lập của các bạn. Tôi thấy băng rôn biểu ngữ khắp nơi. Sáng ngày 30/04 chúng tôi sẽ bay ra Đà Nẵng để xem bắn pháo hoa”.

Ben cho biết, anh và bạn gái Lauren đã đi Thái Lan, Campuchia sau đó đến TP.HCM với 2 mục đích: tham quan Bảo tàng chứng tích chiến tranh để tìm hiểu sự thật cuộc chiến Nam Việt Nam và đến Dinh Độc Lập chụp hình với chiếc xe tăng lịch sự mà họ đã thấy qua bức ảnh của nhiếp ảnh gia chiến trường người Pháp- Francoise Demulde.

“Cuộc chiến trước năm 1975 vượt xa mọi tượng tượng của cả 2 chúng tôi. Nạn nhân trong những tấm ảnh ở bảo tàng này (bảo tàng chứng tích chiến tranh- PV) có lẽ trở thành điều ám ảnh chúng tôi nhất trong cả hành trình”, Ben chia sẻ.

Một du khách xúc động sau khi xem những tấm ảnh về sự thật chiến tranh Việt Nam.

Với Ursi (25 tuổi) một cô gái Thuỵ Sỹ lại có sự so sánh cụ thể hơn về cuộc chiến Nam Việt Nam: “Từ quy mô cho đến sự tàn khốc mà cuộc chiến để lại với người dân các bạn, trước giờ tôi chỉ thấy trên tivi khi theo dõi thông tin của cuộc chiến tranh Irag”.

“Những nạn nhân của chất độc màu da cam do cuộc chiến Nam Việt Nam gây ra rõ ràng không có được sự công bằng cần thiết. Theo tôi biết, những binh lính Mỹ tham gia cuộc chiến Việt Nam nhiễm chất độc màu da cam đều được chính phủ Mỹ bồi thường”, Ursi nói.

Nỗi đau về các nạn nhân chất độc màu da cam ám ảnh tâm trí nhiều bạn bè thế giới.

Cô gái trẻ này cho biết, hầu hết bạn bè của cô khi tìm hiểu thông tin về cuộc chiến ở Việt Nam chỉ biết qua các sự kiện ngoại giao. Sau này khi trang Wikipedia cập nhật thông tin và một bức ảnh về cuộc thảm sát Mỹ Lai (My Lai Massacre- quân đội Mỹ lúc bấy giờ gọi thôn Mỹ Lai, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi là Pinkville) cô mới cảm nhận được ít nhiều về sự tàn khốc mà chiến
 tranh gây ra với người dân Việt Nam.

“Tôi đã có những trải nghiệm rất đau đớn khi tìm hiểu về lịch sử của đất nước các bạn. Nhưng những thông tin ấy khiến tôi khâm phục các bạn nhiều hơn”, Ursi nói.

Hình ảnh đi vào lịch sử- xe tăng 390 thuộc Lữ đoàn thiết giáp 203 húc đổ cánh cổng Dinh Độc Lập.

Cũng như Ursi, sau khi nhìn những tấm ảnh về sự kiện giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Christ (27 tuổi, quốc tịch Đức) nói: “2 ngày nay tôi đã có cảm nhận gì đó rất khác về đường phố TP.HCM qua các tấm băng rôn, biểu ngữ. Sau khi biết ý nghĩa của 30/04, tôi thật sự rất xúc động”.

Christ chỉ cho chúng tôi thấy một chàng trai người Pháp đang ngồi ở băng ghế bên ngoài phòng triển lãm. Một anh chàng người Pháp cao to ngồi khóc ngon lành sau khi xem vài tấm ảnh về hậu quả mà đạo luật 10-59 để lại ở miền Nam Việt Nam. Christ tếu táo: “May quá, tôi không khóc, vì tất cả người TP này đang vui trong ngày Độc lập, ngày giã từ chiến tranh”.

Quốc Quang