– Dù đã lường trước được cảnh “chặt chém” đến hẹn sẽ lại lên nhưng nhiều du khách vẫn không tránh được những cái bẫy trong đợt du lịch 30/4 vừa kết thúc. Không ít du khách đi du lịch về chỉ có thể thốt lên: “Đi một lần, sợ mãi mãi”!
Phòng thường, giá VIP!
Nhiều du khách ở Hà Nội
sau khi đi du lịch ở Vũng Tàu dịp 30/4 – 1/5 vừa qua đã phải chịu cảnh ở phòng
thường nhưng giá VIP, thậm chí bị lật lọng, lừa gạt.
Anh Nguyễn Long, du khách Hà Nội đến Vũng Tàu và đặt phòng ở khách sạn P.N., gần
Trung tâm thương mại Vũng Tàu bức xúc cho biết: Phòng ốc ở đây bình thường,
không hai sao hay ba sao gì cả nhưng giá đẩy lên đến 1,3-1,5 triệu đồng/phòng
(trong khi giá niêm yết từ 350 đến 500 ngàn đồng).
Du khách đổ về Vũng Tàu nghỉ ngơi dịp 30/4 đã không khỏi thất vọng vì chuyện chặt chém diễn ra tràn lan (Ảnh chụp bãi biển ở Vũng Tàu. Ảnh minh họa: dulichgo) |
Chưa hết, khi đặt phòng anh
được khách sạn báo giá 600 ngàn đồng, song khi đến nhận phòng thì giá đã là 1,3
triệu (phòng 3 giường). Chủ khách sạn giải thích: “Hôm em đặt chị quên không ghi
lại, chị xin lỗi”(!?) làm cả gia đình anh không còn cách nào khác là nhắm mắt
thuê phòng vì lúc này toàn bộ các khách sạn trong thành phố đã đầy ắp.
Điều bức xúc hơn nữa là thuê phòng giá đắt nhưng cả nhà anh Long đã phải nghỉ
trong căn phòng ẩm mốc, chăn chiếu có mùi hôi, nước nôi tắc tịt!
Tình trạng tự ý nâng giá phòng nghỉ lên cao gấp đôi, gấp 3, thậm chí gấp 5 gấp 6
lần so với thông thường không chỉ xảy ra ở Vũng Tàu mà hầu như xảy ra ở nhiều
địa điểm du lịch nổi tiếng trên cả nước.
Nhiều du khách bốn phương đang háo hức với Lễ hội Carnaval Hạ Long (Quảng Ninh)
đã lập tức “mất hứng” khi nghe chủ các khách sạn “hét” giá phòng nghỉ tại đây,
bởi chúng được đẩy lên cao gấp 5, gấp 6 lần so với giá niêm yết.
Trước khi đến kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5, Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) đã
có công văn gửi Chi cục quản lý thị trường các địa phương thuộc Trung ương yêu
cầu tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc tuân thủ pháp luật trong hoạt động
thương mại, đặc biệt trong lĩnh vực giá và đội quản lý thị trường của các địa
phương cũng được thành lập.
Theo quy định, những cơ sở bị phát hiện thu tiền không đúng giá niêm yết sẽ bị
xử phạt nhưng những việc làm này dường như không mang lại hiệu quả, tình trạng
“chặt chém” vẫn không ngừng diễn ra.
Chặt chém đồ ăn, nước uống: Không thương tiếc
Sau chuyện “chặt chém” phòng nghỉ là đến chuyện “chặt chém” dịch vụ ăn uống, gửi
xe, thuê ghế, vv …
Chị Nguyễn Hoài An (Cầu Giấy, Hà Nội) bức xúc thuật lại: “Ở Vũng Tàu, tôi đã
phải mua 35 ngàn đồng một chai nước lọc loại nhỏ, trong khách sạn không có nước
uống. Mua một đĩa cơm trắng cũng mất 40 ngàn đồng, ăn một bữa bình dân (không
hải sản) chỉ có hai người mà mất tới mấy trăm ngàn. Mua 4kg hải sản mang về cân
lại chỉ còn ngót nghét 3kg. Chắc phải 10 năm nữa tôi cũng không dám quay lại
thành phố du lịch này”.
Lễ hội Carnaval Hạ Long 2012 đã thu hút rất nhiều du khách nhưng chuyện chặt chém không thương tiếc đã khiến ấn tượng của họ về thành phố biển nổi tiếng này không còn tốt đẹp (Ảnh: VietNamNet) |
Tại TP Hạ Long, giá hải sản
cũng bị đẩy lên cao gấp đôi bình thường: Mực tươi 400-500 ngàn đồng/kg, tu hài
500-600 ngàn đồng/kg, ghẹ có giá tới gần 1 triệu/kg khiến nhiều du khách chóng
mặt.
Đi Hạ Long về, một du khách vội vã lên một diễn đàn trực tuyến lớn, vào mục
“Điểm đen du lịch” để chia sẻ: “Từ giờ ngày nghỉ ở nhà cho khỏe nhé, tôi đi Hạ
Long ăn cơm trưa bình dân mất 200 ngàn đồng, lại bị phục vụ quán nhiếc móc không
tiếc lời. Bữa nào muốn ăn hải sản phải thủ sẵn 2-3 triệu trong túi. Nói chung
quá tốn kém mà chỉ toàn mua cái bực vào người. Một bài học đắt giá”.
Tại TP Hạ Long, ngay cả người dân ở gần cũng sốc vì những chiêu “chặt chém” của
đồng hương. Nhà ngoại của chị Hà cách TP Hạ Long 5km. Dịp nghỉ lễ 30/4, chị đưa
cả gia đình về quê ngoại chơi và ra bãi biển tắm. Khi gửi xe, chị bị “hét” 30
ngàn đồng/chiếc/tiếng.
“Khi hỏi sao đắt vậy, cậu trông xe khoát tay và cười rất tươi, trả lời tôi rằng:
“Chị đi xe biển số 14 nên em lấy 30 ngàn đấy, biển ngoại tỉnh em thu 50 ngàn
đồng”. Cả nhà tôi chỉ biết ngơ ngác nhìn nhau rồi nhắm mắt gửi để xuống tắm”,
chị Hà thuật lại.
Điểm sáng hiếm hoi Một trong những “điểm sáng” hiếm hoi khiến du khách tỏ ra hài lòng là địa danh Đà Nẵng – Hội An. Nhiều du khách trở về từ địa danh du lịch này đã bày tỏ niềm tiếc nuối và mong muốn được trở lại trong những lần sau. “Con người hiền hòa, giá dịch vụ tăng rất nhẹ (không đáng kể, mỗi món chỉ thêm 5-10 ngàn đồng). Tôi bỏ ra 100 ngàn đồng mà ăn một đĩa hàu đầy, lại được phục vụ tận tình, chu đáo. Đi du lịch Đà Nẵng – Hội An 3 ngày 4 đêm mà tôi thấy ngắn quá, về lại Sài Gòn rồi mà vẫn còn nấn ná”, độc giả Nguyễn Huệ bày tỏ. Chứng kiến cảnh du khách đi du lịch trong nước bị chặt chém, thành viên cunconcuame trên diễn đàn webtretho tỏ ra thông cảm và thở dài ngao ngán: “Đã bảo mọi người rồi, đi du lịch trong nước rất sợ, họ mài dao cả năm chỉ để chém vài ngày. Nếu đi trong nước nên chọn địa điểm tốt (như Đà Nẵng, Hội An chẳng hạn), nếu không hãy sang nước bạn để được đối xử đúng như một du khách”. |
N.Anh