- Rất nhiều dấu hiệu “bất thường” trong hồ sơ lô hàng 6,01 m3 gỗ trắc vừa được các cơ quan chức năng ở Hà Tĩnh thả đi. Với việc kiểm tra nhanh chóng, không biết người vận chuyển, không cần hồ sơ gốc, không cần lý lịch, làm sao có thể kiểm soát được gỗ nhập lậu?

Những dấu hiệu

Liên quan đến chiếc xe tải mang BKS 37C – 01559 chở 6,01 m3 gỗ trắc đẽo bị Phòng CSMT và Công an huyện Hương Sơn kiểm tra rồi giải phóng trong ngày 27/4, trong hồ sơ mà chủ lô hàng này đưa ra để chứng minh với các cơ quan chức năng là “hợp pháp”, có nhiều nghi vấn.

Trước khi bị lực lượng công an kiểm tra thì số hàng trên cũng đã được Chi cục Hải quan Cửa khẩu kinh tế Cầu Treo kiểm tra.

Khi bị hải quan kiểm tra, người điều khiển chiếc xe chở gỗ đã trình ra một bộ hồ sơ đã phô tô (không có bản gốc) gỗ nhập khẩu. Và sau khi kiểm tra khoảng 5 phút, chiếc xe đã được đi tiếp vào nội địa vì “không vấn đề gì”.

Trạm kiểm soát nội địa liên ngành Khu kinh tế cửa khẩu Cầu Treo, nơi chiếc xe tải chở 6,01 m3 gỗ trắc đã được kiểm tra nhưng “không có vấn đề gì”.

Hồ sơ số gỗ này bắt đầu từ Hợp đồng kinh tế số 03 ngày 01/02/2011 giữa Cty Đầu tư hợp tác KT XNK Khăm Muộn (Lào) với Cty TNHH Một thành viên Anh Pháp Việt, do bà Nguyễn Thị Hoan làm giám đốc đại diện.

Hàng hoá nhập khẩu chủ yếu là các loại gỗ quý hiếm (Trắc, Mun, Hương, Cẩm Lai), có tổng trọng lượng 7,000m3 với tổng trị giá hơn 9 triệu đô la Mỹ. Thế nhưng không hiểu sao trong hợp đồng này chỉ ghi tổng trọng lượng là 6,000 m3, thiếu mất 1000m3 (?!)

Bản hợp đồng kinh tế trên đã hết hạn vào ngày 31/12/2011.

Đến ngày 17/3/2011, căn cứ bản hợp đồng trên, bà Nguyễn Thị Hoan, Giám đốc DN Anh Pháp Việt đã mở tờ khai hải quan tại Chi cục HQ Cửa khẩu Cha Lo (Quảng Bình) với 9,64m3 gỗ trắc đẽo với số tiền thuế đã nộp là gần 26 triệu đồng.

Ngoài ra còn có bản kiểm dịch thực vật do Trạm kiểm dịch thực vật Cha Lo chứng nhận: 9,64m3 gỗ trắc đẽo chưa phát hiện thấy đối tượng kiểm dịch thực vật của Việt Nam. Cuối văn bản có ghi chú: Nghiêm cấm việc chở hàng đến địa điểm khác nếu không được phép của cơ quan kiểm dịch thực vật.

Thế nhưng, không hiểu vì sao, với bộ hồ sơ đã được lập hơn 1 năm trước, lô hàng trên lại có mặt tại Khu kinh tế Cầu Treo, và khi trên đường vào nội địa thì cũng đã được 3 cơ quan kiểm tra, nhưng “không phát hiện được gì”.

Trong tờ khai thì ghi là 9,64 m3, nhưng thực tế trên xe lúc kiểm tra chỉ có 6,01 m3 gỗ trắc (tương đương khoảng 9 tấn). Và số hàng này có mặt tại Khu kinh tế Cầu Treo lúc nào chẳng cơ quan nào biết, và tại sao lại xuất hiện ở đây?

Lỗ hổng bị lợi dụng?

Dư luận đặt ra nhiều nghi vấn bởi, ngoài việc hồ sơ chỉ là bản phô tô, không có công chứng thì không có bất kỳ một giấy tờ nào khác ghi lại lý lịch của số hàng này. Và khi đi vào Khu kinh tế Cầu Treo thì đã không báo với hải quan.

Theo thông tin từ Ban Quản lý KKT Cửa khẩu Cầu Treo thì Cty Anh Pháp Việt không có đăng ký kinh doanh tại đây và cũng không có kho hàng. Và không có hồ sơ chứng minh việc có giao dịch buôn bán tại khu kinh tế này và hồ sơ kiểm lâm.

Chúng tôi đã có buổi làm việc với ông Đinh Văn Hoà, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan KKT Cầu Treo để rõ hơn thông tin.

Ông Hoà cho biết, chiếc xe này khi vào KKT thì không khai báo bởi luật không quy định phải khai báo do hàng hoá đã được mở tờ khai, được phép đi trong nội địa. Tuy nhiên, theo chúng tôi được biết, khu kinh tế này không phải là nội địa.
 

Tờ khai hải quan do bà Hoan mở tại cưa khẩu Cha Lo cách đây hơn 1 năm. Đến cuối tháng 4, hơn 6m3 (trong tờ khai là 9,64m3) gỗ trắc đã xuất hiện ở Khu kinh tế Cầu Treo, và nhiều thông tin không rõ ràng.

Số hàng trên đi qua Trạm kiểm soát HQ lúc 2h30p ngày 27/4, sau khi kiểm tra hồ sơ và hàng hoá thì lực lượng HQ đã cho đi vì “hợp pháp”.

Đem những nghi vấn trong hồ sơ hỏi thì ông Hoà cho biết: Đây chỉ là lô hàng trong tổng số 7,000m3 gỗ nhập khẩu đã có hợp đồng kinh tế. Do quy định không bắt buộc doanh nghiệp phải xuất trình hồ sơ gốc nên không thể yêu cầu trình hồ sơ gốc. Còn số lượng ít hơn trong hồ sơ thì là “chuyện bình thường, nhiều hơn mới có vấn đề”.

“Chỉ cần bộ hồ sơ đó là DN có thể đưa hàng đi trong nội địa Việt Nam, pháp luật không quy định phải có hồ sơ lý lịch kèm theo nên DN không xuất trình và chúng tôi cũng không đòi hỏi do không nghi ngờ gì”.

“Những điểm trên là khe hở để các DN lợi dụng, dùng hồ sơ thật để vận chuyển gỗ bất hợp pháp cùng chủng loại để qua mặt các cơ quan chức năng. Chúng tôi đã có kiến nghị bắt buộc phải có hồ sơ gốc khi kiểm tra nhưng chưa được chấp thuận”, ông Hoà nói.

Chủ hàng “giấu mặt”?

Được biết, khi qua Trạm hải quan Khu kinh tế, chiếc xe chở gỗ trắc trên đã bị lực lượng Cảnh sát môi trường và Công an huyện Hương Sơn chặn lại kiểm tra. Sau khi kiểm tra hồ sơ, hàng hoá và làm việc với Chi cục HQ KKT thì đã thả chiếc xe trên đi.

Thông tin đáng chú ý hơn là, trong hồ sơ của các cơ quan chức năng liên quan đến số gỗ trắc quý hiếm này không hề xuất hiện danh tính lái xe cũng như chủ phương tiện.

Ông Lê Hải, cán bộ hải quan Khu kinh tế, là trưởng ca trực khi kiểm tra xe tải 37C – 01559 cho biết, do hàng không mở tờ khai ở đây nên sau khi kiểm tra hồ sơ, hàng hoá khoảng 5-7 phút thì cho xe tiếp tục đi.

Ngoài thông tin bà Nguyễn Thị Hoan là chủ toàn bộ số hàng trên ghi trong hồ sơ thì tuyệt nhiên không có người nào đứng ra là chủ vận chuyển số hàng trên và danh tính lái xe, cơ quan hải quan cũng “không biết”.

Chúng tôi đã liên lạc trực tiếp với bà Nguyễn Thị Hoan, GĐ Cty Anh Pháp Việt. Bà Hoan cho biết, số hàng trên đứng tên bà trong hồ sơ, nhưng thực tế thì không phải bà là chủ của 6,01m3 gỗ trắc.
 

Toàn bộ số hồ sơ mà chủ phương tiện chở gỗ trắc xuất trình với lực lượng hải quan, không có thêm bất kỳ một hồ sơ nào kể từ sau ngày 17/3/2011. Và với việc kiểm tra nhanh chóng, không biết người vận chuyển, không cần hồ sơ gốc, không cần lý lịch, làm sao có thể kiểm soát được gỗ nhập lậu?

Bà Hoan tiếp tục thông tin, đã bán gỗ đó cho một doanh nghiệp ở Khu kinh tế Cửa khẩu Cầu Treo. Tuy nhiên, khi chúng tôi hỏi đến hồ sơ (hoá đơn chứng từ) mua bán giữa hai DN không có trong bộ hồ sơ mà chủ phương tiện xuất trình thì bà lại nói rằng bà “không biết”.

Chủ lô hàng trên thực sự là ai? Nếu là hợp pháp (theo như các cơ quan chức năng khi thả đi) thì tại sao lại không có lý lịch số gỗ, hồ sơ mua bán (nếu có), dấu búa kiểm lâm, giấy tờ xuất kho trong hơn 1 năm trời, kể từ khi mở tờ khai.

Một người am hiểu giới buôn gỗ cho biết, lợi dụng khe hở của quy định pháp luật, nhiều người đã dùng hồ sơ hợp pháp của một doanh nghiệp để buôn gỗ bất hợp pháp. Với việc chủ hàng “không cần biết”, chỉ cần có hồ sơ phô tô và không có lý lịch kèm theo, nếu lâm tặc dùng hồ sơ đó vận chuyển gỗ trắc cùng chủng loại bất hợp pháp thì sao?

Để rõ hơn vấn đề, trong hai ngày qua chúng tôi đã liên lạc nhiều lần với ông Thành - Trưởng phòng CSMT – Công an Hà Tĩnh qua số điện thoại 0913... 305 để hẹn làm việc, thế nhưng đến nay vẫn chưa nhận được phản hồi từ ông Thành.

Phan Sông La - Trần Văn