- Thời gian này, thông tin về Phí hạn chế xe cá nhân (PHCXCN) xuất hiện dày đặc trên các mặt báo và về cơ bản là người dân đang phản đối nó. Tuy vậy, cần có cách nhìn khách quan hơn về khoản phí đang gây tranh cãi này.

Nhu cầu cấp thiết về nâng cấp cơ sở hạ tầng

Hạ tầng giao thông tại Việt Nam đang rất kém và cần phải nâng cấp, làm mới nhiều công trình, để đáp ứng mục tiêu của Đảng và Nhà nước là đến năm 2020 Việt Nam cơ bản thành một nước công nghiệp phát triển.

Khi có một hạ tầng tốt, sẽ thu hút được đầu tư nước ngoài, hàng hóa sản xuất ra được lưu chuyển dễ dàng, thuận lợi.

Hơn nữa, quá trình xây dựng những công trình hạ tầng này còn góp phần không nhỏ trong việc tạo công ăn việc làm cho hàng vạn người, kể cả các nghành phụ trợ như sản xuất thép, xi măng...và đặc biệt góp phần tăng tốc độ phát triển GDP của đất nước.

"Nếu tất cả người dân đồng lòng với đồ án, chắc chắn rằng, trước mắt, mỗi người dân sẽ ít nhiều bị ảnh hưởng, nhưng về lâu dài, nền kinh tế của đất nước sẽ phát triển bền vững, các thế hệ con cháu sẽ không phải trả những món nợ khổng lồ mà thế hệ trước đã phải đi vay với lãi suất thực tế rất cao".

Khi có hạ tầng tốt, không chỉ góp phần phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, sự thuận tiện cho vùng và dự án đi qua, ngành vận tải đa phương thức (Logistic) ở Việt Nam, vốn đang rất sơ khai, sẽ được phát triển mạnh mẽ, tạo ra được nhiều công ăn việc làm cho xã hội.

Nên nhớ rằng, Việt Nam đã gia nhập WTO, việc trở thành một đầu mối cho hàng hóa các nước trung chuyển qua Việt Nam sẽ mang lại một lợi ích kinh tế rất lớn.

Trong khi nước Lào không có cảng biển, hầu hết hàng hóa của Lào xuất, nhập qua đường biển đều phải quá cảnh qua các cảng của Việt Nam và Thái Lan, với lợi thế về đặc điểm địa lý, các cảng biển ở khu vực miền trung Việt Nam sẽ phát huy tối đa công suất, kèm theo đó là dịch vụ vận chuyển đường bộ, phí thông quan... cũng sẽ mang lại một lợi ích rất lớn cho Việt Nam, khi hạ tầng giao thông được đầu tư đầy đủ, phát triển hơn nước láng giềng là Thái Lan.

Các nghành nghề liên quan đến du lịch, phát triển bền vững...cũng sẽ được hưởng lợi nếu đất nước có một hạ tầng tốt.

Ngoài ra, điều cực kỳ quan trọng là, nếu Việt Nam có một hệ thống đường bộ cao tốc, tai nạn giao thông sẽ giảm đi đáng kể.

Tính minh bạch: Mấu chốt của thành công

Để cho nhân dân đồng tình với chủ trương đề ra, quan trong nhất, Bộ GTVT phải thuyết minh cho bằng được về nội dung sử dụng khoản tiền này như thế nào cho minh bạch.

Bộ trưởng cần phải quyết liệt xử lý các vấn đề còn nổi cộm của ngành như chậm tiến độ, lãng phí, đầu tư dàn trải, tham ô, tham nhũng, và đặc biệt là chất lượng công trình kém.

Dư luận cũng thấy là Bộ GTVT đã có những chương trình hành động cụ thể về việc chấn chỉnh cách điều hành, quản lý... để đảm bảo các mục tiêu về chất lượng, tiến độ công trình trong thời gian vừa qua, như chương trình lấy năm 2012 là năm chất lượng công trình, chỉ đạo rốt ráo tiến độ các công trình trọng điểm.

Do đó, nếu đề án này được trình muộn hơn thời điểm hiện tại khoảng 1 năm, sau khi đã giải quyết được cơ bản các vấn đề nêu trên, đồng thời tập trung nghiên cứu kỹ các giải pháp, phân tích trên cơ sở các dữ liệu khoa học... thì chắc rằng, nhân dân sẽ dễ dàng chấp nhận hơn.

Trong điều kiện kinh tế đang bắt đầu khó khăn, Chính phủ cũng đang quyết liệt đặt mối quan tâm, đảm bảo an sinh xã hội, thì mức thu, đối tượng thu và thời điểm thu có thể sẽ phải điều chỉnh.

Nhất thiết phải công khai các dự án cần phải đầu tư, công khai qui hoạch và đặc biệt là phải biết thừa nhận những sai sót, yếu kém trong quá khứ (đầu tư đường Hồ chí Minh không mang lại hiệu quả cao như trong đồ án là một ví dụ), để có thể sử dụng những đồng tiền đóng góp của dân thật hiệu quả.

Việc xã hội hóa các nguồn vốn để đầu tư công, trong đó, thu phí cũng là một nguồn thu mà các nước trên thế giới đã áp dụng. Chỉ có điều, cách thu, phương thức thu ở mỗi nước có khác nhau (trong khi thuế VAT ở Việt nam là 10% thì tại Pháp là 22%, tại rất nhiều bang của Mỹ là 20%...).

Nếu tất cả người dân đồng lòng với đồ án, chắc chắn rằng, trước mắt, mỗi người dân sẽ ít nhiều bị ảnh hưởng, nhưng về lâu dài, nền kinh tế của đất nước sẽ phát triển bền vững, các thế hệ con cháu sẽ không phải trả những món nợ khổng lồ mà thế hệ trước đã phải đi vay với lãi suất thực tế rất cao.

TS Hồ Tuấn Sỹ