- Giảm ùn tắc giao thông, giảm diện tích xe đỗ trên mặt đường, tiết kiệm tiền bạc, nhiên liệu,… là mục tiêu mà các website đi chung xe, chung đường đang thực hiện.
Đăng ký chỗ trên mạng
Nguyễn Gia Hải, sinh viên năm 3, trường Đại học Bách Khoa, Hà Nội đang đứng chờ bạn. Khoảng chừng 10 phút, sau hai cuộc điện thoại, một người đàn ông đi xe ô tô 4 chỗ đến đón Hải.
Hai người gặp mặt, bắt tay và trao đổi chứng minh thư để kiểm định. Xác định đúng người muốn đi nhờ, chủ xe đưa Hải và bạn lên xe về Thái Bình. Đây là một việc làm đang diễn ra của một số thành viên trong diễn đàn đi chung xe.
Giao diện website dichungxe |
Anh Dương Đình Chinh, người sáng lập website dichungxe cho hay, mô hình đi chung xe, chung đường đã có ở rất nhiều nước.
Anh nói: 'Khi còn đang học ở Đức, tôi cũng đã dùng dịch vụ này. Khi về Việt Nam, thấy tình trạng tắc đường do phương tiện đi lại nhiều, tôi nghĩ là sẽ làm một trang mạng để mọi người có thể vào trao đổi việc đi lại".
Và anh Chinh tự bỏ tiền, bỏ công sức ra để xây dựng lên website phục vụ cộng đồng.
Theo anh Chinh, nếu là thành viên của dichungxe, bạn sẽ đăng chuyến đi của mình, số ghế còn trống và mức giá người đi cùng sẽ phải trả. Các thành viên khác khi tìm được lộ trình cùng đi sẽ tự động gọi điện thoại, trao đổi thông tin và thỏa thuận với nhau. Website chỉ là cầu nối cho những người có xe và những người cần xe.
Ngoài dichungxe, hiện nay một trang website cũng với ý tưởng mong muốn góp phần chống ùn tắc giao thông của một số bạn trẻ đang được ra đời.
Đó là web dichung. Anh Nguyễn Minh Quang, đại diện website chia sẻ: lập ra trang website này, bọn mình mong muốn đây là nơi chia sẻ chỗ trống trên phương tiện để mọi người có thể đi cùng nhau. Việc đi này vừa tiết kiệm được nhiên liệu, vừa góp phần tránh tắc đường.
“Mọi người sẽ đăng chuyến đi của mình lên trên website. Hệ thống sẽ tính toán hết các chi phí trung bình cho chỗ trống tùy theo từng loại phương tiện. Hai bên muốn cho nhau đi cùng có thể tự tính toán số tiền phù hợp để đi nhờ.
Bọn mình mong muốn các bạn trẻ có những hiểu biết, có khoảng thời gian và kinh nghiệm sử dụng internet; xe ôm, xe khách… cùng đăng tin thông báo, đặt chỗ để đi đường một cách thuận lợi nhất mà không mất nhiều phương tiện. Mạng cộng đồng dichung là hoạt động phi lợi nhuận của chúng tôi”, Quang khẳng định.
Nhiều ưu điểm
“Những người có xe, tìm người đi cùng để bớt được vé cầu đường hoặc vài lít xăng. Những người đi cùng sẽ được đi xe thoải mái, giá thành chỉ ngang với đi xe khách. Về lâu dài, việc thực hiện đi chung xe sẽ góp phần giảm khí thải, giảm xăng dầu và diện tích chiếm dụng lòng đường của các phương tiện. Nếu tiếp tục có chung những lộ trình tiếp theo thì mọi người có thể trở thành bạn bè”, anh Chinh cho hay.
Còn sinh viên Nguyễn Gia Hải cho biết đã tham gia thành viên của website dichungxe từ hai tháng nay. Trong quá trình tham gia trên diễn đàn, Hải tìm thấy có một số người đi xe riêng từ Hà Nội về Thái Bình nên đã liên lạc để đi chung xe.
“Từ hồi đi học, mỗi lần bắt xe khách về quê rất chật chội, đông đúc. Nhờ có diễn đàn này, em đã đi về quê được 2 lần bằng việc đi chung xe, giá cả ngang hoặc thấp hơn giá đi xe khách nhưng thoải mái hơn rất nhiều”, Hải tâm sự.
Cũng theo anh Quang, việc đi chung xe sẽ tiết kiệm chi phí rất nhiều. Cụ thể, nếu đi chung bằng xe máy từ đoạn Bà Triệu về Thái Thịnh (Hà Nội), người đi cùng chỉ mất khoảng 10.000 đồng trong khi đó nếu đi xe ôm số tiền sẽ gấp 3 – 4 lần, còn taxi thì gấp đến 7 – 8 lần. Lựa chọn cách đi lại này rẻ hơn so với cách đi truyền thống rất nhiều.
Để đảm bảo an toàn, thông suốt cho chuyến đi chung, hầu hết các website này đều yêu cầu thành viên phải chèn ảnh, scan chứng minh thư hoặc số thẻ sinh viên, bằng lái xe để kiểm định sự chân thực, đúng pháp luật.
“Việc xác nhận thông tin là cần thiết để chuyến đi được thông suốt, an toàn. Những thông tin đăng trên web sẽ tự động đưa lên tài khoản facebook để bạn bè cũng có thể đi cùng”, anh Quang nhấn mạnh.
“Ngày nào đi ra đường cũng thấy tắc đường và rất nhiều phương tiện đi lại trên đường còn chỗ trống. Hi vọng đến một lúc nào đó, đường phố sẽ giảm tắc bởi mọi người có thói quen đi chung xe”, Quang tâm sự.
Châu Giang