- Thông tin mới nhất từ phía cơ quan chức năng cho rằng mặt đường Đại lộ Đông Tây- một công trình có vốn đầu tư 13.400 tỷ đồng đã không đạt chuẩn.
Hội đồng nghiệm thu nhà nước vừa làm việc với các đơn vị gồm: Sở GTVT TP.HCM, Ban Quản lý Đầu tư xây dựng công trình giao thông đô thị thành phố, đơn vị tư vấn giám sát Oriental Consultants và đoàn chuyên gia cầu đường cảng để tìm ra các nguyên nhân dẫn đến tình trạng sụt lún, trồi nhựa trên Đại lộ Đông Tây.
Đã rõ nguyên nhân sụt lún
Sau nhiều ý kiến phản biện, Sở GTVT, đoàn chuyên gia cầu đường, BQL và đơn vị tư vấn đã thống nhất 3 nguyên nhân dẫn đến tình trạng lún sụt, trồi nhựa trên tuyến Đại lộ Đông Tây.
Nguyên nhân đầu tiên được cho là cấp phối đá ở mặt đường chưa đạt chuẩn. Khi đưa vào sử dụng gặp xe tải trọng nặng, quá tải thì bị lún. Mặt khác, theo quy định chỉ cho phép chở 12 tấn một trục nhưng trên thực tế các xe container có thể chở gấp 3 lần, tức là 36 tấn một trục. Nếu 3 trục có thể đến hàng trăm tấn.
Lớp cấp phối đá mặt đường Đại lộ Đông Tây chưa đạt chuẩn.
“Với tình trạng xe quá tải như thế, giả dụ có thay vào mặt đường kim cương thì cũng vỡ chứ đừng nói là bê tông nhựa nóng. Cho nên sắp tới phải có biện pháp hạn chế tải trọng. Khi tải trọng lớn, lại lặp lại nhiều lần thì sẽ xảy ra hiện tượng trùng phục. Bằng chứng là tình trạng lún, trồi nhựa ở vị trí bánh xe tải nặng”, ông Hà Ngọc Trường, Phó chủ tịch Hội cầu đường cảng nhận định.
Một lý do nữa mà đoàn chuyên gia xác định dẫn đến tình trạng lún đường là do thời lượng đèn tín hiệu giao thông chênh lệch quá nhiều. Đèn đỏ phía Lương Đình Của đến 80 giây, dẫn đến việc các container khi dừng lại và xuất phát thì lực tải trọng động lớn nhất, có sức phá hoại mặt đường lớn nhất. Vấn đề này có thể khắc phục được.
Tuy nhiên, khi đề cập đến vấn đề kiểm soát xe quá tải, không ít chuyên gia giao thông cho rằng, với tình hình kinh tế hiện nay, nếu container, xe tải chở đúng tải trọng thì các doanh nghiệp vận tải chỉ có nước… phá sản vì thu không đủ bù chi.
Tư vấn độc lập vào cuộc
Trước khi làm việc với Hội đồng nghiệm thu nhà nước, đoàn chuyên gia cầu đường tại TP.HCM đã kiến nghị với UBND TP.HCM cho phép Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng thành phố (BQL) thuê 1 đơn vị tư vấn độc lập.
Ngay sau đó BQL đã thống nhất giao cho Viện khoa học kỹ thuật giao thông đô thị (thuộc Bộ xây dựng) vào cuộc từ tháng 3/2012 đến nay. Đơn vị tư vấn độc lập này đã hẹn với thành phố sẽ trình báo cáo cuối cùng vào đầu tháng 6/2012.
Xe quá tải là một trong những nguyên nhân khiến tuyến đường nghìn tỷ trở nên thê thảm ngay sau khi đưa vào sử dụng.
Vào thời điểm nhà thầu Obayashi tiếp tục tiến hành cắt bỏ các khu vực trồi nhựa và thảm bù nhựa vào các khu vực bị lún thành rãnh sâu, đơn vị tư vấn độc lập đã khoan hơn 40 lỗ sâu khoảng 30 mét trong phạm vi 300 mét đường hư hỏng.
Đây được cho là một tỷ lệ khá dày nhằm xem xét nền móng của Đại lộ Đông Tây có đạt tiêu chuẩn hay không. Cho đến thời điểm hiện tại, phía tư vấn độc lập cho rằng nền móng của tuyến đường không phải nguyên nhân gây sụt lún.
Như VietNamNet đã thông tin Đại lộ Đông Tây đoạn từ đường Đồng Văn Cống (trước là Liên tỉnh lộ 25B) đến nút giao Cát Lái được đưa vào sử dụng từ tháng 08/2010. Tuy nhiên, không lâu sau đã xảy ra hiện tượng lún và trồi nhựa vô cùng thê thảm. Sau gần 2 năm cùng 3 lần được sửa chữa, tình trạng này vẫn không hề biến chuyển khả quan.
Quốc Quang