- Hơn 5 năm trời ấp ủ khát vọng một chuyến ra Hoàng Sa. Đó là khoảng thời gian quá dài đối với người làm báo. Cuối cùng khát vọng ấy đã thành hiện thực khi tôi nhận được lệnh của lãnh đạo cơ quan: Bằng mọi cách phải ra Hoàng Sa.

Chỉ sau hơn 3 tháng chuẩn bị cho một chuyến đi sinh tử mà nhiều đồng nghiệp cũng như người thân bảo rằng tôi là thằng khùng nhất mà họ biết…

Bắt đầu từ khi chứng kiến thảm nạn Chan Chu hồi năm 2006, với những câu chuyện kể hãi hùng của những ngư dân may mắn sống sót trở về, vùng biển Hoàng Sa là nơi hiểm nguy nhất mà tôi may mắn nghe được sau những tháng ngày ăn ngủ nơi những làng chài ven biển miền Trung…

Hơn 5 năm, tìm đường ra Hoàng Sa

Nơi đó là những hiểm họa chực chờ đổ ập xuống đầu ngư dân. Những bất trắc rập rình từ bão tố, từ những con tàu màu xám mang số hiệu kiểm ngư nước ngoài bất ngờ xuất hiện. Số phận ngư dân trên những con tàu nhỏ bé được định đoạt bằng những trận đòn, với những tháng ngày cầm giữ.

Nhưng nỗi hãi hùng và ám ảnh nhất của ngư dân là trắng tay, vì bị thu giữ tàu đòi tiền chuộc hàng trăm triệu đồng khi bị những kẻ bất lương trên đảo Hoàng Sa vô cớ bắt giữ.

Vùng biển Hoàng Sa thiêng liêng của Tổ quốc đã làm tôi nhiều đêm suy nghĩ và khát khao một lần được đặt chân đến. Bởi đó là vùng đất thiêng của Tổ quốc, mà máu, mồ hôi của bao lớp cha ông đã đổ xuống để bảo vệ.

Đã hơn 36 năm, những con dân đất Việt mưu sinh trên vùng đất của Tổ quốc vẫn bị đe dọa mạng sống hàng ngày. Điều đó càng thôi thúc tôi ra với Hoàng Sa.

Để hiểu thêm về Hoàng Sa, tôi đã âm thầm tìm đọc các tài liệu liên quan về vùng biển đảo này và khát vọng một chuyến ra Hoàng Sa cùng ngư dân để tận mắt chứng kiến vùng đất thiêng của Tổ quốc.

Ngư dân là những cột mốc sống chủ quyền nơi biển đảo Hoàng Sa đang ngày đêm đối mặt với bao hiểm nguy rập rình. Dù trước mắt họ lơ lửng những tai ương, nhưng vẫn không làm họ chùn bước.

Nhưng để ra được Hoàng Sa không đơn giản với những người làm báo.

Quyết định từ “tổng hành dinh”

Khao khát ra Hoàng Sa cháy bỏng trong tôi hơn 4 năm trước cho đến một ngày cuối năm 2009, khi Tổng Biên tập vào Hội An, Quảng Nam và gọi tôi đến.

Trong buổi chiều cuối năm, tôi và anh cùng ngồi nơi bờ biển Cửa Đại nhìn mông lung ra biển. Bất ngờ anh bảo phía biển xa là đảo Cù Lao Chàm, và xa hơn nữa hàng trăm hải lý là đảo Hoàng Sa. Anh hỏi tôi có đủ can đảm để ra Hoàng Sa hay không.

Buổi chiều ấy anh nhắc lại chương trình công tác năm 2010 tôi đã đăng ký với tòa soạn và đã được chỉ đạo. Đó là năm tôi được cơ quan phân công tổ chức các tuyến bài tuyên truyền về biển đông và Hoàng Sa là chương trình phải được đề cập đậm xuyên suốt.

Tôi nhận nhiệm vụ giao từ Tổng Biên tập với quyết định: Phóng viên VietNamNet phải có mặt tại Hoàng Sa!

Chuyến ra Hoàng Sa đã được tôi hoạch định vào ngay đầu năm 2010 và báo cáo “tổng hành dinh”. Ngay lập tức được chấp nhận. Mọi công tác chuẩn bị cũng như kế hoạch đi được trao đổi và xin ý kiến trực tiếp từ Tổng biên tập hoặc Phó Tổng biên tập.

Để chuẩn bị cho chuyến đi sinh tử này, tôi không còn nhiều thời gian. Bởi thời gian được chọn là vào tháng 3/2010. Đây là thời điểm thích hợp nhất do thời tiết thuận lợi và biển không có sóng gió bất ngờ. Kế hoạch đã được phê duyệt.

Khó khăn nhất trong chuyến ra Hoàng Sa được đặt ra là nếu bị tàu tuần tra Trung Quốc bắt giữ sẽ bị xử lý như thế nào? Cả Tổng biên tập Nguyễn Anh Tuấn và Phó Tổng biên tập Phạm Tuấn đặt câu hỏi cho riêng tôi và tôi phải trả lời.

Để giải quyết vấn đề khó khăn và trả lời câu hỏi này, tôi đã nhiều đêm suy nghĩ và quyết định trở thành ngư dân trên bất kỳ con tàu đánh bắt xa bờ nào ra Hoàng Sa, và quyết định của tôi được lãnh đạo cơ quan chấp nhận.

Nhưng phương tiện máy móc tác nghiệp mang theo sẽ được xử lý như thế nào khi bị bắt giữ?

Sau nhiều đêm suy nghĩ, tôi xin ý kiến toàn bộ phương tiện tác nghiệp mang theo, nếu lỡ bị bắt sẽ vứt xuống biển. Cố gắng giữ thẻ nhớ ghi hình ảnh tư liệu để mang về là đủ. Ngay sau khi nhận báo cáo qua điện thoại, tòa soạn đã đồng ý.
 
Còn nhớ, khi tôi gọi điện hỏi phòng hành chính cơ quan về thủ tục đi công tác. Một chị bảo tôi cứ đi và... "lấy chứng từ hóa đơn về cơ quan thanh toán". Nhưng ra Hoàng Sa thì lấy đâu ra hóa đơn đỏ, lấy đâu ra chứng từ để thanh toán?

Kinh phí ra Hoàng Sa được tòa soạn chỉ đạo: Tự quyết định, bằng mọi giá phải có loạt bài về Hoàng Sa. Hết!

Mệnh lệnh được ban ra, chỉ mỗi mình tôi âm thầm chuẩn bị,  tự quyết định và tự chịu trách nhiệm trước Ban biên tập.

Vũ Trung
(còn nữa)