Thượng tá Đặng Văn Thanh - Trưởng Công an TP Mỹ Tho (Tiền Giang) cho biết, cơ quan điều tra vừa khởi tố vụ án làm giả giấy chứng nhận và các tài liệu khác của cơ quan tổ chức sau khi làm rõ “hành trình” lên đời của một chiếc ôtô được sản xuất từ cách nay 23 năm...
 

Ngày 31/5, Cơ quan CSĐT Công an Tiền Giang cho biết vừa tiếp nhận 5 đối tượng trong đường dây làm giấy tờ, bằng lái và biển số xe rởm do Công an TP Hồ Chí Minh bắt và chuyển đến vào chiều 30/5. Đó là các đối tượng Trần Quốc Việt (31 tuổi), Ngô Văn Đồng (27 tuổi), Ngô Văn Long (39 tuổi, anh trai Đồng), Thái Quang Phú (36 tuổi) và Nguyễn Thị Kiều (31 tuổi).

Tang vật vụ án
Các đối tượng này đã bị bắt quả tang khi đang đang giao nhận hồ sơ, giấy tờ giả tại một quán cà phê thuộc xã Tân Xuân, huyện Hóc Môn (TP Hồ Chí Minh).
 
Trước đó, Thượng tá Đặng Văn Thanh – Trưởng Công an TP Mỹ Tho (Tiền Giang) cho biết, cơ quan điều tra cũng vừa khởi tố vụ án làm giả giấy chứng nhận và các tài liệu khác của cơ quan tổ chức sau khi làm rõ “hành trình” lên đời của một chiếc ôtô được sản xuất từ cách nay 23 năm.
 
Vụ án bắt đầu khi Công an TP Mỹ Tho tiếp nhận nguồn tin tố giác của nhân dân. Qua kiểm tra, phát hiện có nhiều dấu hiệu bất minh từ chiếc xe ôtô Toyota Camry màu đen, BKS 63A-000.50 do Lê Hoài Phương (42 tuổi, ngụ phường 7, TP Mỹ Tho) điều khiển.
 
Theo trình bày của ông Phương, cuối năm 2011, ông cho chị Võ Nguyễn Phượng Uyên (36 tuổi, ngụ phường 4, TP Mỹ Tho) mượn 200 triệu đồng và được thế chấp xe này. Chị Uyên cho biết, chị cũng được người đứng tên trong giấy chứng nhận đăng ký là Lê Thanh Hoàng (33 tuổi, ngụ xã Xuân Đông, huyện Chợ Gạo, Tiền Giang) thế chấp xe này sau khi mượn chị 200 triệu đồng, đến hẹn không có tiền trả.
 
Làm việc với cơ quan điều tra, Hoàng khai vào tháng 4/2011, thông qua một người bán xe tên Hồng, không rõ địa chỉ cụ thể (chỉ biết nhà ở Cần Giờ, TP Hồ Chí Minh - PV) bán xe ôtô này với giá 220 triệu đồng. Thấy xe còn “cứng”, Hoàng đồng ý mua và yêu cầu ông Hồng đến Phòng CSGT Công an tỉnh Tiền Giang làm thủ tục sang tên. Khoảng 10 ngày sau, ông Hồng giao xe, giấy tờ và nhận tiền. Hoàng sử dụng tới khoảng tháng 9/2011 thì thế chấp cho chị Uyên để vay 200 triệu đồng…
 
Kết hợp với đơn vị chức năng xác minh thì Công an Mỹ Tho được biết nguồn gốc chiếc xe ôtô này do Cục Kỹ thuật sư đoàn 859 thuộc Quân khu V, Bộ Quốc phòng thanh lý vào năm 1989. Xe mang nhãn hiệu Toyota Corona. Chủ sở hữu đăng ký lần đầu vào năm 1989 là ông Tiết Tấn Phát (55 tuổi, ngụ phường Phạm Ngũ Lão, quận 1, TP Hồ Chí Minh).

Sau đó, xe được sang nhượng qua nhiều chủ sở hữu khác nhau tại TP Hồ Chí Minh. Đến năm 2002, xe được chuyển vùng về tỉnh Bến Tre, do ông Dương Văn Hiệp (69 tuổi, ngụ xã Lương Hòa, Giồng Trôm) đứng tên.
 
Ngày 7/4/2008, xe được chuyển vùng sang tỉnh Tiền Giang, do ông Đào Trung Hiếu (ngụ phường 8, TP Mỹ Tho) làm chủ với BKS 63K-0869. Đến ngày 27/12/2010, xe được bán cho Hoàng, được Hoàng sơn lại từ trắng thành đen và đổi BKS sang thành 63K-000.50, số máy là 5S-0095227, số khung ST140-0021859;… theo giấy chứng nhận đăng ký do Trung tá Lê Hoàng Tiến – Phó trưởng Phòng CSGT đường bộ Công an Tiền Giang ký ngày 1/1/2011.
 
 Kết quả trưng cầu giám định số máy, phát hiện tại vị trí đóng số 5S-0095227 có dấu vết mài mòn kim loại (cho thấy dấu hiệu đục sửa số để khớp với giấy tờ của chiếc Corona thật trước đó). Còn số khung, phát hiện tại vị trí đóng số ST140-0021859 có dấu vết cắt hàn kim loại kích thước 17x5cm (cho thấy số khung của chiếc Corona thật được cắt ra, tháp sang khung của chiếc Camry).
 
Đối với mẫu giấy chứng nhận đăng ký (có nội dung: Nhãn hiệu Toyota; số loại: Camry,…), kết quả giám định cho thấy giấy này được tạo ra bằng phương pháp in lụa phun màu.
 
(Theo CAND)