- Cơ quan chức năng
vừa phát hiện tại khu vực Vũng Rô thuộc xã Hòa Xuân Nam (huyện Đông Hòa, Phú
Yên) nhiều năm qua có các “chuyên gia” Trung Quốc nhờ người Việt đứng tên chủ cơ
sở để nuôi thủy sản trái phép.
Trong 2 ngày (4 và 5/ 6), ông Phạm Đình Cự - Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, cùng
các thành viên trong đoàn công tác, đã đi kiểm tra tình hình thực tế việc người
Trung Quốc nuôi trồng thủy sản tại Vũng Rô.
Vũng Rô là vùng nước sâu được quy hoạch mở rộng cảng và phát triển công nghiệp
hóa dầu của tỉnh Phú Yên nên không cấp phép nuôi trồng thủy sản.
Thế nhưng, qua kiểm tra
bước đầu, đã xác định 100% bè nuôi cá tại Vũng Rô (khoảng 300 bè) không có giấy
phép nuôi trồng thủy sản.
Từ năm 2005 đến nay, UBND tỉnh Phú Yên đã cấp phép hoạt động cho 10 người Trung
Quốc với vai trò làm chuyên gia hướng dẫn kỹ thuật nuôi cá mú và cá bóp ở Vũng
Rô.
Tuy nhiên, những “chuyên gia” này lại chính là chủ các cơ sở nuôi cá mú và cá bóp với quy mô lớn tại đây.
Lồng bè nuôi tôm, cá của “chuyên gia” Trung Quốc tại Vũng Rô, Phú Yên |
Theo ông Đào Thái Cường,
Trưởng thôn Vũng Rô: “Họ là người nước ngoài nên khi đến đây đã thuê người Việt
Nam đứng tên lập doanh nghiệp để nuôi cá, nhưng thực chất lại chính họ làm chủ”.
Cũng theo ông Cường, có tất cả 5 bè cá nuôi tại bãi Chùa, bãi Hương và bãi Lau
do người Trung Quốc làm chủ với mỗi bè từ 100 đến 200 lồng, số lượng 1.000-
2.000 con cá. Toàn bộ vốn đầu tư ban đầu đến con giống và trả tiền nhân công đều
do người Trung Quốc lo liệu.
Khi chúng tôi tiếp xúc với một bè cá mà người quản công là ông Trần Tấn Hạnh
(quê Đồng Tháp) lại không biết chủ là ai(!).
Ông Hạnh chỉ biết người trả lương cho ông là một người Trung Quốc mà ông không biết tên. Khi chúng tôi đề nghị được gặp người Trung Quốc, ông Hạnh cho rằng người này đã ngủ.
Trong khi vừa tiếp chúng
tôi, ông Hạnh liên tục nhận điện thoại và trả lời bằng tiếng Trung.
Việc xuất hiện những bè cá nuôi của người Trung Quốc ở đây đã gây nhiều bức xúc
đối với người dân địa phương.
Theo ông Đào Thái Cường, các bè này nuôi ngay trong Vũng Rô, nơi tàu thuyền ngư dân thường qua lại, nhưng khi tàu thuyền chạy gần bè lập tức nhân công trong bè kéo ra ngoài dọa đánh.
Đã có lần ông Cường phải
đứng ra giải quyết khi một chiếc xe chở thức ăn cho cá hôi tanh nồng nặc đậu
ngay trong xóm dân bị dân chặn lại phản đối.
Ông Trần Xuân Ngãi, Chủ tịch UBND xã Hòa Xuân Nam cho biết, vì Vũng Rô là vùng
được quy hoạch mở rộng cảng và phát triển công nghiệp hóa dầu nên không có tổ
chức cá nhân nào được cấp phép nuôi trồng thủy sản.
Các cơ sở nuôi trồng thủy
sản ở Vũng Rô đều là tự phát, trái phép.
Ông Phạm Minh Chu, Chủ tịch UBND huyện Đông Hòa cũng thừa nhận, huyện không hề
cấp phép nuôi trồng thủy sản và cho thuê mặt nước ở Vũng Rô đối với bất cứ tổ
chức, cá nhân nào.
Ông Hồ Văn Tiến, Chánh văn phòng kiêm người phát ngôn của UBND tỉnh Phú Yên cũng
cho biết, trước đây tỉnh này chỉ cấp phép cho Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy
sản III nuôi thử nghiệm tạm thời một số loài thủy sản ở đây. Nhưng hiện nay viện
này đã không còn nuôi trồng thủy sản ở Vũng Rô nữa.
Ngoài một số cơ sở tư nhân có “chuyên gia” Trung Quốc, theo UBND xã Hòa Xuân
Nam, hiện có 3 doanh nghiệp nuôi cá mú, cá bóp tại Vũng Rô có người Trung Quốc
trông coi. Các doanh nghiệp và cá nhân này nuôi thủy sản trái phép ở Vũng Rô 7
năm nay.
Ông Trần Xuân Ngãi cho rằng vì không được cấp phép nên xã cũng không thể quản
lý, thu thuế đối với các doanh nghiệp, cá nhân này. Thay vào đó, xã chỉ vận động
các doanh nghiệp tùy lòng hảo tâm đóng góp để xây dựng xã với trung bình mỗi năm
từ 500 ngàn đồng đến 1 triệu đồng.
Trong khi đó, việc xuất nhập khẩu của các cơ sở nuôi trồng thủy sản ở đây xã
cũng không thể quản lý. Theo ông Ngãi, các cơ sở này nhập thẳng con giống từ
nước ngoài bằng tàu vào Vũng Rô rồi xuất cá thương phẩm cũng bằng tàu ra nước
ngoài nhưng không có cơ quan nào quản lý và thu thuế.
Theo ông Nguyễn Tấn Thành, Trưởng công an xã Hòa Xuân Nam, mỗi năm xã chỉ tiến
hành kiểm tra việc tạm trú tạm vắng một lần đối với người nước ngoài.
Tuy nhiên, từ đầu năm đến
nay, xã chưa tiến hành kiểm tra. “Do việc kiểm tra đối với người nước ngoài có
rất nhiều thủ tục, cần nhiều đơn vị phối hợp nên không thể kiểm tra thường
xuyên”- ông Thành nói.
Mạnh Hoài Nam