- Khối tài sản tranh chấp có giá trị đặc biệt lớn nên án phí phải chịu nếu thua kiện sẽ rất cao, đồng thời khi nộp đơn khởi kiện, bên khởi kiện cũng sẽ phải đóng một khoản tiền khá lớn tương ứng với giá trị tài sản tranh chấp...

Nếu hai bên không thể thỏa thuận dẫn đến khởi kiện ra tòa, mức án phí phải nộp sẽ là bao nhiêu? VietNamNet xin thông tin đến bạn đọc về một khía cạnh khác có thể phát sinh trong vụ tranh chấp này.

Tranh chấp thừa kế hay kiện đòi tài sản?

Trao đổi với VietNamNet, luật sư Nguyễn Thành Công – Đoàn luật sư TP.HCM cho rằng: vì bà T.K.P.(66 tuổi, Q.Tân Phú, TP.HCM) chết không để lại di chúc nên toàn bộ khối tài sản bà để lại sẽ được chia thừa kế theo pháp luật.

Về chia thừa kế theo pháp luật, Ðiều 676 Bộ luật Dân sự quy định cụ thể: “Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây: a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết; b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại”.Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản”.

Vì thế, trong trường hợp này chị T.H.H.L là người duy nhất thuộc hàng thừa kế thứ nhất nên được thừa hưởng toàn bộ khối tài sản trên. Nếu các anh chị em của bà P. có tranh chấp về phần tài sản này vì cho rằng họ có phần đóng góp thì đây là tranh chấp đòi lại tài sản chứ không phải tranh chấp quyền thừa kế.

Với khối sản khổng lồ, giới luật sư khuyên các bên liên quan trong vụ tranh chấp 1.000 tỷ nên thương lượng, giải quyết với nhau…thay vì kéo nhau ra Tòa để phải đóng lệ phí “khủng”

Đồng quan điểm với ý kiến trên, luật sư Trần Ngọc Quý – Đoàn luật sư TP.HCM nhận định đây không phải là quan hệ tranh chấp về thừa kế vì các anh chị em của bà P không thuộc hàng thừa kế thứ nhất theo quy định.

Do đó, nếu các anh chị em của bà P. có đóng góp tài sản, tiền bạc, công sức vào khối tài sản của bà P. chết để lại thì họ tiến hành khởi kiện đòi lại tài sản.

Chị L. sẽ là người tiếp nhận quyền và nghĩa vụ của bà P. để giải quyết tranh chấp việc đòi lại tài sản của các anh, chị, em của bà.

Nếu kiện, án phí bao nhiêu?

Trao đổi về vấn đề này, luật sư Trần Ngọc Quý – Đoàn luật sư TP.HCM chia sẻ một số thông tin liên quan đến cách tính tiền án phí và tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm để tòa án thụ lý giải quyết nếu các bên tranh chấp dẫn đến việc khởi kiện ra tòa.

Theo luật sư Quý, tại Điều 130 Bộ luật Tố tụng Dân sự quy định người nộp đơn yêu cầu Tòa án giải quyết việc dân sự phải nộp tiền tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm và tạm ứng lệ phí giải quyết việc dân sự đó, trừ trường hợp không phải nộp tiền tạm ứng án phí, lệ phí theo quy định.

Tại khoản 4 Điều 25 Pháp lệnh về án phí, lệ phí Tòa án năm 2009, người khởi kiện phải nộp tiền tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm bằng 50% mức án phí dân sự sơ thẩm mà Tòa án dự tính theo giá trị tài sản có tranh chấp mà đương sự yêu cầu giải quyết.

Cụ thể, đối với mức án phí sơ thẩm đối với các vụ án về tranh chấp dân sự...được tính như sau: đối với các tranh chấp có giá trị tài sản tranh chấp từ trên 4 tỷ đồng sẽ bằng 112.000.000 đồng cộng với 0,1% của phần giá trị tài sản có tranh chấp vượt quá 4.000.000.000 đồng.

Luật sư ví dụ: Người khởi kiện là ông A khởi kiện đối với tài sản tranh chấp có giá trị tài sản là 50.000.000.000 đồng (Năm mươi tỷ đồng) thì mức án phí dân sự sơ thẩm dự kiến sẽ là: 112.000.000 đồng + (50.000.000.000 đồng – 4.000.000.000 đồng) × 0,1% = 158.000.000 đồng. Do đó số tiền tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm ông A phải nộp khi tiến hành khởi kiện để Tòa án thụ lý giải quyết vụ kiện sẽ là :158.000.000 đồng × 50% = 79.000.000 đồng.

Luật cũng quy định, đương sự phải chịu án phí sơ thẩm nếu yêu cầu của họ không được Tòa án chấp nhận (nếu thua kiện), trừ trường hợp được miễn hoặc không phải nộp theo quy định.

Do vậy, theo luật sư Quý, khối tài sản tranh chấp ở đây có giá trị đặc biệt lớn nên khoản án phí phải chịu nếu thua kiện sẽ rất cao, đồng thời khi nộp đơn khởi kiện, bên khởi kiện cũng sẽ phải đóng một khoản tiền khá lớn tương ứng với giá trị tài sản tranh chấp nên họ cần cân nhắc kỹ khi đưa ra quyết định này.

Từ đó, luật sư Trần Ngọc Quý cho rằng vụ việc xuất phát từ trong quan hệ gia đình, các bên liên quan nên tiến hành thương lượng hòa giải với nhau trên tinh thần thương yêu, đùm bọc, chia sẻ để vừa đảm bảo hài hòa lợi ích chính đáng, hợp pháp của các bên liên quan và vẫn giữ được hòa khí trong gia đình.

M.Phượng