- Trượt dài trong những tháng ngày chỉ biết đến thuốc lắc, trong số những người bạn nghiện, đã không ít người vì dùng thuốc lắc quá nhiều đến độ bị điên... Khi nhớ lại quãng thời gian đó, N. không khỏi rùng mình ghê sợ.
 
Cú sốc

Đã có thể nở nụ cười trên môi sau 2 tháng được đưa vào Trung tâm 2, Nguyễn Hồng N. (SN 1983, ở Hương Sơn, Thái Nguyên) kinh hãi nhớ lại những ngày đen tối của mình.

Mọi sóng gió đã qua, N. đã dần lấy lại thăng bằng và cô cởi mở kể về quá khứ của mình.

Cuối năm 2000, khi mới 17 tuổi, học hành còn dở dang, N. đã lấy chồng. Chồng N. là người đàn ông hơn cô tới cả chục tuổi, nhà ở Cổ Nhuế, Hà Nội, là con trai người bạn cùng chiến trường với bố N.

Nhưng hạnh phúc chưa được bao lâu, đến năm 2001, nhận được điện thoại của người lạ, N. lao ra đường và cô ngất xỉu khi phải chứng kiến cảnh chồng nằm trên vũng máu vì tai nạn giao thông. Khi đó N. mới vừa sinh con.
 

 N. tâm sự: “Nếu được trở về, em sợ mình sẽ không thoát khỏi cám dỗ khi bị đám bạn xấu lôi kéo. Giờ em đã có tuổi rồi, không còn thời gian cho em làm lại. Em rất sợ khi con trai nhìn mình với con mắt ghẻ lạnh, khinh rẻ...”.

Cú sốc đó khiến N. khi tỉnh dậy không còn nói được nữa. Cô bị câm, cả ngày không ăn uống gì, suốt mấy tháng ròng chỉ nằm trong căn phòng của hai vợ chồng, ôm ảnh chồng mà khóc.

Một hôm, khi N. ở nhà một mình với đứa cháu nhỏ, đứa bé nghịch ngợm khiến dao đâm vào chân, máu chảy nhiều, sợ hãi gọi tên chồng N. Nghe đứa cháu vừa khóc vừa gọi tên chồng, N. lao ra ngoài ôm lấy cháu và cũng khóc theo nói: “Chú chết rồi còn đâu mà gọi”.

Vậy là sau 3 tháng, N. đã nói được trở lại. Lúc đầu N. còn ngọng nghịu, khó nhọc khi bật âm. Mất một thời gian N. mới nói được như bình thường.

Một năm sau đó, N. ôn thi và cô thi đỗ vào một trường Trung học Nghệ thuật ở Thái Nguyên. Những tưởng tương lai rạng ngời sau cánh cổng trường nghệ thuật. Nhưng không, cũng chính từ đây N. trượt dài vào những tháng ngày đen tối.

Những ngày đen tối

Bỏ con lại cho nhà nội nuôi dưỡng, N. về Thái Nguyên theo học trường nghệ thuật. Cũng trong môi trường này, N. đã gặp những người bạn chơi bời. Một lần, được cô bạn học rủ bỏ học về Hà Nội làm cho một quán cà phê trá hình, N. đã gật đầu đồng ý khi cô mới bước sang năm học thứ hai.

Trong môi trường xấu, N. dần dà bị kéo vào con đường hư hỏng, cô bắt đầu nếm mùi “bay”, “lắc” và nghiện “đá” lúc nào không hay.

Lần đầu lên cơn vật thuốc, vã mồ hôi, ngáp vặt, người bứt rứt... N. hoảng sợ không hiểu sao mình lại bị như vậy... Và khi đã nghiện, một lần sang quận Long Biên mua thuốc, N. bị công an bắt giữ và bị đưa vào Trung tâm 2.

Khi cô trở về vào tháng 10/ 2008, đứa con trai đã lớn vổng. Nó không nhận ra mẹ và gia đình nhà chồng cũng không muốn N. tiếp xúc với con vì sợ đứa trẻ sẽ bị ảnh hưởng xấu từ người mẹ.

Trong lúc đau đớn nhất đó, người bác của N. sống ở Đức nhận nuôi đứa trẻ. N lấy quyền làm mẹ đã đồng ý cho con sang Đức với người bác ruột với hy vọng nó sẽ có một tương lai sáng sủa hơn.

Gửi con sang cho bác, N. lại bắt đầu trượt dài trong những tháng ngày sống bầy đàn và chơi “đá”. N nhớ lại: “Để có tiền dùng “đá”, em buôn thứ đó luôn. Khi sẵn hàng, cả ngày bọn em ở trong căn phòng tăm tối để dùng “đá”. Khi đã chơi thứ đó thì bọn em không còn có cảm giác đói, chỉ thấy khát. Thế nhưng cứ uống nước vào là lại nôn”.

Dùng “đá” một thời gian, cả nhóm bắt đầu rơi vào trạng thái hoang tưởng. N kể: “Em bắt đầu có tính đa nghi. Em nghi ngờ tất cả mọi người. Lúc đó khi ra ngồi ở quán nước, nhìn thấy người lạ nào em cũng nghĩ họ là công an mật. Ngay cả bà bán quán em cũng nghĩ bà ta được công an trả tiền để theo dõi em...

Một vài người bạn của em cũng bắt đầu mắc chứng hoang tưởng. Họ sẵn sàng cầm sao rượt người thân hoặc người đi đường chỉ vì cho rằng họ sắp bị người ta tấn công. Có anh bạn em còn ném cả đứa con nhỏ ra đường vì nghĩ nó sắp làm hại anh ta...”.

Trong số những người bạn nghiện của N. đã có tới 5 người phải vào Bệnh viện tâm thần Trâu Quỳ sau thời gian dài chơi “đá”. Khi nghĩ đến kết cục một là phải vào Trâu Qùy, hai là bị đi tù vì bị bắt khi buôn “đá”, N. thấy mình vẫn còn may mắn khi đang được “cải tạo” ở Trung tâm 2.

Bị công an phường Bạch Đằng đưa vào Trung tâm 2 trong đợt truy quét ngày 30/4, đến nay N. đã cắt cơn, khi tỉnh táo trở lại, N. vẫn thấy sợ khi nhớ lại những ngày đen tối vừa qua của mình.

N. tâm sự: “Nếu được trở về, em sợ mình sẽ không thoát khỏi cám dỗ khi bị đám bạn xấu lôi kéo. Giờ em đã có tuổi rồi, không còn thời gian cho em làm lại. Em rất sợ khi con trai nhìn mình với con mắt ghẻ lạnh, khinh rẻ...”.

Cũng bởi vậy, N. đã quyết, khi “mãn hạn”, cô sẽ xin ở lại Trung tâm 2 để làm việc, kiếm những đồng tiền ít ỏi nhưng lương thiện và tâm hồn được thư thái.

T.Nhung