- Giá xăng dầu giảm, lãi suất hạ trần, nhiều thông tin tốt xuất hiện có giúp các doanh nghiệp vận tải nhen nhóm tia hy vọng thoát khỏi những ngày “làm giữ tiếng, chạy cầm hơi”?

Cước vận tải hành khách và vận tải hàng hoá vừa có động thái giảm dù giá xăng dầu đã 3 lần hạ nhiệt. Nhưng với mức giảm không đáng kể, nên nhiều ý kiến cho rằng các doanh nghiệp vận tải đang trong bối cảnh “một tay chống cằm, một tay gõ bàn”.

Cước vận tải leo cao, xuống khẽ…

Chiều ngày 10/06, trao đổi với PV VietNamNet, ông Tạ Long Hỷ, Chủ tịch Hiệp hội taxi TP.HCM cho hay, các hãng taxi trên địa bàn thành phố chính thức sẽ điều chỉnh giá cước giảm, thay đổi niêm yết cũ.
 
Taxi giảm giá cước không có nghĩa tình hình kinh doanh vận tải đã thoát khỏi khó khăn.

Tính từ đầu năm 2012, giá xăng đã tăng 2 lần (7/3 và 20/4) với tổng mức tăng là 3.000 đồng. Sau đó, do diễn biến giảm của thị trường thế giới, giá bán lẻ trong nước cũng được điều chỉnh giảm 3 lần (9/5, 23/5 và mới đây nhất là 7/6) với tổng mức giảm 1.900 đồng.

Ông Hỷ cho biết, bắt đầu từ sáng ngày 11/6, quá trình niêm yết giá giảm sẽ bắt đầu sau khi cài đặt lại hệ thồng đồng hồ tính cước. Tuy nhiên, việc giảm giá lần này, theo ông Hỷ đánh giá là “giảm cũng được mà không giảm cũng được”.

Vào thời điểm xăng tăng giá lần đầu, taxi Vinasun đã niêm yết giá cước mới tăng từ 1500-2000 đồng/1 km. Taxi Mai Linh cũng tăng cước thêm 600-1000 đồng/1 km. Do các chủng loại phương tiện khác nhau nên điều chỉnh tăng giữa các hãng có sự khác biệt.

Cũng thời điểm này, vé xe khách cho lộ trình từ TP.HCM đi các tỉnh cũng điều chỉnh tăng trở thành gánh nặng chi tiêu “quá hớp” mà người dân phải gánh.

Còn phía vận tải hàng hoá khi ấy lại gặp tình cảnh éo le hơn. Khi xăng tăng giá, hầu hết các hợp đồng dài hạn đã ký với các đối tác không thể điều chỉnh hoặc phía đối tác chỉ chịu chia sẻ một phần thiệt hại, nên nhiều doanh nghiệp vận tải hàng hoá đã nuốt nước mắt chấp nhận “xuống nước” để cắt lỗ.

Cho đến nay, khi xăng dầu giảm đến đợt thứ 3, cùng với thông tin giảm trần lãi suất huy động về 9% và cho vay về 12% một năm, nhiều người xem đó là tín hiệu khả quan rõ rệt. Nhưng, chỉ nhìn vào việc taxi giảm giá cước lần này có đủ chứng minh được bộ mặt kinh doanh vận tải sẽ “tươi” hơn lúc trước ?

Sẽ tiếp tục gian nan!

Ông Thái Văn Chung, Tổng thư ký Hiệp hội vận tải TP.HCM nói: “Thực ra, lần giảm giá xăng mới đây không tác động đáng kể đến ngành vận tải do xăng dầu chỉ chiếm 40% trong chi phí. Huống hồ giá xăng dù có giảm 3 lần cũng không bằng giá tăng của lần đầu tiên”.

 
Nhiều doanh nghiệp vận tải đang “làm giữ tiếng, chạy cầm hơi”.

Ông Chung cho rằng, ngoài việc xăng giảm giá, việc lãi suất ngân hàng giảm cũng là thông tin tốt. Nhưng, trên thực tế nhiều doanh nghiệp vận tải vẫn không tiếp cận được nguồn vốn này nhằm cải thiện dư nợ của lãi suất vay cũ ở mức cao ngất ngưởng.

Bà Nguyễn Thị Thắm, chủ nhiệm một hợp tác xã ở Đồng Nai chia sẻ: “Thông tin giảm trần lãi suất vẫn “lơ lửng” trên đầu các doanh nghiệp vận tải, chứ thực tế khi làm việc với ngân hàng mới thấy khó như…lên trời, ngay cả khi bên vay thuộc đối tượng được ưu đãi lãi suất. Thời điểm này, các khoản vay đều bị cho là có độ rủi ro cao. Mà theo nguyên tắc tín dụng, nếu rủi ro cao thì lãi suất phải cao để ngân hàng bù đắp rủi ro.

“Chính vì vậy, kịch bản xe chạy trên đường nhưng biển số xe, giấy tờ đất đặt trụ sở doanh nghiệp lại nằm ở… ngân hàng đã trở thành chuyện bình thường với các doanh nghiệp vận tải. Bây giờ, được mấy doanh nghiệp còn tài sản thế chấp để tiếp cận vốn ngân hàng, 12%/1 năm vẫn còn là giấc mơ. Không mở rộng quy mô sản xuất, không đầu tư mạo hiểm, chỉ làm giữ tiếng, chạy cầm hơi được đã là thành công rồi” - bà Thắm nói.

Trả lời PV VietNamNet, ông Hồ Huy, Chủ tịch Hội đồng quản trị Mai Linh nói: “Chúng tôi sẽ điều chỉnh cước taxi giảm vào tuần tới nhưng chưa tính toán cụ thể sẽ giảm bao nhiêu”. Trước đó, trong lần tăng giá cước gần nhất, phía Mai Linh dự báo sẽ sụt giảm 2% số lượng khách so với mức cước cũ sau khi tăng. Cùng với mức giảm cước lần này được dự báo là không nhiều, có thể khẳng định con số sụt giảm hành khách ấy sẽ khó lòng cải thiện.

Nếu nhìn từ những con số, với hơn 49.000 doanh nghiệp cả nước phá sản (trong đó có phần lớn là doanh nghiệp vận tải) từ đầu năm 2012 đến nay, những thông tin về giá xăng và trần lãi suất vừa rồi có lẽ chưa đủ lực tạo ra những cú hích giúp doanh nghiệp vận tải lội ngược dòng khủng hoảng.

Quốc Quang