- "Người dân nên hạn chế mua các loại bánh kẹo sặc sỡ vì trong thành phần của nó có thể chứa các phẩm màu công nghiệp gây ung thư (các phẩm màu công nghiệp sẽ khiến màu sắc long lanh, tươi sáng hơn)".

Xà lách, rau muống, … tăng giá gấp đôi

Tại chợ Gia Lâm (Hà Nội), xà lách đang được bán với giá từ 16-18.000 đồng/kg. Cách đây khoảng 10 ngày, giá loại rau này chỉ rơi vào khoảng 9.000 đến 10.000 đồng/kg.

Các loại rau ăn hàng ngày như rau muống, cải cúc, ngải cứu, rau cần, … cũng đang tăng giá mạnh. Rau muống tăng lên 5.000-6.000 đồng/bó. Hành củ, cà chua cũng không đứng ngoài cuộc. Với mức giá 15.000-18.000 đồng/kg, cà chua đã bỏ xa mức 10.000-12.000 đồng/kg cách đây nửa tháng.

Các loại rau xanh tăng giá mạnh, có loại tăng gấp đôi so với giá cách đây 7-10 ngày (Ảnh chụp tại chợ Gia Lâm)


Các loại thịt gia súc, gia cầm cũng đồng loạt nâng giá bán. Thịt thăn lợn hiện đang bán với giá 10.000 đồng/lạng (tăng 1.500 đến 2.000 đồng/lạng); thịt mông, vai 8.000 đồng/lạng; thịt ba chỉ (rọi) có giá 8.000 đồng/lạng.

Theo một số chủ quầy thịt lợn tại chợ Thành Công, thì hiện nay thịt rọi đang bán chạy vì những hộ kinh doanh bánh chưng đã đặt hàng loại thịt này với số lượng lớn để làm nhân bánh.

Thịt bò cũng tăng đến 16.000-18.000 đồng/lạng (thịt loại 1). So với giá cũ thì mức này cao hơn khoảng 2.000 đồng/lạng. Thịt gà ta đang dao động trong mức 110.000-120.000 đồng/kg (đã làm sạch).

Trên thị trường hiện nay, chỉ có các loại cá là chưa có dấu hiệu tăng giá.

Trước thời điểm giá thực phẩm, rau củ quả “nóng lên”, Cục trồng trọt và Cục chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn) nhận định 2 ngành này hoàn toàn đủ sức cung ứng cho nhu cầu tăng vọt (khoảng 20%) vào dịp Tết của thị trường cả nước bởi dịch bệnh đã được kiểm soát, tình hình trồng trọt chăn nuôi đi vào nề nếp và không có đột biến nào theo chiều hướng xấu.

Tuy không có tâm lý mua dự trữ quá nhiều nhưng mặt hàng khô cũng tăng giá từ 20-30% (Ảnh chụp tại chợ Thành Công)


Đại diện Cục trồng trọt và Cục chăn nuôi khẳng định, đến nay chưa có dấu hiệu nào cho thấy thị trường tiêu dùng khan hiếm hàng hóa (ở mọi loại). Vì vậy, việc tăng giá như hiện nay không do nguồn cung mà do việc tăng chung của cả thị trường vào dịp Tết Nguyên đán. Mặt khác, thời gian này diễn ra các đợt rét đậm kéo dài đến cả tháng trời khiến giá nông sản tăng cũng là điều dễ hiểu.

Đồ khô tăng giá 30-40%

Do người dân đã bắt đầu rục rịch sắm Tết nên giá các loại đồ khô như măng khô, tôm khô, miến, bánh đa nem, mộc nhĩ, nấm hương, bánh kẹo, … đã đội giá khoảng 30-70% so với giá hồi đầu tháng 1.

Nhiều loại bánh kẹo tại chợ Đồng Xuân bị phát hiện có nguồn gốc từ Trung Quốc nhưng chủ kinh doanh không xuất trình được giấy tờ. 

Cụ thể: tôm khô loại thường tại chợ Thành Công tăng từ 300.000 đồng lên 350.000 đồng/kg, tôm khô loại ngon tăng tù 410.000 đồng/kg lên 600.000 đồng/kg. Thậm chí loại ngon nhất có giá tới 1 triệu đồng/kg nhưng vẫn rất đắt hàng. Lạp xưởng cũng tăng từ 120.000 lên 180.000 đồng/kg. Mực khô tẩm gia vị tăng thêm 100.000 đồng mỗi kg.

Trước tình trạng an toàn vệ sinh thực phẩm nóng lên trước Tết bằng các vụ việc như phát hiện chất ung thư trong gia vị lẩu, trong gia vị thường, trong muối – tương ớt, ông Nguyễn Công Khẩn – Cục trưởng Cục an toàn vệ sinh thực phẩm khuyến cáo người dân cần mua hàng hóa rõ nguồn gốc xuất xứ, có hóa đơn đàng hoàng, có nhãn mác ghi rõ các thông số về sản phẩm để đảm bảo chất lượng.

Những khuyến cáo này không thừa, vì trên thực tế đã phát hiện nguyên liệu làm bún, làm miến, mỳ khô …ở các làng nghề quanh Hà Nội đều được nhập về từ Trung Quốc và được để trong các thùng sắt bẩn, có nhiều thùng chứa nguyên liệu đã bị mốc hoặc bốc mùi ôi thiu. Những sản phẩm này đều được tung ra thị trường mà không có nhãn mác cụ thể.

Cẩn thận với bánh kẹo

Song song với các loại đồ ăn khô, các loại bánh kẹo, mứt truyền thống cũng tăng giá khoảng 30-40% tại thời điểm này.

Trong ngày kiểm tra an toàn thực phẩm cách đây 1 tuần tại chợ Đồng Xuân, đoàn thanh tra liên ngành của Thành phố Hà Nội cho biết, phần lớn các mặt hàng bánh kẹo tại chợ Đồng Xuân đều nhập khẩu từ Trung Quốc đều không có tem phụ, nhãn phụ bằng tiếng Việt; hầu hết các chủ hàng đều không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ.

Điểm đáng chú ý là các mặt hàng này tuy lấy từ Trung Quốc nhưng đều ghi trên nhãn mác là “đặc sản Việt Nam” để đánh lừa người tiêu dùng. Đây đều là các sản phẩm có màu sắc sặc sỡ, bắt mắt.

Bà Lê Thị Bạch Mai, Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cũng cảnh báo người dân nên hạn chế mua các loại bánh kẹo sặc sỡ vì trong thành phần của nó có thể chứa các phẩm màu công nghiệp gây ung thư (các phẩm màu công nghiệp sẽ khiến màu sắc long lanh, tươi sáng hơn).

Nắm bắt được xu hướng tiêu dùng ngày càng cao cấp của người dân, nhiều siêu thị đã đưa ra các loai  bánh kẹo đắt tiền và cam kết đảm bảo chất lượng. Rất nhiều loại bánh sôcôla, bánh kem, bánh xốp được quảng cáo là nhập khẩu từ Đức, Úc, .. về bán với giá trung bình 300.000 đồng/hộp, có loại có giá 600 đến 700.000 đồng/hộp, lượng khách mua cũng tương đối đông.

  • Cẩm Quyên