- Nếu ngày 1/7 tới quyết định “xoá sổ” Bến xe Lương Yên được thực hiện, các doanh nghiệp vận tải trong bến sẽ lâm vào tình cảnh vô cùng khó khăn. Tuy nhiên, ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết: Đến thời điểm này, Sở vẫn chưa nhận được công văn xin đóng cửa Bến xe Lương Yên của  Tổng Công ty Lương thực Miền Bắc...

Đẩy nhà xe vào thế khó!

Chưa đầy 20 ngày nữa sẽ tới hạn bến xe Lương Yên bị đóng cửa giao cho chủ đầu - Tổng Công ty Lương thực Miền Bắc xây dựng công trình hỗn hợp sau 8 năm đưa vào khai thác. Tuy nhiên, nhiều nhà xe cho biết vẫn chưa nhận được văn bản chính thức nào đề cập đến việc đóng cửa bến.

Anh Hải, quản lý xe khách chạy tuyến Lương Yên - Cẩm Phả cho biết: Hiện anh chưa nhận được thông báo cụ thể từ 1/7 sẽ đóng cửa bến xe Lương Yên mà chỉ nghe thông tin qua dư luận. Tuy nhiên, nếu điều này xảy ra thì thật sự quá gấp gáp và đẩy các doanh nghiệp vận tải vào tình cảnh khốn khó.

“Tôi phải vay ngân hàng gần 3 tỷ đồng để mua chiếc xe 45 chỗ, bây giờ Bến xe dừng hoạt động thì chúng tôi chưa biết phải đi đâu về đâu vì các bến xe hiện nay đều trong tình trạng quá tải”, anh Hải nói.

Ông Linh cho biết: Bến xe Lương Yên được hình thành từ khá lâu, nên không thể nói đóng cửa là đóng ngay được.


Cũng tâm trạng với anh Hải, anh Hoàng Văn Thành, lái xe tuyến tuyến Hải Phòng – Hà Nội cũng cho biết: Cả tuần nay chủ chiếc xe anh đang lái phải chạy đôn chạy đáo khắp nơi đi tìm bến mới. Nhưng nếu xin vào được bến mới lại phải cạnh tranh với các xe khác trong khi lượng khách lại có hạn.

“Bến Gia Lâm khả thi nhất cả về hướng tuyến và lượng khách từ bến Lương Yên sang nhưng lốt xe còn lại không hợp lý cho hành khách đã đi quen xe”, anh Thành lo lắng.

GĐ một hãng xe tuyến Hà Nội - Quảng Ninh thông tin: Lưu lượng hành khách đi lại của tuyến xe qua Bến xe Lương Yên tương đối lớn. Do vậy việc ngừng ngay hoạt động của bến xe sẽ ảnh hưởng lớn đến thời gian của hành khách cũng như gây khó khăn cho hoạt động vận tải của các doanh nghiệp đang khai thác tại bến.

Theo vị này, nên kéo dài thêm thời gian hoạt động của bến xe, để các doanh nghiệp có thời gian thông báo, điều chỉnh, không làm xáo trộn hoạt động vận tải trên tuyến.

Bởi, các nhà xe xin được bến mới thì phải làm các thủ tục kinh doanh trong khoảng thời gian hơn nửa tháng, đó là chưa kể đến việc phải làm thủ tục đăng ký với Sở GTVT, xây dựng giá thành vận tải đăng ký giá cước vận tải, in vé, cấp vé cho các bến xe, xin cấp phù hiệu.

Không thể nói đóng là đóng!

Theo ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội, đến thời điểm này, Sở vẫn chưa nhận được công văn xin đóng cửa Bến xe Lương Yên của Tổng Công ty Lương thực Miền Bắc. 

Ông Linh cho biết, Bến xe Lương Yên được hình thành từ khá lâu, nên không thể nói đóng cửa là đóng ngay được.

"Bến xe phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân, vì vậy, khi chưa có phương án sắp xếp cho các doanh nghiệp vận tải đi đâu, bố trí cho người dân đi lại các tuyến đó như thế nào, chưa thể nói đến chuyện đóng cửa được. Phải có thời gian, lộ trình cụ thể và phải thông báo rộng rãi cho nhân dân biết", ông Linh nói. 

Ngoài ra, việc đóng cửa bến xe khách cũng không đơn giản, Công ty Lương thực cấp I Lương Yên phải có báo cáo, trình UBND TP Hà Nội, Sở GTVT cùng các cấp, ngành có thẩm quyền xem xét, phê duyệt, rồi lên phương án di dời, bố trí, sau đó mới tính đến việc đóng cửa. 

Cùng quan điểm này, đại diện Hiệp hội Vận tải TP. Hà Nội cho hay, khu đất Bến xe Lương Yên đã được UBND TP phê duyệt chuyển đổi mục đích sử dụng, bến xe phải di dời là đúng quy định. Nhưng việc di dời nên có lộ trình để các doanh nghiệp có thời gian thực hiện và Sở GTVT Hà Nội có thời gian sắp xếp xe sang các bến khác. 

Được biết, Hiệp hội vận tải TP Hà Nội đã kiến nghị UBND TP.Hà Nội, Sở GTVT Hà Nội kéo dài thời gian hoạt động của Bến xe Lương Yên.

Vũ Điệp